Tranh chấp ranh đất, tòa xử nhiều lần... vẫn “rối”!
Pháp luật - Bạn đọc 10/09/2022 10:22
Ngày 26/5/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Triệu Phong có quyết định cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất để thực hiện các bản án dân sự sơ thẩm năm 2017 và phúc thẩm năm 2018. Theo đó, buộc ông Nguyễn Văn Ngọc và vợ là bà Nguyễn Thị Bích trả lại cho bà Nguyễn Thị Như Bi 14,16m2 đất. Liền đó, ngày 27/5/2022, ông Ngọc có tờ trình về việc ra quyết định cưỡng chế thi hành án gửi Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị đề nghị: “Ngăn chặn hành vi cưỡng chế của Chi cục Thi hành án huyện Triệu Phong; Nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho gia đình tôi theo quy định của pháp luật”.
Theo tờ trình, hai gia đình ở trên đất ông bà để lại cho con cháu có ranh giới rõ ràng và đều có sổ đỏ năm 1997. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng, bà Bi cấu kết với cán bộ địa phương làm số liệu bản đồ giả để đòi đất của gia đình ông. “Sau 2 lần xét xử của TAND huyện Triệu Phong đều không thể thi hành án được. Cuối cùng TAND tỉnh Quảng Trị đã ra Bản án dân sự phúc thẩm ngày 20/4/2018. Các chứng cứ về thửa đất ở của nhà tôi mà tôi đã gửi đến các cơ quan thông qua: Tờ trình, đơn khiếu nại, tố cáo, kêu cứu lãnh đạo của tỉnh nhà. Do chưa được sự quan tâm của quý lãnh đạo tỉnh, cho đến nay mọi việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm dẫn đến Chi cục Thi hành án ra Quyết định cưỡng chế thi hành để buộc gia đình tôi trả đất cho gia đình bà Bi”.
Nhà ông Ngọc sau khi bị cưỡng chế |
Ngày 9/6/2022, Thanh tra Công an tỉnh Quảng Trị có phiếu hướng dẫn ông Ngọc gửi đơn đến TAND tỉnh Quảng Trị để được xem xét, giải quyết vì “Đơn không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Công an Nhân dân mà thẩm quyền giải quyết thuộc TAND tỉnh Quảng Trị”.
Tòa xử và bị đơn kêu cứu, khởi kiện tiếp
Theo hồ sơ, đầu năm 2015, bà Nguyễn Thị Như Bi có đơn cho rằng ông Ngọc lấn ranh chiếm của bà 35m2 đất, yêu cầu trả lại cho bà. Hòa giải ở UBND xã Triệu Phước không thành, hồ sơ chuyển lên TAND huyện Triệu Phong và ngày 7/1/2016, Tòa án thụ lí giải quyết vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Ngày 26/4/2017, TAND huyện Triệu Phong xử sơ thẩm lần thứ nhất tuyên ông Ngọc phải dời ranh đất nhưng không nêu cụ thể trả cho bà Bi diện tích đất bao nhiêu nên bản án sơ thẩm này bị TAND tỉnh Quảng Trị xử phúc thẩm ngày 19/7/2017 tuyên hủy để xử lại sơ thẩm.
Xử sơ thẩm lần hai của TAND huyện Triệu Phong vào ngày 28/12/2017, tuyên buộc ông Ngọc phải tháo dỡ tường rào trả cho bà Bi hai mảnh đất, một mảnh rộng 1,2m2 và một mảnh rộng 10,18m2. Tuy nhiên, hai mảnh này cách rời nhau và khi buộc ông Ngọc tháo dỡ tường rào thì tường rào mới lại không thể nối liền được với nhau mà còn cách nhau khoảng 0,5 m, nên bản án sơ thẩm bị cả ông Ngọc và bà Bi kháng cáo, đồng thời Viện KSND tỉnh cũng kháng nghị.
Xử phúc thẩm lần hai của TAND tỉnh Quảng Trị vào ngày 20/4/2018 đã sửa bản án sơ thẩm, buộc ông Ngọc tháo dỡ tường rào và trả cho bà Bi 14,16m2 đất. Tuy nhiên, phiên xử phúc thẩm, phía bị đơn là vợ chồng ông Ngọc và những người liên quan đều vắng mặt, phía gia đình bà Bi cũng chỉ có một người đại diện cho bà Bi có mặt.
Ngày 20/6/2018, ông Ngọc làm đơn kêu cứu gửi Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, trước khi xét xử, TAND tỉnh Quảng Trị không thông báo cho bị đơn và những người liên quan biết để tham dự.
“Bản án xét xử ngày 20/4/2018, vắng mặt gia đình tôi, mà cho đến ngày 5/5/2018 khi Tòa án gửi bản án về gia đình tôi thì thấy rằng không thực sự công minh, đúng pháp luật. Tôi đã có đơn phản đối đến HĐND huyện và TAND tỉnh Quảng Trị ngày 7/5/2018 và đến ngày 28/5/2018, tôi đã gửi đơn phản đối lên Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị về việc xét xử của TAND tỉnh Quảng Trị”, ông Ngọc cho biết.
Sau đó, ông Ngọc làm đơn đề nghị Chánh án TAND Cấp cao và Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Thông báo số 301/TB-VKS-V2 ngày 2/10/2018 do Phó Viện trưởng Phan Vũ Hoàng kí, có nội dung không kháng nghị giám đốc thẩm vì TAND tỉnh Quảng Trị “Buộc ông Ngọc, bà Bích phải tháo dỡ toàn bộ phần tường có chiều dài 7,96m, chiều rộng 0,2m, 1 cái trụ cổng phía Nam nhà ông Ngọc và 1 cái am thờ nhà ông Ngọc, bà Bích xây dựng và trả lại phần đất này cho bà Bi là có căn cứ đúng pháp luật”. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có Giấy xác nhận số 298/GXN-TACCĐN ngày 29/6/2018 do Chánh văn phòng Nguyễn Văn Tào kí, với nội dung xác nhận đã nhận đơn và “sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị của ông, bà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.
Để mong có căn cứ làm thay đổi kết quả xét xử của các bản án sơ và phúc thẩm, cứu vãn quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngày 20/9/2018, ông Ngọc đã làm đơn khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định cấp GCNQSDĐ cho bà Nguyễn Thị Như Bi của UBND huyện Triệu Phong ra TAND tỉnh Quảng Trị. Theo đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo là bản đồ địa chính do Văn phòng Đăng kí đất đai tỉnh Quảng Trị đo đạc và lưu giữ cũng như mốc giới do Trung tâm Kĩ thuật TN&MT tỉnh Quảng Trị lập, đất của bà Bi chỉ có 387m2, đất của ông Ngọc 566m2. Thế nhưng, ngày 14/11/1997, UBND huyện Triệu Phong có Quyết định số 184/QĐ-UB cấp GCNQSDĐ số L 391596 cho bà Bi 425m2 đất. Lấy lí do này, bà Bi kiện đòi đất vì cho rằng bị ông Ngọc lấn chiếm, cho dù ranh đất hai gia đình ổn định từ lâu và không có tranh chấp. Ngày 7/12/2018, TAND tỉnh Quảng Trị thụ lí giải quyết vụ án hành chính về việc “Yêu cầu hủy quyết định hành chính”. Vụ kiện hành chính này ông Ngọc cũng bị hai cấp Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm không chấp nhận.
Ý kiến của luật sư
Về vụ kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, Luật sư Võ Ngọc Mậu ở Văn phòng Luật sư Tín Pháp (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị) cho rằng: “Các bản án có những dấu hiệu bất cập trong việc áp dụng pháp luật”.
Cụ thể, về vị trí của bức bình phong (bức tường dài khoảng 2-3m, ở miền Trung người dân thường xây để che phía trước gian giữa - thường là gian thờ cúng tổ tiên) mà bản án xác định ông Ngọc xây từ năm 1996 và được giữ nguyên theo yêu cầu của bên thắng kiện, Luật sư Mậu nói: “Như thế từ năm 1996 trở về trước, vợ chồng ông Ngọc, bà Bích đã sử dụng và tại thời điểm năm 1996-1997 vợ chồng ông bà ấy cũng đang sử dụng diện tích đất từ bức bình phong này kéo về phía nhà của mình một cách hợp pháp tuy chưa được cấp GCNQSDĐ. Theo quy định tại Điều 21 Luật Đất đai năm 1993: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”; điều này có nghĩa là đến năm 1997, Nhà nước muốn giao đất ông Ngọc, bà Bích đang sử dụng cho bà Bi thì phải làm thủ tục thu hồi từ ông Ngọc, bà Bích diện tích mà Nhà nước dự kiến giao cho bà Bi. Thực tế hoàn toàn không có việc thu hồi một tấc đất nào từ ông Ngọc, bà Bích đang sử dụng để giao cho bà Bi, khi cả 2 gia đình được cấp GCNQSDĐ cùng ngày 14/11/1997, chứng tỏ ai sử dụng như thế nào thì được Nhà nước cấp quyền sử dụng theo thực tế sử dụng, không có sự lấn chiếm của nhau. Cả 2 bên được cấp GCNQSDĐ theo Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 là phù hợp với Điều 21 Luật Đất đai 1993. Khi đó, hai bên không phản đối gì càng chứng tỏ không xâm phạm đất của nhau và ranh giới là một đường thẳng đi qua mép sau bức bình phong này”.
Cũng theo Luật sư Mậu: Tòa án lập luận “Trong quá trình xây dựng ngôi nhà này bà Bi có đổ mái be phía trên nhà ra phía sau giáp đất ông Ngọc, bà Bích là 0,5m nhưng ông Ngọc, bà Bích không có ý kiến phản đối hay tranh chấp gì. Vì vậy, có căn cứ khẳng định việc bà Bi xây nhà có be dôi ra 0,5m là hoàn toàn nằm trên đất bà Bi” là thiếu logic. Thực tế cái be được xây ra trên không, cách mặt đất khoảng 4m, cấu trúc của nó cũng không để nước mưa chảy xuống đất ông Ngọc, bà Bích, không ảnh hưởng gì đến việc sử dụng đất bên dưới, vả lại nếu kéo theo phương thẳng đứng thì cùng lắm cũng chỉ qua đất của ông Ngọc, bà Bích vài cen ti mét, do đó họ không để ý cũng là điều tốt của quan hệ láng giềng, không thể nói họ xác định ranh giới là vị trí ở chỗ mép be này kéo thẳng đứng xuống.
Cuối cùng, Luật sư Mậu cho rằng: “Đây là tranh chấp ranh giới giữa hai hộ liền kề đều đã được cấp GCNQSDĐ cùng một ngày do UBND xã Triệu Phước đề nghị theo quy định tại Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Ranh giới được xác định giữa hai hộ là một đường thẳng dài 28,16m, hai bên không phản đối gì và sinh sống ổn định với nhau. Gần 20 năm sau mới phát sinh kiện tụng về việc xâm lấn lẫn nhau, thực tế nếu có xâm lấn thì hiện trạng ranh giới sẽ là một đường gấp khúc, nhiệm vụ của Tòa lúc này là “gạt” những nơi gấp khúc để đưa về trạng thái thẳng ban đầu khi hai bên được cấp quyền sử dụng đất, thế nhưng, sau khi Tòa án ban hành Bản án có hiệu lực pháp luật, ranh giới từ đường thẳng ban đầu hai bên được cấp lại biến thành đường gấp khúc theo ý muốn của một bên. Cụ thể, sau khi việc cưỡng chế hoàn thành, ranh giới hiện trạng là một đường gấp khúc gồm 3 đoạn, đoạn đầu là 6,5m, tiếp theo là đoạn 0,4m vuông góc với đoạn đầu, từ mút của đoạn thứ 2 kéo về cuối là đoạn dài 21,66m, song song với đường kéo dài của đoạn đầu và cách đường này 0,4m. Việc xét xử của tòa án như vậy đã đem lại hậu quả là gia đình ông bà Ngọc - Bích tổn hại tinh thần nghiêm trọng, vừa mang tiếng “ăn gian đất đai của hàng xóm đến mức lực lượng thi hành công vụ phải về để cưỡng chế trả đất” vừa đau đớn vì Am thờ xây dựng đã lâu trong sân nhà, Tòa án Triệu Phong đã không đụng chạm đến, Tòa án tỉnh Quảng Trị lại buộc phải tháo dỡ và Cơ quan THADS đã cho người dỡ phần đặt lư hương và lễ vật thờ, để lại phần chân và móng, đụng chạm đến tín ngưỡng thờ cúng của gia đình họ. Mặt khác, các Bản án cũng làm khó cho cả 2 bên và cho cả công việc của các cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp GCNQSDĐ cho hai hộ, bởi vì ranh giới cũ đã bị Tòa án xác định lại theo cách không đúng pháp luật, và theo bản án của Tòa thì GCNQSDĐ được cấp hợp pháp cho cả hai hộ nay đã bị thay đổi hình dáng và diện tích, muốn làm lại cho phù hợp để có thể tiến hành các giao dịch về quyền sử dụng đất thì phải hủy 2 GCNQSD đất cũ. Tuy nhiên, để hủy 2 GCNQSDĐ này cho đúng pháp luật là quá khó khăn”, Luật sư Mậu kết luận.