Xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc: Con cháu của gia đình có 3 anh hùng kêu cứu
Pháp luật - Bạn đọc 21/05/2019 14:58
Gia đình có công với cách mạng kêu kiện
Ông Trần Văn Cư, ở số 5, tổ 3, phường Hùng Vương, TP Phúc Yên có bố là cụ Trần Đương Ngọc (liệt sĩ chống Pháp) và em trai ông là ông Trần Văn Việt, liệt sĩ chống Mỹ.
Liệt sĩ Trần Đương Ngọc (tức Trần Sơn), nguyên Phó Bí thư huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc, là người có sáng kiến xây dựng Chiến khu Bãi Sậy của huyện Yên Lãng. Năm 1952, cụ Trần Đương Ngọc được cử đi dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ Nhất (ngày 2/5/1952). Tại Đại hội này, Trần Đương Ngọc được Bác Hồ khen: "Người bé, mưu cao, đánh giặc giỏi", được bầu là cán bộ gương mẫu - Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Bản lĩnh kiên cường của người cán bộ gương mẫu ấy, thể hiện trong trận chống càn không cân sức ngày 15/1/1954, với tư cách Chính ủy chỉ huy Chiến dịch "Đại Càn" trên quê hương Yên Lãng, ông Ngọc bị thương và bị giặc bắt. Biết ông là cán bộ chủ chốt của Việt Minh, giặc Pháp tìm mọi cách mua chuộc, song ông vẫn giữ khí tiết của người cộng sản, nên bị chúng thiêu sống ở thôn Xa Khúc. Sự hi sinh của người Chỉ huy trưởng quân sự huyện Yên Lãng, trở thành cái chết bất tử là nguồn sức mạnh động viên quân dân Yên Lãng xông lên diệt giặc, giành độc lập, tự do cho quê hương.
Năm 2013, liệt sĩ Trần Đương Ngọc được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trước đó, năm 2004, cụ Trần Thị Yến (bà nội của ông Cư) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, vì đã có người con độc nhất (cụ Ngọc) hi sinh vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Năm 2015, cụ Nguyễn Thị Phương (mẹ của ông Cư) có chồng là liệt sĩ, anh hùng Trần Đương Ngọc và con trai là liệt sĩ Trần Văn Việt, đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.
Bài vị thờ 3 vị anh hùng và 2 liệt sĩ của gia đình ông Trần Văn Cư. Ông Trần Văn Cư phản ánh về việc ông Bình xây dựng trên đất có sổ đỏ của gia đình bà Hạnh. |
Hiện ông Cư là cháu nội của Bà mẹ VNAH, con trai của Bà mẹ VNAH và là con trai Anh hùng LLVTND, đang thờ cúng 3 anh hùng và 2 liệt sĩ.
Con cháu 3 anh hùng, tự hào với truyền thống của gia đình, còn chính quyền địa phương chăm lo với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" đền đáp công lao với gia đình có công với nước.
Thế nhưng, hiện con cháu của 3 anh hùng đang sống chưa yên bình, bởi sự tranh chấp đất đai xây dựng với ông Đặng Minh Bình, ở thôn Đồng Đầm, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên.
Việc tranh chấp đất đai chính quyền dường như bất lực, mặc dù đã 3 lần có biên bản tạm đình chỉ việc xây dựng của gia đình ông Bình. Nhưng gia đình ông Bình vẫn không tuân thủ các quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của chính quyền địa phương, gây khiếu kiện kéo dài, mất trật tự trị an, buộc ông Cư phải khởi kiện ra tòa và mong đợi một phiên tòa nghiêm minh, đúng pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Đất chuyển nhượng đã 26 năm, không có cam kết thiếu bù, thừa trả
Năm 1952, cụ Trần Đương Ngọc được Bác Hồ khen tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, thì sau đó, ông Trần Văn Cư là liên lạc viên của Huyện đội được cử đi học trường Thiếu sinh quân Quế Lâm (Trung Quốc).
Cũng từ ngôi trường này tình bạn giữa các thiếu sinh quân trường Quế Lâm ngày càng gắn bó, nên năm 1993, ông Cư được một số anh em thiếu sinh quân cùng học ở Quế Lâm cử làm đại diện liên hệ nhờ một số lãnh đạo xã Ngọc Thanh mua 15 thửa đất ở và đất vườn của 15 hộ dân trong xã. Tất cả diện tích này đều có nguồn gốc hợp pháp, đủ điều kiện được cấp sổ đỏ.
Liên quan đến trường hợp mua đất của ông Đặng Minh Bình và vợ là bà Dư Thị Bảy, hiện gia đình ông Bình đang xây dựng nhà ở kiên cố trên đất tranh chấp với bà Trần Đạo Hạnh. Để bảo vệ quyền lợi cho mình và con gái, ông Cư có đơn tố cáo gửi tới các cấp chính quyền và cơ quan báo chí.
Ngày 2/5/2019, nhóm PV Báo Người cao tuổi đã làm việc với ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh. Ông Chung cung cấp cho nhóm PV hồ sơ chuyển nhượng đất đai của hộ ông Đặng Minh Bình với các ông Trần Văn Cư, Hoàng Thanh Sỹ, Nguyễn Mạnh Hùng, bà Trần Đạo Hạnh (đây là hồ sơ pháp lí do hộ ông Cư gửi UBND xã, để có căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai).
Theo hồ sơ này ông Bình có 4 lần chuyển nhượng đứt quyền sở hữu nhà ở và đất vườn cùng hoa màu.
Giấy chuyển nhượng đều ghi rõ chuyển nhượng đứt (có nghĩa là dứt khoát không có cam kết, đòi đất thừa hoặc bù đất thiếu giữa bên bán và bên mua, sau khi trả đủ tiền đất bán theo thực địa).
Minh chứng cho việc bán đứt không có cam kết đòi đất thừa hoặc bù đất thiếu trong chuyển nhượng mua bán, ngày 24/12/2018, các đồng sở hữu mua đất là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ngô Thị Kim Dung, Hoàng Thị Nga, Trần Đạo Hạnh và Trần Văn Cư có đơn trình báo đến UBND xã Ngọc Thanh, trong 2 năm 1993-1994, ông Bình có 4 lần có giấy chuyển nhượng đứt nhà ở đất vườn và hoa màu cho các ông Trần Văn Cư, Hoàng Thanh Sỹ, Nguyễn Mạnh Hùng, bà Trần Đạo Hạnh và anh Trần Hải tờ bản đồ số 162.
Lần thứ nhất ngày 1/1/1993, diện tích đất 3.200m2; lần 2 ngày 25/12/1993, diện tích đất 327,36m2; lần 3 ngày 17/3/1994, diện tích 309,54m2; lần thứ 4 ngày 26/5/1994, diện tích 400m2. Tổng diện tích 4 lần là 4.236,9m2 (đã trả tiền đầy đủ), thế nhưng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại chỉ có 2.795m2, hụt 1.441,9m2 so với diện tích đất mua trên giấy.
Do giấy tờ ghi rõ là chuyển nhượng đứt, không có cam kết đòi đất thừa hoặc bù đất thiếu trong chuyển nhượng mua bán, nên diện tích hụt 1.444,9m2 diện tích đất mua trên giấy so với diện tích đất được cấp sổ đỏ, những người mua đất của ông Bình không có căn cứ để đòi thêm đất phần thiếu hoặc đòi lại tiền đã mua đất "khống" của ông Bình. Ở phần đất này 3 đồng sở hữu được chia 931,6m2/suất. Năm 2003, các hộ mua đất của ông Bình đã được cấp sổ đỏ theo Tờ trình ngày 10/12/2003 của UBND xã Ngọc Thanh
Ngoài diện tích đất mua của ông Bình, các đồng sở hữu trên còn mua đất chuyển nhượng của hộ ông Phó Văn Chương và Trần Văn Chín vào tháng 1/1993. Văn bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có cam kết đòi đất thừa hoặc bù đất thiếu theo giấy chuyển nhượng.
Theo đó diện tích đất mua của hộ ông Chương, ông Chín, tổng diện tích 2.055m2, trừ lối đi vào phần đất của ông Chín, 5 đồng sử hữu được chia 501m2/suất và được cấp sổ đỏ năm 2003, theo Tờ trình ngày 10/12/2003 của UBND xã Ngọc Thanh.
Ngày 28/7/1994, ông Bình và ông Chương đại diện bên bán đất, bên mua đất có ông Cư và ông Hùng, người làm chứng là ông Trần Quyết Chiến, đã đo lại diện tích đất lần cuối của 3 hộ, ông Bình 3.427m2, ông Chương 1090,8m2 và ông Chín 1.598,9m2, cùng nhau xác nhận kí bàn giao tài sản cho ông Cư.
Diện tích đất mua của ông Bình, ông Chương và ông Chín, năm 1994 và 1995, các hộ mua đất có kí hợp đồng với ông Bình trông giữ và xây dựng tường bao.
Đến năm 1998, xã Ngọc Thanh có bản đồ đo vẽ, tại tờ bản đồ số 163 Danh pháp, diện tích đất của các ông Bình, Chín và ông Chương, đã chuyển nhượng sang tên các chủ mới là ông Hùng, ông Sỹ và bà Hạnh. Năm 2003, các hộ này được cấp sổ đỏ. (Còn nữa)
Nghiêm Thị Hằng