Chuyện kì lạ trên cùng thửa đất chia thừa kế.
Khu đất và nhà ở của gia đình bà Nguyễn Thị Vân
Bà Vân cho biết, ngày 8/6/2003, các anh, chị, em bên nhà chồng bà Vân đã họp để thống nhất phương án chia đất, chia nhà do cha mẹ để lại. Vợ chồng bà và 2 người em chồng được nhận 3 mảnh đất liền kề nhau, cạnh mương nước phường Thụy Khuê. Cả 3 gia đình đều làm nhà để và đều viết đơn xin cấp GCNQSDĐ, nhưng lạ thay, chỉ có 2 hai gia đình em chồng bà được cấp, còn gia đình bà thì không được cấp, với lý do, đất của gia đình bà là đất nông nghiệp.
Năm 2004 chồng bà Vân chết, từ đó, bà vừa chạy xe ôm kiếm sống, vừa nuôi hai con ăn học và tiếp tục đề nghị quận Tây Hồ cấp GCNQSDĐ, nhưng vẫn không được. Việc không có GCNQSDĐ đã gây cho gia đình bà nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đến nay, sau 14 năm có nhà, nhưng hộ khẩu gia đình bà vẫn ở phố Hoàng Hoa Thám, không chuyển về phố Thụy Khuê được.
Năm 2016, quận Tây Hồ thực hiện Dự án cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước ở phố Thụy Khuê. Để phục vụ dự án, quận Tây Hồ quyết định thu hồi 25,8m2 đất của gia đình bà. Hai em chồng bà cũng bị thu hồi, người 31m2, người 20,4m2. Vì dự án phục vụ nhu cầu dân sinh, nên bà hoàn toàn chấp hành, gia đình bà đã phá dỡ ¼ căn nhà bê tông cốt sắt, diện tích hơn 60m2, cao 3 tầng để cho dự án đúng tiến độ. Nhưng, gia đình bà rất bàng hoàng khi nhận được thông báo về việc thanh toán số tiền đền bù, hỗ trợ về đất, gia đình bà được tổng tiền là 810.192.240 đồng thì phải trừ 196.200.000 đồng tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, hai gia đình em chồng bà, một người được nhận 973.846.800 đồng, chỉ bị khấu trừ 15.303.150 đồng lệ phí trước bạ và tiền sử dụng đất; người còn lại được nhận 640.617.120 đồng thì không bị khấu trừ đồng nào. Ngoài ra, tiền đền bù, hỗ trợ công trình tên đất, gia đình bà chỉ được đền bù 56.000.000 đồng, bằng 10% gia trị thiệt hại...
Không nhất trí với phương án đền bù, hỗ trợ, gia đình bà đã có đơn khiếu nại tới các cấp. Ngày 9/8/2017, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 5468/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại lần 2. Theo đó kết quả xác minh 25,8m2 đất của hộ bà Nguyễn Thị Vân sử dụng bị thu hồi để GPMB, có nguồn gốc đất là đất vườn liên kề, gia đình tự chuyển đổi mục đích sang đất ở năm 2003, chưa được cấp phép GCNQSDĐ, công trình không có Giấy phép xây dựng, UBND phường Thụy Khuê đã xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng tại Quyết đính số 177/QĐ ngày 8/7/2003.
Còn về việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất: Căn cứ xác nhận nguồn gốc đất của UBND phường Thụy Khuê đối với gia đình bà Nguyễn Thị Vân, UBND quận Tây Hồ có Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 phê duyệt phương án BTHT&TĐC. Trong đó, bồi thường về đất là 810.192.240VNĐ, khấu trừ nghĩa vụ tài chính là 196.209.000 VNĐ. Công trình xây dựng được hỗ trợ 10% theo đơn xây dựng. Tuy nhiên, theo như Quyết định 5468/QĐ-UBND ngày 09/8/2017 của UBND TP Hà Nội, phương án khấu trừ nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất bị thu hồi với số tiền 196.209.000 VNĐ là chưa chính xác. Tại Quyết định số 668/QĐ-CT ngày 14/3/2017 của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ về giải quyết khiếu nại lần đầu được xác định lại là 192.958.200 VNĐ, giảm so với phương án phê duyệt là 3.250.800 đồng...
Chính quyền quận Tây Hồ dã áp dụng sai nguồn gốc đất hộ bà Vân.Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Căn cứ vào tài liệu về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Ban Quản lý Dự án quận Tây Hồ liên quan tới mức bồi thường cho gia đình bà Nguyễn Thị Vân, tại số nhà 22, ngõ 253, phố Thụy Khuê có nhiều điều không đúng cụ thể là:
Thửa đất mà gia đình bà Vân đang ở thuộc thửa đất chung của bố mẹ, mẹ để lại cho chồng bà Vân (ông Mai Văn Mùa đã mất) cùng gia đình 2 em chồng. Nội bộ gia đình gồm 7 anh chị em cũng đã có biên bản phân chia thừa kế và được cấp có thẩm quyền thừa nhận, từ đó, cấp GCNQSDĐ đất cho hai gia đình là ông Mai Văn Thảo và Mai Văn Tâm. Nguồn gốc về đất đai là giống nhau, cùng chung một thửa, vậy mà có người được cấp GCNQSDĐ, người không được. Vậy đây là khuyết điểm rất lớn của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, người chưa được cấp GCNQSDĐ lại là phụ nữ, chủ hộ của gia đình, người nghèo. Liệu có “khuất tất” gì xảy ra ở đây hay không? Cần kiểm tra và làm rõ.
Theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện hành đối với 3 gia đình cùng nguồn gốc đất nói trên (Thông báo số 127/TB-QLDA ngày 20/6/2016 đối với gia đình ông Mai Văn Thảo; Thông báo số 145/TB-QLDA ngày 20/6/2016 đối với gia đình ông Mai Văn Tâm; Thông báo số 169/TB-QLDA ngày 29/6/2016 đối với gia đình bà Nguyễn Thị Vân) có sự khác biệt trong tính toán bồi thường về nhà ở và các công trình xây dựng gắn liền với đất. Các gia đình ông Mai Văn Thảo và Mai Văn Tâm được bồi thường 100% giá trị tài sản là nhà ở và các công trình xây dựng gắn liền với đất, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Vân chỉ được bồi thường 10% giá trị tài sản là không đúng. Theo khoản 1 Điều 89 Luật Đất đai năm 2013, nếu bồi thường dưới 100% là trái luật...
Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú, trợ lý pháp lý cho gia đình bà Nguyễn Thị Vân cho rằng: UBND quận Tây Hồ từ chối cấp GCNQSDĐ và quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ) cho gia đình bà Nguyễn Thị Vân trong giai đoạn Luật Đất đai năm 1993 (sửa đổi lần 1 năm 1998, sửa đổi lần 2 năm 2001) là sai, vì: Gia đình bà Vân không thuộc đối tượng bị từ chối cấp GCNQSDĐ và QSHNƠ như trong Chỉ thị số 17/2002/CT-UB của UBND TP Hà Nội. UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 69/1999/QĐ-UB ngày 18/8/1999 cho phép cấp GCNQSDĐ cho những gia đình không có giấy tờ về nhà đất và không có tranh chấp nhưng phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt (Khoản 3 Điều 5 Quyết định 69/1999/QĐ-UB), nếu xây nhà không phép như gia đình bà Vân thì xử phạt trước khi cấp GCNQSDĐ (Khoản 4 Điều 5 Quyết định 69/1999/QĐ-UB). Gia đình bà Vân đã có văn bản phân chia tài sản, đất do cha ông để lại, không tranh chấp, không lấn chiếm, được UBND phường Thụy Khuê chứng thực để cấp GCNQSDĐ cho 2 gia đình em chồng bà, văn bản này phù hợp với quy định của pháp luật (Theo Điều 52 Nghị định 75/2000/NĐ-CP)...UBND quận Tây Hồ đã viễn dẫn các căn cứ pháp luật hết hiệu lực để từ chối cấp GCNQSDĐ và QSHNƠ cho gia đình bà Vân là sai. Chỉ thị số 17/2002/CT-UB đã hết hiệu lực vào ngày 18/02/2005, đã có Quyết định số 23/2005/QĐ-UB-HN có hiệu lực áp dụng thay thế. Tuy nhiên, UBND quận Tây Hồ vẫn viện dẫn Chỉ thị 17/2002/CT-UB để lấy lý do từ chối cấp GCNQSDĐ và QSHNƠ...
UBND quận Tây Hồ xác định 25,8m2 đất thu hồi của gia đình bà Vân là đất vườn liền kề theo Luật Đất đai năm 2013 là sai, phải là đất ở thô cư. UBND quận Tây Hồ bồi thường 10% công trình trên đất bị thu hồi là không đúng, vì: Gia đình bà Vân thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền trên đất, được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 104 Luật Đất đai năm 2013 và hướng dẫn tại Điểm h Khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ...
Do gia đình bà Vân thuộc diện được cấp GCNQSDĐ và QSHNƠ nên UBND quận Tây Hồ khấu trừ 50% tiền chênh lệch giữa tiền sử dụng đất ở với tiền đất nông nghiệp của gia đình bà Vân là sai mà phải bồi thường 100%. Gia đình bà Vân được hưởng 100% tiền bồi thường công trình trên đất bị thu hồi...
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình bà Vân, Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, sớm giải quyết dứt điểm vụ việc trên.
Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới sẽ theo dõi diễn biến vụ việc và tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Thế Thực