Quỹ "Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc", 15 năm một hành trình

Xã hội 28/06/2025 11:59
Sau 24 năm triển khai thực hiện Quyết định 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác gia đình nói chung và việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam nói riêng đã trở thành những hoạt động thường xuyên, với nhiều nội dung, hình thức phong phú và tạo được dư luận tốt; trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng và gia đình về việc phải củng cố gia đình trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cũng được nâng lên.
![]() |
Việc thực hiện Ngày Gia đình Việt Nam được các địa phương phối hợp chặt chẽ, lồng ghép với phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, ấp (khu phố) văn hóa, xã (phường, thị trấn) văn hóa; từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng phong trào Xây dựng Gia đình văn hóa và tạo sự quan tâm của toàn xã hội về Ngày Gia đình Việt Nam. Mặc dù thời gian tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam chưa lâu, nhưng cho thấy các ngành, các cấp và người dân đã bước đầu quan tâm đến việc giữ gìn và vun đắp các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, coi đó là nền tảng vững chắc cho các phong trào khác.
Ngày Gia đình Việt Nam đang dần trở thành ngày hội của các gia đình, nhiều gia đình đã tổ chức họp mặt các thành viên trong gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Xã hội ngày càng quan tâm hơn tới gia đình và mong muốn củng cố, phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh đất nước ta đã và đang trải qua thời kì có những biến đổi nhanh chóng với những tác động tích cực lẫn tiêu cực tới sự phát triển bền vững của gia đình.
Kết quả thực hiện Quyết định 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan về công tác gia đình đã từng bước làm thay đổi cuộc sống tinh thần và vật chất các gia đình. Nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, nhiều hộ đã thoát nghèo gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Mức sống của nhiều gia đình đã được nâng lên đáng kể. Việc giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ và người thân được quan tâm hơn. Việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, phát huy tình làng nghĩa xóm được Nhân dân chú trọng. Một số tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, bạo lực gia đình được ngăn chặn kịp thời.
Mặc dù công tác gia đình và các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam đã có những tác động tích cực đến gia đình và cộng đồng, nhưng việc thực hiện Quyết định 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn một số hạn chế như: Do công tác gia đình là một lĩnh vực mới, chưa có mục chỉ cụ thể trong việc xây dựng ngân sách của các địa phương thuộc lĩnh vực gia đình; có địa phương chưa được phân bổ kinh phí ổn định hằng năm, nhất là đơn vị cấp xã nên việc tổ chức “Ngày Gia đình Việt Nam” còn gặp khó khăn, mặc dù Quyết định 72/QĐ-TTg đã nêu rõ: Các cấp chính quyền phải phân bổ kinh phí cho công tác gia đình.
Công tác gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình còn những bất cập. Hiện tượng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Tình trạng li hôn, li thân, chung sống chưa kết hôn, quan hệ tình dục và nạn phá thai trước hôn nhân gia đình đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài đang làm cho xã hội lo lắng. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện không lành mạnh. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu bia, mại dâm và bệnh HIV/AIDS đang thâm nhập vào một số gia đình. Bạo hành trong gia đình, tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Một số địa phương chưa quan tâm thường xuyên tới công tác gia đình, chưa chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam; chưa chủ động bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước được giao hằng năm cho công tác gia đình. Mặt khác, một số hoạt động nhân Ngày Gia đình chưa đi vào chiều sâu, chưa huy động được đông đảo Nhân dân tham gia.
Thực tiễn cho thấy, một trong những mấu chốt của việc chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác gia đình nói chung, xây dựng hệ giá trị gia đình nói riêng phụ thuộc rất lớn vào vai trò người đứng đầu ở các tỉnh, thành, địa phương. Bài học kinh nghiệm chính là nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó phong trào xây dựng gia đình phát triển và mang lại kết quả tốt.
Ngày Gia đình Việt Nam năm 2025, với chủ đề: "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng", nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vị trí, vai trò gia đình Việt Nam trong kỉ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngày Gia đình Việt Nam với ý nghĩa hết sức cao cả, thiêng liêng, là ngày để chúng ta tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình. Đồng thời, thông qua ngày này cũng muốn nhắc nhở những truyền thống của ông cha ta từ xưa, giáo dục cho con cháu tư tưởng yêu quê hương, đất nước, con người, luôn đùm bọc che chở nhau dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Bên cạnh đó, cũng là lúc gia đình cần quan tâm nhau, xã hội quan tâm đến trẻ em, bố mẹ hiểu được giá trị của gia đình, cùng nhau giáo dục con cái tốt hơn để có thể xây dựng được một gia đình hạnh phúc và tổ chức họp mặt gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam hằng năm.