Nhịp cầu bạn đọc

Pháp luật - Bạn đọc 27/09/2022 09:38
Nội dung vụ việc
Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Thảo - chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp QSDĐ (diện tích 6.032,6m2) thuộc Thửa số 26542.50.206, tờ bản đồ số 50 tọa lạc tại phường 12, TP Vũng Tàu, được UBND TP Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số AH 562758 ngày 28/2/2007 (chứng nhận vào ngày 16/3/2007).
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nợ nần nên ngày 11/5/2009 bà có nhờ ông Lê Đình Hiệp đến nhà bà Đặng Thanh Bình (tại số 6 Cô Bắc, phường 4, TP Vũng Tàu) để vay tiền. Bà Bình đồng ý cho bà Thảo vay số tiền 1 tỉ đồng, lãi suất là 6%/tháng, tiền dịch vụ giới thiệu là 10% không thời hạn, với điều kiện bà Thảo phải kí Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ để bảo đảm trả tiền vay.
Ngày 12/5/2009, tại nhà bà Bình, bà Thảo kí Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bên nhận chuyển nhượng là ông Đặng Quang Đức số diện tích đất 6.032,6m2.
Tại thời điểm kí Hợp đồng không có mặt của ông Đức mà chỉ có bà Thảo, bà Bình, bà Thu và ông Hiệp (chủ nợ của bà Thảo) số tiền 720 triệu đồng (sau khi bà Bình cắt trừ lãi trước 3 tháng là 180 triệu đồng), phí dịch vụ 10% là 100 triệu đồng. Nhưng bà Thảo không nhận được khoản tiền nào. Bà Bình buộc bà Thảo kí giấy vay tiền 1 tỉ đồng và giữ luôn Giấy chứng nhận QSDĐ của bà Thảo. Bà Bình còn hứa hẹn giúp bà Thảo làm thủ tục vay tiền ngân hàng và khi trả đủ tiền cho bà Bình sẽ hủy Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ bà Thảo đã kí.
![]() |
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của các cấp tòa tuyên trong vụ án được chuyên gia pháp lí nhận xét, đánh giá là khách quan, trung thực. |
Sau thời gian dài không thấy bà Bình giúp làm thủ tục vay vốn ngân hàng, bà Thảo đã nhiều lần hỏi nhưng bà Bình cứ hứa hẹn, thậm chí né tránh. Từ tháng 7 đến tháng 10/2010 bà Thảo gặp bà Bình yêu cầu đưa Giấy chứng nhận QSDĐ để nhờ người khác vay tiền ngân hàng, thì bà Bình nói phải trả 5 tỉ đồng và sau đó nâng lên thành 8 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi.
Nhận thấy bà Đặng Thanh Bình có dấu hiệu chiếm đoạt QSDĐ nên bà Thảo liên hệ với cơ quan quản lí Nhà nước. Lúc này, bà mới tá hỏa vì Giấy chứng nhận QSDĐ mà bà Bình cầm đã sang tên và tách thành 9 thửa nhỏ đứng tên ông Đặng Quang Đức, nên bà Thảo làm đơn khởi kiện ông Đức ra tòa án.
7 năm dày công thu thập chứng cứ tài liệu
Được biết, sau khi nhận đơn khiếu kiện của bà Nguyễn Thị Thảo từ năm 2012, các cấp tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đã vào cuộc thu thập hồ sơ, chứng cứ suốt 7 năm một cách khách quan, chặt chẽ (từ năm 2012 tới năm 2019) mới đưa ra xét xử bằng Bản án sơ thẩm số 11/2018/DS-ST ngày 8/5/1018 và Bản án phúc thẩm số 490/DS/PT ngày 17/10/2019.
Các cấp tòa án đã lấy lời khai, đối chất với các bên đương sự liên quan và tiến hành đánh giá, thẩm định giá đất… cho kết quả cụ thể:
Tại biên bản định giá tài sản ngày 13/3/2018, Hội đồng định giá kết luận: Đất tranh chấp diện tích 6.032,6m2 có giá thị trường năm 2009 là 9.048.900.000 đồng và năm 2018 là 17.651.387.600 đồng. Chính vì vậy, Tòa án nhận định việc chuyển nhượng hơn 6 nghìn mét vuông đất nêu trên năm 2009 chỉ 3 tỉ đồng là có sự chênh lệch quá lớn là điều không thể xảy ra đối với các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ bình thường tại địa phương và đối với những người có trình độ như bà Thảo, bà Bình, ông Đức.
Bà Bình, ông Đức cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng này là hợp pháp, nhưng lại không đưa ra được các tài liệu, chứng cứ thể hiện bà Thảo có bàn giao đất cho ông Đức bà Bình, như đã quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Hợp đồng chuyển nhượng.
Trên thực tế, khi hai bên lập Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thì đất của nhà bà Thảo đang cùng các con của mình sử dụng, nhưng bên nhận chuyển nhượng (ông Đức) không đặt ra điều kiện phải di dời nhà giao đất. Khi lập hợp đồng, hai bên cũng không xem xét vị trí đất ở đâu, tứ cận giáp ranh như thế nào?
Thậm chí từ khi được cấp QSDĐ (tách thành 9 sổ nhỏ), nhưng ông Đức cũng không có tác động nào buộc bà Thảo phải giao đất theo Hợp đồng chuyển nhượng, để mặc cho gia đình bà Thảo tiếp tục quản lí sử dụng; thậm chí bà Thảo còn lập Hợp đồng chuyển nhượng cho người khác nhưng ông Đức không phản ứng, không khởi kiện; ngược lại bà Thảo lại khởi kiện ông Đức sau khi phát hiện QSDĐ mang tên bà Thảo đã bị sang tên ông Đức.
Câu hỏi đặt ra, nếu là tiền của mình bỏ ra mua đất của bà Thảo, tại sao lời khai của bị đơn Đức tại các cơ quan tố tụng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại: Không nhớ giá đã giao dịch, không nhớ diện tích đất, không nhớ đặt cọc bao nhiêu(?!). Bị đơn Đặng Quang Đức cũng hoàn toàn vắng mặt trong các phiên tòa, và trong suốt 7 năm tố tụng chỉ xuất hiện lấy lời khai 1 hoặc 2 lần.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các nội dung phía ông Đức đưa ra là chưa phù hợp với thực tế, chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Các lời khai của nguyên đơn là bà Thảo và các người làm chứng đều phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Theo quyết định của Bản án số 11/2018/DS-ST ngày 8/5/2018 của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Thảo và các bên có liên quan….; Hủy Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Thảo và ông Đức số 219 quyển số 1/TP/CC ngày 12/5/2009 của Văn phòng công chứng Bà Rịa - Vũng Tàu đối với diện tích 6.032,6m2, tọa lạc tại phường 12, TP Vũng Tàu. Hủy Hợp đồng mua bán đất ngày 10/5/2009 giữa bà Thảo và ông Đức; Hủy Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Đặng Quang Đức số AH 562758, diện tích 6.032,6m2 (gồm 9 giấy đã tách thửa)…
Đồng thời, công nhận diện tích 6.032,6m2 đất nêu trên là tài sản của bà Thảo.
Bà Thảo có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ diện tích đất trên đúng với vị trí, thực tế theo sơ đồ đo vẽ ngày 4/11/2015… Các ông, bà có tài sản trên diện tích đất này phải di dời để trả lại diện tích đất cho bà Thảo; Buộc bà Thảo có nghĩa vụ trả cho ông Đức số tiền đã vay...
Tại Bản án số 490/DS-PT ngày 17/10/2019 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2018/DS-ST ngày 8/5/2018 của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hủy Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Nguyễn Thị Thảo và ông Đặng Quang Đức; Hủy Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Đức…; Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của Đức, bà Bình.
Tuy nhiên, tháng 3/2022, TAND tối cao lại Quyết định kháng nghị lại 2 Bản án sơ thẩm và phúc thẩm, cùng với đề nghị hủy 2 bản án nêu trên để giao cho TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử sơ thẩm lại từ đầu.
Sự thật không thể thay đổi
Theo Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
Thứ nhất, kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
Thứ hai, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
Thứ ba, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Có thể thấy, vụ tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Nguyễn Thị Thảo với ông Đặng Quang Đức khi có tới 2 người chứng kiến ra làm chứng trước tòa; các bản khai tại tòa và cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan viện kiểm sát; cùng rất nhiều hồ sơ, chứng cứ, kết luận giám định, kết quả thẩm định tại hiện trường đều phù hợp với phần tuyên của bản án, thì việc kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu hủy bản án có đúng pháp luật hay không?
Theo Tiến sĩ luật học Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH khóa XIV, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, nếu việc hủy bản án được thực hiện không đúng pháp luật sẽ dẫn đến vụ việc có thể bị kéo dài thêm nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm tranh chấp phức tạp, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, gây thiệt hại, lãng phí cho cả người dân, xã hội, Nhà nước. Vì vậy, việc chắp bút cho một quyết định kháng nghị giám đốc thẩm là vô cùng hệ trọng, cần phải tuân thủ tuyệt đối theo pháp luật. Thực tiễn cho thấy có rất nhiều vụ việc kiểu này. Tình trạng lợi dụng người dân thiếu hiểu biết, lại rất cần tiền để lạm dụng chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá phổ biến trong các giao dịch vay - cho vay tiền.
“Trong các vụ án cụ thể, TAND, Viện kiểm sát Nhân dân cần xem xét, nghiên cứu để chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm để điều tra hành vi phạm tội. Chúng ta biết rằng, một sai sót của TAND, nhất là từ cấp tối cao, sẽ có thể làm phức tạp thêm tình hình, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng, nhiều năm khiếu kiện, nhiều năm tiến hành tố tụng của tòa án các cấp, và đặc biệt nghiêm trọng hơn là khủng hoảng niềm tin đối với người dân lương thiện, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang nỗ lực nâng cao năng lực quản lí, chống tiêu cực trong quản lí và giảm thiểu oan sai trong công tác xét xử”, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.