Xã Kỳ Khang, Huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh: Lẽ nào vô cảm trước quyền lợi chính đáng của người dân?
Pháp luật - Bạn đọc 11/09/2018 15:37
Từ năm 1999, hộ bà Trần Thị Hà, bà Trương Thị Nhị đã làm nghề sản xuất, chế biến sứa ướp muối, mỗi năm thu mua khoảng 6.000 tấn sứa tươi, sản xuất được khoản 600 tấn thành phẩm. Nhiều năm liền họ là gương điển hình sản xuất giỏi của xã và huyện. Khi sự cố môi trường biển chưa xảy ra, hoạt động thu mua, sản xuất sứa của 2 bà diễn ra bình thường, sản phẩm xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh đều được tiêu thụ hết.
Từ tháng 4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt trên biển, trôi dạt vào bờ đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang tin cá nhân, được dư luận quan tâm. Hoạt động thu mua, chế biến hải sản của các cơ sở trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung, bà Hà, bà Nhị nói riêng bị ngưng trệ, sản phẩm tồn đọng nhiều. Bà Hà, bà Nhị phải yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xác định chất lượng sản phẩm sứa theo đề nghị của khách hàng.
Ngày 5/5/2016, Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Tĩnh lập biên bản lấy mẫu (10kg) trong số 8 tấn sứa đã chế biến được đóng thùng, cùng rất nhiều sứa đang phơi giữa sân của cơ sở sản xuất sứa Thảo Nhi (bà Nhị) mang đi xét nghiệm.
Bà Hà, bà Nhị đưa ra những “bằng chứng xác thực” về “vụ sứa”, nhưng ông Nguyễn Đình Hoán, Bí thư Đảng ủy xã không chấp nhận
Ngày 20/3/2016, bà Hà xuất bán 18 tấn; bà Nhị xuất bán 21 tấn sứa đã qua chế biến cho cơ sở Khánh Vinh, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đều được tiêu thụ hết. Thế nhưng, ngày 22/5/2016, bà Hà, bà Nhị xuất bán gần 43 tấn sứa cũng cho cơ sở này, lại không bán được, vì tháng 6/2016, cả nước rộ tin biển miền Trung bị nhiễm độc, mặc cho 2 bên đã trao đổi với nhau tìm cách tháo gỡ. Vì kết quả xét nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm về sứa không được cung cấp, nên khách hàng không mua. Ông Khánh (chủ cơ sở Khánh Vinh) yêu cầu bà Hà, bà Nhị nhận lại số sứa đã mua theo quy định của hợp đồng.
Ngày 29/9/2016, bà Hà làm bản tường trình về việc giao trả lại sứa không tiêu thụ được, gửi UBND huyện Kỳ Anh và UBND xã Kỳ Khang nêu rõ: “Ngày 5/5/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy mẫu xét nghiệm, nhưng mãi đến nay không có kết quả trả lời, để chúng tôi có cơ sở tiêu thụ. Qua nhiều lần chúng tôi báo với các cơ quan chức năng để nhận kết quả, nhưng vẫn không có. Do vậy, số hàng này không tiêu thụ được làm cho chúng tôi bị thất thu nặng nề, lại còn vay tiền để trả 30 - 45 công nhân mỗi tháng…”.
Các ngày từ 12 đến 16/12/2016, sứa được trả về có Biên bản giao trả, tất toán hợp đồng theo thỏa thuận giữa 2 bên. 42.966kg sứa được tập kết tại khu vực hồ tôm cũ, do ông Nguyễn Trinh Thuyết đứng ra trông coi. Trước khi nhận lại sứa, bà Hà, bà Nhị đã trình bày sự việc với ông Đặng Hải Trinh, Trưởng thôn Trung Tiến. Ông Trinh đã thừa nhận việc này.
Ngày 18/12/2016, bà Hà tiếp tục làm bản tường trình về việc giao trả sứa “theo quy định tại Điều 4 Hợp đồng số 01032016 ngày 1/3/2016: Trong thời hạn 10 tháng kể từ ngày bên A mua và chế biến sứa, nếu hàng đưa đi tiêu thụ không hết bắt buộc bên B phải trả về cho bên A…”.
Bà Hà nói: “Tại cuộc họp đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển, ông Hoàng Văn Bẹ, Chủ tịch UBMTTQ huyện Kỳ Anh, được tăng cường về chỉ đạo xã Kỳ Khang, tôi đã phát biểu: hiện chúng tôi còn nhiều sứa bị tồn đọng… bây giờ chưa biết giải quyết như thế nào, nhưng không ai trả lời. Việc này tôi còn báo cáo với ông Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại sự cố môi trường biển huyện”.
Thông tin được kiểm chứng qua lời phát biểu của ông Bẹ tại cuộc đối thoại giữa Hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại sự cố môi trường biển huyện (Hội đồng huyện); đại diện các phòng, ban, cơ quan chức năng… do ông Bùi Minh Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh chủ trì, tổ chức vào ngày 12/5/2018.
Ngày 20/12/2016, đại diện UBND xã Kỳ Khang, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh làm việc, lập biên bản ghi rõ: “Chủ 2 cơ đã có hợp đồng với ông Đinh Văn Khánh ở Diễn Kim, huyện Diễn Châu để bán ra thị trường, nhưng khi sự cố môi trường biển xảy ra, ông Khánh đã có ý kiến với 2 chủ cơ sở đề nghị bà Hà, bà Nhị ra chở sứa về. Bà Hà, bà Nhị đã mời cán bộ cấp trên về lấy mẫu để đi kiểm nghiệm, nay đã 8 tháng mà chưa có kết quả. Vì vậy, đến nay hàng không bán được, nên ông Khánh trả lại”. Vậy nhưng, các vị đại diện xã Kỳ Khang cho rằng: “Tất cả các hợp đồng mua bán, biên bản nghiệm thu, biên bản giao trả hàng hóa giữa 2 bên chỉ là hợp đồng trao tay, không có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Bởi vậy: “Sau khi xem xét, kiểm tra hồ sơ và ý kiến của các thành phần tham gia buổi làm việc, kết luận: Về các hồ sơ các chủ cơ sở cung cấp chưa chứng minh được số sứa đưa về ngày 16/12/2016 là của bà Hà, bà Nhị xuất đi tháng 5 năm 2016… Sau khi cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguồn gốc sứa nói trên và có quyết định xử lí, thì yêu cầu các chủ cơ sở nghiêm túc chấp hành quyết định đó”.
Bản cam kết về sứa của ông Đinh Văn Khánh, Chủ cơ sở Khánh Vinh
Hơn 10 tháng sau (ngày 9/10/2017), Hội đồng tiêu hủy đã lập biên bản, tổ chức tiêu hủy số sứa theo quy trình hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Bà Hà, bà Nhị bị thiệt hại gần 2 tỉ đồng, nhưng không được Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển xã (Hội đồng xã) đề nghị bồi thường, nên bà Hà, bà Nhị viết đơn kiến nghị, khiếu nại và tìm đến Báo Người cao tuổi.
Qua xác minh nguồn gốc sứa, các thành viên Tổ kiểm tra, cơ sở Khánh Vinh đều thừa nhận: “số sứa trả về là của bà Hà, bà Nhị ở Kỳ Khang”. Thế nhưng, ông Nguyễn Đình Hoán, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo bồi thường sự cố môi trường biển và ông Hồ Xuân Trính, Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang lập luận: “Tuy họ thừa nhận vậy, nhưng qua kiểm tra tại cơ sở này không có hóa đơn, chứng từ xuất nhập sứa từ Kỳ Khang. Hợp đồng mua bán sứa cũng không có con dấu, không đủ tư cách pháp nhân, nên không có cơ sở để đền bù”!?
Ông Đinh Văn Khánh, chủ cơ sở thu mua, chế biến sứa Khánh Vinh nói: “Bà Hà, bà Nhị là bạn hàng truyền thống của chúng tôi, hằng năm 2 bên thỏa thuận mua bán mà không yêu cầu hóa đơn. Bán xong là chúng tôi trả tiền”. Ông Khánh còn cam đoan: “Những giấy tờ, văn bản mua bán sứa năm 2016 giữa 2 bên là đúng sự thật. Hôm Tổ xác minh ra làm việc và hỏi, tôi cũng đã nói là sứa của bà Hà, bà Nhị ở Kỳ Khang. Họ lập biên bản rồi đem về mà không cho tôi bản nào cả”.
“Chúng tôi không ngờ chính quyền Kỳ Anh làm đến mức như vậy. Đoàn của huyện và xã có cả công an ra tận đây để xác minh. Tôi đã nói là sứa do bà Hà, bà Nhị bán cho tôi, do sự cố môi trường biển không bán được trả về sao các anh phải ra đây để xác minh lại?” - ông Khánh nói.
(Còn tiếp).
Nhóm PVPL