Biểu tượng “Chim thiêng” trên nóc nhà gươl của người Cơ Tu
Văn hóa - Thể thao 27/10/2022 09:00
Ông Bhriu Liếc ở huyện Tây Giang, người dày công nghiên cứu về văn hóa Cơ Tu, cho biết: “Từ bao đời, người Cơ Tu sống quây quần bên nhau, những ngôi nhà xếp thành hình bầu dục, chính giữa là nhà gươl. Nếu như làng của người Ba Na, Ê Đê ở Tây Nguyên có nhà rông, làng của người Kinh có đình... thì nhà gươl là linh hồn của làng Cơ Tu. Không chỉ là chốn linh thiêng thờ cúng thần linh, đây còn là nơi bàn chuyện làng, chuyện nước, chuyện gia đình và diễn ra những lễ hội quan trọng. Vì vậy, không gian làng, trong đó linh hồn là nhà gươl, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đông người Cơ Tu…”.
Trong kiến trúc truyền thống, nhà gươl của dân tộc Cơ Tu là nhà sàn với cột cái ở giữa và 8 cột con xung quanh. Mái nhà lợp bằng lá nón hoặc lá mây, nhìn từ xa, mái gươl có hình dáng như trái xoài. Những tấm vách trong nhà gươl là những bức phù điêu, chạm trổ hình con trâu, đầu trâu, tắc kè, con trăn, kì đà và một số cảnh sinh hoạt của cộng đồng như người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con… rất sinh động.
Già Tơngôl Aping giới thiệu chim thiêng trên nóc nhà gươl thôn Pà Ting, xã Tà Bhing, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam |
Già làng Riah Nhơơih 72 tuổi, trú tại thôn Pà Ting, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang cho hay, trên hai đầu nóc nhà gươl vùng Nam Giang thường đặt biểu tượng “chim thiêng” gọi là Đhơrượp. “Chim thiêng” vừa làm đẹp cho ngôi nhà, vừa có tác dụng liên kết làm cho mái nhà thêm chắc chắn. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã thu thập được hơn 10 mẫu “chim thiêng” hình dáng khác nhau nhưng nổi bật nhất là hình chim mỏ cong G’rook và Triêng (hai loài chim quý sống trên dãy Trường Sơn).
Chúng tôi thấy trên một tấm ván hình bầu dục (dày chừng 3cm, dài 80cm, rộng 50cm) đồng bào Cơ Tu khắc đẽo thành một bố cục đẹp mắt, tinh xảo. Nếu lấy trục dọc giữa tấm gỗ làm trung tâm thì các chi tiết hai bên đối xứng nhau gần như tuyệt đối. Dưới cùng, lượn hình chữ U là hai cặp chim Triêng, con đực cưỡi trên lưng con cái, đầu hướng ra hai bên theo hình chữ S uyển chuyển. Chim Triêng tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết và hình hai đôi chim đang giao cấu đặc trưng cho tín ngưỡng phồn thực, thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở.
Già Tơngôl Aping 68 tuổi, trú tại thôn Pà Ting, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang giảng giải thêm, tiếp giáp với lưng chim triêng là biểu tượng đầu trâu, nhìn trực diện thấy rõ hai chiếc sừng cong vút tạo nên một đường tròn khép kín, nhỏ dần về phía trên. Con trâu (kpiêu) có giá trị đối với đồng bào vì nó là con vật hiến tế trong các lễ hội. Bên trên sừng trâu, hình chàng thanh niên lực lưỡng trong tư thế đưa hai tay lên chống đỡ, trụ vững cho ngôi nhà. Chàng trai còn nâng trên đầu mình hình tượng hai con hổ, chứng tỏ sự suy tôn của đồng bào với loài thú này. Các biểu tượng chim triêng, đầu trâu, chàng trai, con hổ với bố cục cân xứng và hợp lí mang khát vọng ấm no, khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở đông đúc...
Một kiểu khác, tiếp giáp với lưng chim triêng là một hàng răng cưa hình bán nguyệt mà người Cơ Tu gọi là chà rang (hàng chông) hình trăng khuyết (cà xe) và ngôi sao năm cánh. Hình mặt trăng khuyết được hiểu là sự thanh bình, yên ổn mà họ ao ước, khát khao. Trăng, sao mọc trên những mũi chông thể hiện khát vọng vươn lên để chế ngự, làm chủ tự nhiên; vừa là ý thức bảo vệ cuộc sống an lạc, thanh bình của con người. Ngoài ra, trên nóc nhà gươl còn có 3 tacooi hình chữ X (ở đoạn giữa hai đầu nóc) để giữ nóc gươl vững chắc. Không chỉ nhà gươl mới có chim thiêng mà nhiều ngôi nhà sàn, nhà dài, nhà moong cũng được trang điểm cấu trúc thẩm mĩ này. Gia chủ có thể tự làm hoặc mời nghệ nhân giỏi tạo tác các chim thiêng ưng ý để bài trí trên đầu hồi, làm cho ngôi nhà thêm sinh động. Tuy nhiên, những biểu tượng này thường có quy mô, kích cỡ nhỏ và đơn giản hơn so với nhà gươl của làng.
Già làng Riah Nhơơih tâm sự: “Nhà gươl là công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật tạo hình. Những tác phẩm điêu khắc trên nóc nhà gươl là sáng tạo kì công, mang đậm dấu ấn, phong cách nghệ thuật truyền thống Cơ Tu từ đời này sang đời khác. Nhìn bên ngoài, nhà gươl có “hồn cốt” hay không là nhờ các trang trí trên đầu nóc, đầu hồi. “Chim thiêng” không chỉ toát lên nét đẹp thiêng liêng mà còn có nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang khát vọng của cư dân cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no, phát triển…”