Về dấu hiệu sai phạm của Thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng: Bộ trưởng Bộ Công an giao Thanh tra Bộ Công an giải quyết
Pháp luật - Bạn đọc 08/10/2019 08:39
Một: Trong thời gian giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, ông Đặng Hoàng Đa bổ nhiệm Trung tá Phạm Thanh Bình, Phó Trưởng ban Y tế, giữ chức vụ Bệnh xá trưởng Công an tỉnh không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi (quá tuổi quy định 24 tháng). Trong khi tại thời điểm đó, Bệnh xá có 6 bác sĩ, ông Tôn Văn Ẩn, Phó Bệnh xá, đủ tiêu chuẩn, nhưng không được đề nghị bổ nhiệm. Dư luận Nhân dân và cán bộ, nhân viên Bệnh xá cho rằng, do vợ chồng ông Bình là “em nuôi” của ông Đa, nên được “ưu ái” bổ nhiệm?
Hai: Trách nhiệm của ông Đặng Hoàng Đa, đối với những khoản chi không đúng dẫn đến nợ tiền ngân sách, trong thời gian từ năm 2010 đến khi ông Đa bàn giao chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho ông Lê Minh Quang.
Ba: Theo kết luận kiểm tra của tổ chức: Yêu cầu ông Đa bổ sung lí lịch cho đúng với thực tế. Cha đẻ của ông Đa là ông Đặng Văn Đợi, có thời gian ra đầu hàng địch và tham gia Trung tâm Chiêu hồi tỉnh Bạc Liêu thời gian ngắn (60 ngày), nhưng chưa phát hiện mang theo tài liệu, vũ khí. Cha vợ của ông Đa là ông Tô Đề Thật có tham gia cách mạng, sau đó đầu hàng địch, đến nay chưa có tài liệu chứng minh ông Thật có hoạt động gây thiệt hại cho cách mạng, hoặc có tội ác với cách mạng, với Nhân dân hay không. Đây là trường hợp có vấn đề lịch sử chính trị phức tạp, cần xem xét, thận trọng trong việc bố trí, sử dụng ở vị trí công tác cho phù hợp và phát huy được năng lực, đạo đức, khả năng... công tác của cán bộ. Như vậy, kết luận kiểm tra khẳng định: ông Đa khai báo về lí lịch của cha đẻ và cha vợ có nội dung chưa chính xác. Có thể thấy, đây là việc che giấu, là khai man trong hồ sơ lí lịch của ông Đa.
Kết luận khẳng định là “chưa” phát hiện, chứ không khẳng định là “không” phát hiện cha đẻ ông Đa “có mang theo tài liệu, vũ khí trong thời gian ra đầu hàng địch và tham gia Trung tâm chiêu hồi Bạc Liêu. Tương tự, cũng khẳng định là “chưa” phát hiện, chứ không khẳng định là “không” phát hiện cha vợ ông Đa khi đầu hàng địch có mang tài liệu chứng minh ông Thật có hoạt động gây thiệt hại cho cách mạng, có tội ác với cách mạng, với Nhân dân. Điều này thể hiện sự thật về nhân thân trong hồ sơ lí lịch của ông Đa đến nay vẫn chưa rõ ràng. Sự thật này là cơ sở để xem xét, kết luận ông Đa đủ tiêu chuẩn tuyển chọn vào ngành Công an Nhân dân Việt Nam hay không?
Đặc biệt, kết luận kiểm tra của tổ chức có lưu ý: “Đây là trường hợp có vấn đề lịch sử chính trị phức tạp, cần xem xét, thận trọng trong việc bố trí, sử dụng ở vị trí công tác cho phù hợp”. Trong khi đó, có thông tin (chưa được kiểm chứng) là Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kì trước chỉ đạo: Phải tổ chức kiểm điểm, xử lí kỉ luật về việc che giấu lí lịch và chuyển công tác không để ở lực lượng an ninh” đối với ông Đa. Nếu thông tin này là có thật, thì ông Đa đã kiểm điểm và bị xử lí kỉ luật hay chưa? Và tại sao không được để ở lực lượng an ninh, mà ông Đa lại được bố trí làm Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, rồi được phong hàm Thiếu tướng ngày 17/3/2017 (!?)
Bốn: Trong khi những nội dung trên đây chưa được làm rõ, kết luận, thì xuất hiện nhiều thông tin cần phải được kiểm tra, xác minh, kết luận công khai, như sau:
Có hay không việc: Năm 2009 và 2010, Công an tỉnh Sóc Trăng kí gửi 172.000 lít xăng dầu tại một doanh nghiệp ở phường 5, TP Sóc Trăng. Tiền mua nhiên liệu này được lấy từ ngân sách nhưng việc quản lí nhiên liệu kí gửi không mở sổ sách theo dõi. Đầu năm 2018, chủ doanh nghiệp được kí gửi xăng dầu bị bệnh qua đời, doanh nghiệp đã chuyển nhượng cho đại gia Trịnh Sướng; và trên 116.000 lít kí gửi tại doanh nghiệp này không có khả năng thu hồi hoàn trả ngân sách? Vậy Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng thời điểm năm 2010 là Đại tá Đặng Hoàng Đa phải có trách nhiệm như thế nào?
Có hay không việc quản lí, sử dụng “quỹ sản xuất” tại Công an tỉnh Sóc Trăng từ tháng 1/2011 đến 20/10/2016 có nhiều sai phạm? Cụ thể, tổng thu trên 38 tỉ đồng nhưng lại chi đến gần 46 tỉ đồng. Trong đó chi mua quà biếu, tiếp khách trên 39,7 tỉ đồng; chi đi công tác, hội nghị 3,4 tỉ đồng; chi cho cán bộ chiến sĩ, hỗ trợ bếp ăn trên 1 tỉ đồng và chi khác hơn 1,6 tỉ đồng. Riêng cá nhân Giám đốc Đặng Hoàng Đa thời điểm đó chi trên 28,8 tỉ đồng.
Có hay không việc do lạm chi quỹ sản xuất, Công an tỉnh Sóc Trăng thời điểm từ tháng 1/2011 đến tháng 10/2016, lúc này Đại tá Đặng Hoàng Đa làm Giám đốc, đã chỉ đạo cho tạm “mượn” cho quỹ sản xuất trên 24 tỉ đồng từ kinh phí ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, đã hoàn trả 18,5 tỉ đồng, còn nợ trên 5,4 tỉ đồng hiện không có nguồn thu nào để chi trả?
Thời làm Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, ông Đặng Hoàng Đa còn sử dụng tiền tạm ứng ngân sách Nhà nước để sử dụng cho quỹ sản xuất chi vào các khoản như tiếp khách, mua quà biếu, đi hội nghị... có đúng quy định trong việc thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí? Có đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước?
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo giải quyết
Ngày 25/9/2019, Báo Người cao tuổi nhận được Văn bản số 3088/PC-X05-P6 ngày 19/9/2019 của Thanh tra Bộ Công an gửi Cơ quan Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, có nội dung: “Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an nhận được Văn bản số 158/CV-BNCT ngày 15/8/2019 của Báo Người cao tuổi và giao Thanh tra xử lí. Tóm tắt nội dung văn bản: Phản ánh đồng chí Đặng Hoàng Đa, Phó Cục trưởng V05 Bộ Công an trong thời gian giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã bổ nhiệm đồng chí Phạm Thanh Bình giữ chức Trưởng Bệnh xá Công an tỉnh không đúng quy định; có những khoản chi không đúng dẫn đến nợ ngân sách hơn 7 tỉ đồng; khai man hồ sơ (che giấu sự thật bố đẻ và bố vợ đã từng là chiêu hồi, đầu hàng địch) để được tuyển chọn vào lực lượng Công an Nhân dân; bao che cho một số cán bộ có sai phạm... Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ quy định của pháp luật và Bộ Công an, Thanh tra Bộ Công an chuyển văn bản trên đến Cơ quan kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương để xem xét, xử lí; thông báo kết quả cho Thanh tra Bộ Công an và Báo Người cao tuổi theo quy định”.
Báo Người cao tuổi rất mong Thanh tra Bộ Công an nhanh chóng thực hiện chỉ đạo trên đây của Bộ trưởng Bộ Công an, làm rõ sự thật để giữ nghiêm kỉ cương pháp luật cũng như bảo vệ sự trong sáng và các quyền lợi chính đáng của cán bộ Công an Nhân dân.