Sông Hương, mưa Huế và cơm hến
Đời sống 22/03/2024 10:01
Dòng sông như tấm lụa
Sông Hương là con sông thơ mộng chảy giữa lòng thành phố Huế, đúng như miêu tả của nhà thơ Thu Bồn: Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Sông Hương còn gắn liền với núi Ngự, biến Huế thành một chốn bồng lai tiên cảnh giữa đời thường. Bởi thế khi đến Huế thi sĩ Bùi Giáng đã viết rằng: Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
Đây cũng là một trong “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp của mảnh đất Kinh đô Huế) do vua Thiệu Trị lựa chọn. Trong đó, sông Hương là địa điểm duy nhất có đến 2 cảnh trong tổng số 20 cảnh của “Thần kinh nhị thập cảnh”. Đó là “Hương Giang Hiểu Phiếm” (cảnh sông Hương) và “Trạch Nguyên Tao Lộc” (cảnh đầu nguồn sông Hương).
Sông Hương có một vị trí quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Huế. Khi vào trấn thủ xứ Thuận - Quảng, Chúa Nguyễn Hoàng bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc của sông Hương, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết đây là đồi Hà Khê, đêm đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tin vào lời sấm truyền đó, năm 1601, Chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là chùa Thiên Mụ, mở ra sự cai trị của nhà Nguyễn với 9 chúa, 13 vua. Chùa Thiên Mụ bên dòng sông Hương đã trở thành biểu tượng tâm linh của người dân xứ Huế.
Và còn có thể kể đến điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản, đây là nơi thờ cúng của Thiên Tiên Thánh giáo, tín ngưỡng sông nước đặc trưng của người Huế. Dân gian còn lưu truyền rằng, điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc” vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua.
Lễ hội điện Hòn Chén được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7 Âm lịch. Vào dịp này, trên sông Hương xuất hiện hàng chục chiếc bằng nối đua nhau trải dài xa tít tắp. Bằng là hai chiếc thuyền ghép lại với nhau bằng những tấm ván lót nằm ngang. Trước bằng, người ta treo biển đề tên am, tên phổ, chẳng hạn: Kim Đồng Tiên Nữ, Thiên Thai Thuỷ Cảnh, Đài Minh Cảnh, Linh Sơn Điện, Linh Dược Điện, Tân Đức Điện, Hoằng Hoá Điện, Sòng Sơn Vọng Từ... Tất cả đều ngược dòng Hương để cùng tới điểm hẹn linh thiêng là điện Hòn Chén.
Bên cạnh đó, ngao du trên miền sông nước cũng là một thú vui tao nhã của du khách khi đến Huế. Đã từ rất lâu, thuyền Rồng đã trở thành một nét đặc trưng của du lịch Huế và là phương tiện độc đáo đưa đón du khách thăm các danh lam thắng cảnh của Huế như chùa Thiên Mụ, Lăng Tự Đức, Lăng Khải Định, Lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén... Nét đặc sắc của thuyền Rồng Huế là khi bước vào không gian cổ xưa này du khách sẽ có dịp hưởng thụ ca đàn Huế và đi tìm cái đẹp của sông nước Hương Giang đầy thơ mộng.
Mưa Huế khiến du khách thích thú
Trong “Căn cước xứ mưa” (xuất bản tháng 1/2019, Nhà xuất bản Kim Đồng), nhà văn Lê Vũ Trường Giang nhận định: “Mưa là quà tặng xứ sở, mấy trăm năm qua gieo giọt trên mảnh đất này. Cơn mưa còn là đề tài bất tận của nghệ thuật: Mưa vào thi ca, mưa trên khuôn nhạc, mưa trong tranh… Cơn mưa còn là những kỉ niệm mông lung về tình yêu. Hình ảnh những đôi tình nhân đèo nhau qua con đường nhỏ, mưa bay phấp phới dưới ngọn đèn vàng đẹp vô cùng”.
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang cũng trải lòng: “Cơn mưa xứ sở đầy bí ẩn và mê hoặc... Tôi sinh vào mùa mưa, mở mắt ra đã thấy mưa, mưa vào lời ru, mưa đưa nôi, mưa qua chiếc nón mẹ che, mưa về trên lối mòn cỏ ướt, mưa đưa tôi đi học, mưa theo ba vào núi, mưa ướt tuổi thơ, mưa ươm tuổi trẻ”. Để từ đó, mưa “đã vương kỉ niệm dưới mái nhà, trong ngõ nhỏ, ngoài công viên, kia sân trường, bờ sông…”.
Bởi thế nên du khách không về thăm Huế mùa mưa cũng đều rất nuối tiếc. Lời bài hát “Mưa Huế” của tác giả Võ Ngọc Lan có đoạn: Khi mô anh về thăm Huế xưa/ Nhớ gửi giùm em một chút mưa… và sẽ phải Hẹn Huế mùa sau sẽ về thăm/ Thăm từng cái lạnh giấu trong chăn/ Nghe mưa rả rích trong đêm vắng/ Để nhớ vô cùng những tháng năm.
Và như một nỗi niềm day dứt chung, nhà báo Văn Công Toàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Huế cũng đã viết “Chưa ướt tóc nghĩa là chưa yêu Huế”.
Lạ miệng với món ăn cơm hến
Ở Huế, từ trưa cho đến chiều tối và đến tận khuya thì món ngon lạ miệng, ăn hoài không chán mang tên “cơm hến” dễ dàng tìm kiếm trên mọi nẻo đường.
Cơm hến xuất phát từ tầng lớp bình dân vùng cồn Hến ven sông Hương lúc xưa. Sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An đã miêu tả cồn Hến là “một cù lao xinh đẹp” trên dòng sông Hương. Cồn Hến hiện nay thuộc phường Vĩ Dạ, cách trung tâm TP Huế chừng vài cây số.
Cách đây 200 năm, dưới thời Gia Long, vì nhà nghèo, chồng lại ngày đêm đi bắt cá tôm nên một người đàn bà họ Huỳnh ở cồn Hến đã phải cặm cụi ra bờ sông mò bắt hến bằng tay. Mỗi buổi sáng sớm, khi chưa bắt được tôm cá, hai vợ chồng bà đành ăn cơm nguội với hến bắt được từ sớm tinh mơ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu rả rất đúng khi cho rằng: “Món cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn, gọi là cơm hến”.
Món ăn dân dã này sau đó đã phát tán ra khắp cồn Hến. Dưới thời vua Thành Thái, món cơm hến được đưa vào cho vua thưởng thức. Từ đó, cơm hến Cồn Hến trở thành phẩm vật cung đình mỗi dịp lễ Tết.
Cơm hến ăn hoài không chán bởi sự lạ đời của nó. Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Người Việt mình ăn cơm kiểu nào cũng phải nóng, duy chỉ cơm hến nhất thiết phải là cơm nguội”. Cơm hến ăn hoài không chán cũng bởi hến ở cồn Hến là ngon nhất thiên hạ, từng được tiến cung cho vua thưởng thức. Thử hỏi, trong thiên hạ món gì vua thích, vua đụng đũa đến lại không phải là hàng cực phẩm? Cơm hến ăn hoài không chán cũng là vì sự hài hòa của nó. Tô cơm hến có hến và da heo chiên giòn là thuộc về động vật, nhưng rau sống (bắp chuối, môn, khế, rau thơm), đậu phụng… ăn kèm lại là thực vật, các gia vị lại là những thành tố cần cho cơ thể con người.
Sự hấp dẫn của cơm hến còn thể hiện ở nước luộc hến. Cơm hến có hai cách thưởng thức là cơm hến khô và cơm hến nước. Cơm hến nước là chan nước luộc hến vào cơm hến để ăn, còn cơm hến khô là ăn cơm hến xong mới húp nước luộc hến. Có thể nói, người dân Huế rất biết đổi món, đổi khẩu vị liên tục để tạo ra sự mới lạ khiến thực khách ăn hoài không chán.