Tỉnh Lâm Đồng: Hệ lụy cho doanh nghiệp thuê đất rừng
Pháp luật - Bạn đọc 01/10/2019 08:49
Doanh nghiệp bất tín
Công ty An Phú Nông, có địa chỉ tại 158 Trần Phú, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, do bà Bùi Thị An làm Giám đốc. Năm 2010, doanh nghiệp (DN) này được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, thuộc thửa đất số 6, tờ bản đồ 100004, tổng diện tích 140 ha. Trong đó 137ha đất rừng sản xuất, 5.000m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh, 5.000m2 đất có mặt nước chuyên dùng và 14.000m2 đất nông nghiệp khác. Thời hạn sử dụng đến ngày 19/3/2059. Ngày 13/4/2010, Công ty An Phú Nông được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất, để thực hiện dự án trồng rừng, quản lí bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp.
Văn phòng Thừa phát lại Bảo Lộc lập vi bằng hiện trạng cây cà phê đã được 3 tuổi bị hủy hoại không thương tiếc. |
Tuy nhiên, qua xác minh chúng tôi thấy thực trạng cho thuê với hình thức hợp tác đầu tư, phân chia lợi nhuận trên đất để trồng cà phê, bơ, khoai lang... đã xé nát những cánh rừng thông tồn tại hàng chục năm. Việc trồng rừng là chỉ có trên báo cáo, còn nếu kiểm tra thì qua 9 năm nhận đất, Công ty An Phú Nông trồng được bao nhiêu héc-ta rừng? Sự việc trên đã xảy ra và tồn tại rất nhiều năm tại dự án của Công ty An Phú Nông, nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn không thanh kiểm tra và xử lí.
Trở lại việc sau khi được giao đất rừng, ngày 8/12/2014, Công ty An Phú Nông và ông Lày Quang Dẩu kí kết Hợp đồng hợp tác đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp, tại Văn phòng Công chứng Đỉnh Việt. Các bên thỏa thuận, Công ty An Phú Nông sẽ góp 20ha đất rừng tại Tiểu khu 443, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm để quản lí và bảo vệ rừng, sản xuất nông lâm kết hợp; ông Lày Quang Dẩu sẽ đầu tư toàn bộ vốn bao gồm giống cây trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và phải trả cho Công ty An Phú Nông, với tỉ lệ 0.5% giá trị lợi nhuận thu được.
Ông Nguyễn Ngọc Thành bên 3 ha cà phê của gia đình ông bị chặt phá |
Vì công việc khó khăn, phải đi lại nhiều, ông Dẩu không thực hiện việc canh tác đối với diện tích đất đã được giao, theo hợp đồng hợp tác với Công ty An Phú Nông. Ngày 12/2/2016, ông Dẩu lập bản hợp đồng lao động với nội dung giao lại cho 2 hộ là ông Nguyễn Ngọc Thành và bà Nguyễn Thị Sáng, tổng diện tích đất là 3,4ha, tại khoảnh 7, 11, tiểu khu 443; công việc là canh tác trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng cây nông nghiệp dưới tán rừng; về phần trăm lợi nhuận các bên đã tự thỏa thuận. Bên cạnh đó, các bên căn cứ vào Hợp đồng hợp tác với Công ty An Phú Nông đã kí hợp đồng ủy quyền. Cụ thể: Ngày 22/12/2017, kí hợp đồng ủy quyền số 28 tại UBND xã Tân Lâm, ông Lày Quang Dẩu ủy quyền cho ông Nguyễn Ngọc Thành. Ngày 18/4/2018, ông Dẩu tiếp tục lập Hợp đồng ủy quyền số 25 với bà Nguyễn Thị Sáng, tại UBND xã Tân Lâm. Hai hợp đồng trên có nội dung: Được trông coi, quản lí, chăm sóc, đầu tư diện tích 3,4 ha trong phần đất 20 ha của Công ty An Phú Nông và góp vốn đầu tư thực hiện đúng theo nội dung Hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 8/12/2014. Thời hạn ủy quyền là 41 năm.
Những khuất tất cần làm rõ
Tuy nhiên, ngày 4/9/2019, bà Bùi Thị An đã huy động trên 50 người đã chặt phá toàn bộ cây trồng trên đất của hộ bà Sáng và ông Thành. Trao đổi với phóng viên, bà Sáng bức xúc: “Chúng tôi là những người dân, cuộc sống mưu sinh chủ yếu dựa vào nương rẫy cà phê. Cả gia đình chúng tôi chắt chiu, dành dụm được ít ỏi kinh tế đầu tư cùng bao công sức chăm bón cây cà phê mong ngày thu hoạch. Vậy mà Công ty An Phú Nông khống chế, còng tay tôi để chặt phá hết, hủy hoại hết tài sản của chúng tôi. Chặt phá vào ban ngày chưa đủ, họ còn huy động lực lượng chặt phá cả vào ban đêm. Sau một đêm, bao nhiêu mồ hôi công sức của cả gia đình bỗng chốc bị san phẳng”.
Nhiều hộ dân cho biết thêm: Tại UBND xã Lộc Phú, chúng tôi đã cung cấp toàn bộ giấy tờ về việc sử dụng đất cho bà An và suốt trong 4 năm sử dụng canh tác và trồng trên 5.000 cây trồng các loại đã 4 năm tuổi, bà An hoàn toàn không có ý kiến gì, và người dân cũng không bị xử lí về hành vi xâm chiếm đất rừng. Tại sao, bà An bất chấp pháp luật, trong khi đó trong 20 ha ông Dẩu đang quản lí cũng có các hộ đang trồng cà phê và khoai lang, bà An lại không có ý kiến gì?
Riêng hộ anh Ngô Đức Thanh, ở 42 Đoàn Thị Điểm, thôn Thanh Xuân 1, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc có nhận chuyển nhượng khoảng 3 ha đất trống thuộc Tiểu khu 443, xã Lộc Phú của ông Bùi Văn Tú, với giá 600 triệu để canh tác trồng cây cà phê. Nguồn gốc đất do ông Tú khai hoang. Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình ông Thanh đã thực hiện canh tác, sản xuất, thu hoạch cà phê không bị tranh chấp.
Vào lúc 7 giờ ngày 4/9/2019, bà An cùng nhiều nhân viên Công ty An Phú Nông đến chặt phá cây trồng trên thửa đất của ông Thanh. Ngạc nhiên hơn, trong quá trình chặt phá, nhóm bà An lại được lực lượng chức năng hỗ trợ, với lí do hỗ trợ DN giải tỏa mặt bằng, trả lại diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Những cây cối mà cả gia đình ông Thanh đã bỏ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để trồng trọt, chăm bón đến nay gần đến ngày thu hoạch (cà phê 3 năm tuổi) bị hủy hoại không thương tiếc. Ông Thanh quay phim lại để làm bằng chứng thì bị lực lượng chức năng khống chế, còng tay giải về UBND xã.
Theo thống kê, trong số 189 dự án bị thu hồi (tổng diện tích thu hồi 28.218ha) trên toàn tỉnh Lâm Đồng, có 157 dự án (diện tích 25.324ha) thu hồi toàn bộ, và 32 dự án (2.803ha) bị thu hồi một phần. Cùng với việc thu hồi dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các DN bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, với số tiền hơn 219 tỉ đồng. Trong đó, nhiều DN bị bồi thường hàng chục tỉ đồng như: DN Hoàng Thịnh để mất 110,9ha rừng, bị buộc bồi thường gần 70 tỉ đồng; DN Vĩnh Tuyên Lâm làm mất 49,3ha, phải bồi thường gần 23 tỉ đồng; DN Thuận Thành để mất 12,2ha, phải bồi thường 10,8 tỉ đồng; DN Võ Hà Lê, để mất hơn 44ha, bị yêu cầu bồi thường gần 21 tỉ đồng; DN Ngọc Mai Trang, làm mất hơn 21,6 ha, phải bồi thường hơn 12,4 tỉ đồng…
Qua sự việc trên, thiết nghĩ, UBND tỉnh Lâm Đồng cần có cơ chế quản lí; rà soát chặt chẽ việc canh tác đất rừng, thẩm định chặt chẽ năng lực DN trước khi cho thuê đất để bảo đảm quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân và DN.