Tòa án Nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang giải quyết “tranh chấp quyền sử dụng đất”: Cách xét xử “lạ” của bản án sơ thẩm(!?)
Pháp luật - Bạn đọc 04/09/2018 09:57
Nội dung vụ án
Tại Tòa, nguyên đơn trình bày: Năm 1975, cha mẹ bà Hoa, ông Út (là ông Trương Kiều Hữu, bà Thị Nghiêm), được sự chấp thuận của UBND Cách mạng thị trấn Dương Đông, khai khẩn diện tích đất 10.000m2, tọa lạc tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc để trồng các loại cây ăn trái: Mít, xoài, dừa,… Đất có tứ cận: Đông giáp Suối Tre, Tây giáp Suối Mây, Nam giáp Đồng Sim, Bắc giáp lộ 47. Thời gian này, cha mẹ bà Hoa, ông Út, vẫn ở và canh tác liên tục. Năm 1982, bà Nghiêm qua đời, được mai táng tại diện tích đất khai hoang trên. Năm 1997, cán bộ Trại giam Công an huyện Phú Quốc đến nói với ông Hữu: “Đất của anh giáp với Trại giam số 7, Công an huyện Phú Quốc, anh nên di dời ra chỗ khác ở để tránh trường hợp lạc đạn hoặc tù vượt ngục”. Ông Hữu thấy vậy mới di dời đi chỗ khác ở, nhưng vẫn quản lí đất, thường xuyên đến thăm mộ bà Nghiêm. Năm 1998, ông Hữu qua đời, trước khi lâm chung dặn lại các con: “Các con cố gắng gìn giữ miếng đất này do công cực khổ của gia đình mình khai phá”. Thời điểm này, Công an huyện Phú Quốc lấy 4.000m2 của gia đình ông Hữu để làm Trại giam số 7. Lợi dụng việc thu hồi đất này, ông Tư Dầy (cha ruột bà Thu đang công tác tại Trại giam số 7) lấy luôn phần 6.000m2 còn lại (thực tế đo đạc là 6.300m2) đem cho bà Thu sử dụng. Từ đây phát sinh khiếu nại, rồi khởi kiện của bà Hoa, ông Út, yêu cầu vợ chồng bà Thu, ông Tam trả lại 6.300m2 đất. Nguồn gốc đất được trình bày rõ ràng như vậy, đất không chỉ người sống được kế thừa của cha mẹ, mà còn có mồ mả của người khai khẩn đất là vợ chồng ông Hữu, bà Nghiêm
Thế nhưng, Bản án sơ thẩm số 11/2018/DSST ngày 5/7/2018 của TAND huyện Phú Quốc đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoa, ông Út, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 672104 tại đất số 3, tờ bản đồ số 18 diện tích 6.302,2m2 tọa lạc tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc của vợ chồng bà Thu, ông Tam.
Có nhiều cơ sở kháng cáo
Một, Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm cho rằng: Việc UBND Cách mạng huyện Phú Quốc, xác nhận là cho phép ông Trương Kiều Hữu, bà Thị Nghiêm khai phá, nhưng còn chờ quyết định chung về chính sách ruộng đất của Nhà nước và từ đó cho đến nay bà Hoa, ông Út chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đơn xin trưng khẩn đất (có vẽ sơ đồ trong đơn trưng khẩn đất), được UBND Cách mạng
huyện Phú Quốc xác nhận ngày 24/10/1975
Tuy nhiên, thực tế Nhà nước lấy 4.000m2 để làm Trại giam số 7 và ông Tư Dầy (cha ruột bà Thu công tác tại Trại giam số 7) lấy luôn phần 6.000m2 còn lại (thực tế đo đạc là 6.300m2) cho bà Thu sử dụng. Như vậy còn đâu đất nữa mà cấp cho gia đình nguyên đơn (bà Hoa, ông Út)?
Hai: HĐXX phiên tòa sơ thẩm cho rằng: “Hơn nữa phần mộ của bà Thị Nghiêm mẹ của bà Hoa, ông Út, không nằm trong diện tích đất của vợ chồng bà Thu”.
Trong khi, thực tế bà Thị Nghiêm sinh sống và khi chết được mai táng tai gia. Và thực tế vợ chồng bà Thu chỉ sử dụng diện tích đất đã trừ đi phần đất có mộ phần của bà Thị Nghiêm. Về điều này, tại sao Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ để xác định đúng nguồn gốc đất của vợ chồng bà Thu?
Ba: HĐXX phiên tòa sơ thẩm cho rằng: “Theo Công văn số 316/UBND-NCPC ngày 7/8/2017 của UBND huyện Phú Quốc, khẳng định việc cấp đất cho bà Nguyễn Thị Thu, ông Đồng Văn Tam, đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.” Tuy nhiên, trong đơn kháng cáo nguyên đơn khẳng định lấy đất có nguồn gốc rõ ràng là của gia đình nguyên đơn để cấp cho bà Thu, ông Tam, thì tại sao lại coi là “đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật”? Có điều khoản nào của Luật Đất đai quy định việc cấp đất như thế này? Tại sao không làm rõ nguồn gốc đất của bà Thu và ông Tam là tự khai hoang hay nhận chuyển nhượng từ ai hoặc được ai cấp, cho tặng và nguồn gốc đất của người cho tặng, ở đây là nguồn gốc đất do ông Tư Dầy (cha ruột bà Thu công tác tại Trại giam số 7) có được từ đâu để cho bà Thu?
Bốn: HĐXX phiên tòa sơ thẩm cho rằng: “Để xác định quyền sử dụng đất của một chủ thể phải căn cứ vào quy định của pháp luật tại Điều 688 Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai, thì quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác được xác lập do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất, hoặc theo Luật Đất đai phải có một trong những loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013”.
Trong khi, Vụ án được thụ lí số 58/2013/TLST-DS ngày 11/6/2013 giải quyết vụ việc xảy ra năm 2011, là thể hiện Tòa án áp dụng sai điều luật, áp dụng luật theo kiểu hồi tố (lấy điều luật chưa có là Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, để điều chỉnh đối với vụ việc xảy ra năm 2011) là không đúng mà phải theo Điều 50 Luật Đất đai năm 2003. Như vậy việc TAND huyện Phú Quốc áp dụng Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, cho sự việc xảy ra năm 2011 là áp dụng trái luật.
Bà Hoa và ông Út cho biết: “Phần đất 6.302,2 m2 tại thửa đất số 3, tờ bản đồ số 18, tọa lạc tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc là đất do cha mẹ chúng tôi trực tiếp khai khẩn vào năm 1975 và được sự chấp thuận của lãnh đạo chính quyền các cấp lúc bấy giờ. Sau khi khai khẩn là cha mẹ chúng tôi đã trực tiếp cất nhà để ở trên diện tích đất này. Sau khi bị lấy hết đất, gia đình tôi đã liên tiếp làm đơn khiếu nại, nhưng chưa được giải quyết. Chúng tôi kính đơn đến Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết hủy Bản án số 11/2018/DSST ngày 5/7/2018 của TAND huyện Phú Quốc. Công nhận phần diện tích đất 6302,2 m2 thuộc quyền sử dụng của chúng tôi”.
Dư luận trông chờ một bản án khách quan, đúng pháp luật của Tòa án cấp phúc thẩm.
Mai Thân