Vẳng nghe tiếng đàn Bró trên dãy Trường Sơn
Nhịp sống văn hóa 18/02/2020 09:16
Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào Cơ Tu sinh sống lâu đời. Trải qua bao biển đổi, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, người Cơ Tu vẫn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa quý giá về phong tục, lễ hội, trang phục, âm nhạc… Đặc biệt, trong các loại nhạc cụ như Chiêng, thanh la (bhrnoóh), đàn (hjưl), đàn môi (abel), sáo (aluốt)… thì cây đàn Bró là một loại nhạc cụ đặc biệt.
Những lúc nông nhàn người Cơ Tu gặp nhau để đánh đệm hát dân ca (baboóch) hoặc hát lí (bhnoóch) cho vui vẻ. |
Cây đàn Bró, thoạt nhìn giống như cái mõ tre của người Kinh. Đó là một ống tre có một đầu kín, còn “mắt” và đầu kia có khoan một cái lỗ nhỏ, lỗ này có 2 chức năng: Thoát âm ra ngoài và là nơi bỏ (cất) que tre dùng để đánh đàn, khi không chơi đàn nữa. Chiều dài cây đàn khoảng 0,5m, đường kính dưới 0,1m. Ở thân ống, có vạt một lớp dày gần đến ruột lóng lồ ô, bề ngang khoảng 5cm, chiều dài gần chạm hai đầu lóng. Hai bên có hai “sợi tre” nhỏ cũng lấy từ thân ống làm dây đàn. Hai đầu của hai dây đàn là con đội, nâng hai sợi dây đàn lên. Muốn có “tông” cao hơn, người ta chỉ cần xê dịch con đội về phía hai đầu lóng, hai sợi “dây đàn” sẽ căng lên. Khoảng cách giữa hai sợi dây đàn theo chiều dài là một lưỡi gà làm bằng lá nón trên rừng để phát ra âm thanh.
Đàn Bró có thể “tấu” bằng hai cách. Cách thứ nhất là hai tay nắm thân đàn theo chiều dọc, hai ngón cái đặt lên hai dây đàn và gảy, dây đàn giao động, rung lên và chuyền đến lưỡi gà, phát ra âm thanh trầm hùng, rất vui tai. Muốn tấu những âm thanh khác nhau, hai ngón tay người tấu phải di chuyển vị trí gảy đàn trên dây đàn. Cách thứ hai cũng gần giống như cách thứ nhất, dùng một que tre nhỏ lớn hơn chiếc đũa để gõ vào dây đàn và ngón tay cái kia vẫn gẩy đàn như cách thứ nhất. Cần thay đổi vị trí gõ trên dây đàn để âm thanh được phong phú hơn.
Nhìn cây đàn Bró đơn giản vậy, nhưng người chế tác ra nó phải khéo tay và có năng khiếu âm nhạc để tiếng đàn được trong trẻo, đúng âm lượng thì mới chinh phục được người nghe. Già Bớt tâm sự: “Hồi trước, người Cơ Tu sinh sống trên Trường Sơn hoang dã theo lối du canh du cư. Trong rẫy có cất cái chòi tạm làm chỗ trú cho người giữ rẫy, ngăn chặn các loại chim, thú… đến phá hoại hoa màu. Ngồi trên chòi canh giữ rẫy một mình rất buồn nên tổ tiên người Cơ Tu qua bao thế hệ đã chế tạo loại đàn Bró này, nhằm đánh cho vui tai, khỏi buồn ngủ…”.
Già Đinh Văn Bớt cho hay, người Cơ Tu ở vùng thấp gọi cây đàn này là đàn Bró còn đồng bào vùng cao gọi là đàn Gơrưna. Cây đàn Bró luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hóa cộng đồng của cộng đồng và có thể đánh đệm cho hát dân ca (baboóch) hoặc hát lí (bhnoóch) của đồng bào Cơ Tu. Nếu cây đàn Abel có âm thanh mềm mại, uyển chuyển, tượng trưng cho giọng người nữ, còn cây đàn Bró có âm thanh trầm hùng, tượng trưng cho giọng của người nam. Hai cây đàn này được tấu với nhau sẽ tạo ra âm thanh hoà quyện với nhau nghe vui tai mà người Cơ Tu rất thích…
Nay vì tuổi cao, không còn đi rẫy với cây đàn Bró nữa, nhưng già Bớt vẫn chơi đàn, nhất là buổi chiều về, khi sương mờ giăng lãng đãng. Những lúc ấy, mắt của già ngó về dãy núi Trường Sơn xa mờ để nhớ về những người bạn đã ra đi không bao giờ trở lại cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước, góp phần cho người Cơ Tu được ấm no, hạnh phúc hôm nay.