Những bất cập trong việc quản lí đất rừng và mặt biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa?
Pháp luật - Bạn đọc 07/12/2023 08:50
“Bất cập” trong quản lí đất đai?
Theo Kết luận Thanh tra số: 246/KL–UBND ngày 30/4/2023 của UBND huyện Ninh Hải về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 26 hộ dân do diện tích đất đã cấp nằm trong lâm phần quản lí của Ban Quản lí Vườn quốc gia Núi Chúa (trong đó có 19 hộ thôn Vĩnh Hy, 3 hộ thôn Cầu Gãy, 3 hộ thôn Đá Hang, 1 hộ thôn Thái An). Qua đối chiếu diện tích GCNQSDĐ cho các hộ dân và diện tích được UBND tỉnh Ninh Thuận giao đất và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho Khu bảo tồn Núi Chúa (Quyết định số: 1654/QĐ-UBND ngày 22/4/2002) cho thấy và xác định diện tích cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân có chồng lên diện tích cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho Khu bảo tồn Núi Chúa (trong đó có 6 hộ được cấp GCNQSDĐ trước Vườn quốc gia Núi Chúa).
Nhiều “xác” lồng bè bị vứt ngổn ngang trên bờ biển. |
Bà Lâm Thị Chín, 68 tuổi, ở thôn Vĩnh Hy cho biết: “Đất của gia đình tôi có nguồn gốc khai hoang từ trước năm 1980. Lúc đó, gia đình tôi trồng cây lương thực, sau đó trồng cây điều (những cây điều hơn 30 năm tuổi, có đường kính gốc từ 10- 35cm, chiều cao 3-5m). Trước đây, đời sống người dân trong thôn nghèo khó, không hiểu biết pháp luật nên chúng tôi chưa đi đăng kí biến động đất đai tại UBND xã. Nhưng thực tế, đất của các hộ dân ở khu vực này đều có nguồn gốc khai hoang từ 1975-1980 tới nay, việc này cán bộ xã, cán bộ thôn đều biết rõ”.
Ông Lê Hoàng Quốc Việt, ở thôn Vĩnh Hy cho hay: Năm 2012, ông Việt được UBND huyện Ninh Hải cấp GCNQSDĐ số: 464294 cho một phần diện tích đất (cấp 590m2). Còn lại 1.766m2 thuộc thửa đất số 50 (chỉnh lí từ một phần thửa 13, 18, 25) được Văn phòng Đăng kí đất đai Ninh Thuận, chi nhánh Ninh Hải xác định ranh giới, mốc giới thửa đất tại thực địa và đã lập bản ranh giới mốc đất. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều lần ông có đơn đề nghị được cấp GCNQSDĐ đối với phần đất còn lại nhưng chưa được giải quyết, với lí do “khu đất nằm trong khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa” (!).
Ông Việt cho rằng: “Trước đây, khi Nhà nước thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình trục đường chính nối cầu Vĩnh Hy đến điểm Du lịch vườn dừa, Bãi Cóc trong, Bãi Cóc ngoài, đã thu hồi 396,8m2 của gia đình tôi. Lúc đó, UBND huyện Ninh Hải có quyết định bồi thường đối với phần đất của gia đình tôi. Tuy nhiên khi tôi làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng cập nhật lại GCNQSDĐ theo số liệu mới (trừ phần đường đã bị thu hồi làm đường) và đề nghị cấp GCNQSDĐ cho phần đất còn lại (1.766m2) thì không được cấp và sự việc cứ rơi vào im lặng”.
Tương tự như trường hợp của ông Việt, bà Chín, gia đình bà Nguyễn Thị Cạn (75 tuổi) ở thôn Vĩnh Hy có mảnh đất rộng hơn 1ha khai hoang từ năm 1985, trồng cây lương thực, hoa màu. Năm 1997, ông Nguyễn Văn Lành (con trai bà Cạn) lập gia đình, bà Cạn cho vợ chồng ông Lành phần đất trên để tiếp tục canh tác. Nhưng đến cuối năm 2021, Ban Quản lí Vườn quốc gia Núi Chúa đến lập biên bản vi phạm hành chính, cho rằng gia đình ông Lành lấn chiếm đất của Vườn quốc gia Núi Chúa. Ngày 30/11/2023, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cùng các cơ quan chức năng đã thực hiện cưỡng chế thi hành Quyết định số: 1188/ QĐ-UBND ngày 11/9/2023 UBND tỉnh Ninh Thuận đối với ông Lành, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và phải trả lại diện tích 10.937m2 đất.
Hàng chục cây điều do người dân trồng bị cưa cắt |
“Việc các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó xử phạt hành chính, cưỡng chế phần đất trên của gia đình tôi là “oan ức”. Gia đình tôi liên tục canh tác, trồng cây điều (cây hơn 30 năm tuổi, đường kính hơn 20cm, cây nhỏ đường kính 1-10 cm) trên diện tích đất. Thời điểm Vuờn quốc gia Núi Chúa được thành lập (năm 2002), tại sao các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận không xác minh, đo đạc, lập mốc giới, kê khai, thông báo cho người dân? Để hàng trăm người dân thôn Vĩnh Hy canh tác mấy chục năm trên phần đất khai hoang, giờ lại nói chúng tôi lấn chiếm đất? Tôi khẳng định, gia đình tôi khai hoang sử dụng khu đất trên, chúng tôi không vi phạm pháp luật”, ông Lành nêu vấn đề.
Cưỡng chế hàng chục lồng bè?
Không chỉ “bất cập” trong quản lí đất đai, việc nuôi trồng thuỷ sản của người dân ở thôn Vĩnh Hy cũng có nhiều điều để nói. Đầu năm 2023, UBND huyện Ninh Hải và Ban Quản lí Vườn quốc gia Núi Chúa có thông báo toàn bộ khu lồng bè nuôi trồng thuỷ sản của người dân ở thôn Vĩnh Hy năm trong khu vực quản lí của Vườn quốc gia Núi Chúa. Ban Quản lí Vườn quốc gia Núi Chúa nghiêm cấm người dân không được nuôi trồng thuỷ sản tại đây. Đồng thời buộc các hộ dân phải tháo dỡ, di rời toàn bộ khu vực lồng bè trên vịnh. Một số hộ đang trong thời gian nuôi cá chưa đến ngày thu hoạch cố nấn ná chưa di chuyển thì UBND huyện Ninh Hải ban hành quyết định cưỡng chế. Cụ thể, tháng 3/2023, chính quyền địa phương cùng Ban Quản lí Vườn quốc gia Núi Chúa và các lực lượng chức năng đã tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhiều lồng bè của các hộ dân.
Ông Châu Thành Hồng, người dân nuôi trồng thuỷ sản ở thôn Vĩnh Hy cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Vĩnh Hy, gia đình tôi làm nghề nuôi trồng thuỷ hải sản từ trước năm 2000 (trước khi có Vườn quốc gia Núi Chúa). Nuôi trồng, đánh bắt cá ở đây mấy chục năm thì đến đầu năm 2023, chúng tôi nhận được thông báo của UBND xã phải tháo dỡ lồng bè, và nếu không tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế. Khi chúng tôi chưa kịp tháo dỡ, thì bị cưỡng chế, phá bỏ hoàn toàn tài sản.
Dù trước đó, chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo nào từ cơ quan chức năng về việc khu vực biển này là do Vườn quốc gia quản lí. Tôi nhận thấy việc cưỡng chế này là thiếu căn cứ. Bởi bao đời nay, người dân chúng tôi chỉ biết bám biển, mọi thu nhập từ biển là nguồn sống của gia đình. Các lồng bè này là mồ hôi công sức của nhiều thế hệ, là nguồn thu nhập chính của các gia đình”.
Còn ông Châu Vũ Va thì bức xúc: “Hiện tại, ngư dân chúng tôi bị mất việc, không có thu nhập, không có tiền trả lãi ngân hàng, đời sống vô cùng khó khăn cùng cực. Trong khi đó, chính quyền không có bất cứ khoản bồi thường hay có chính sách gì hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống”.
Cũng theo người dân địa phương, sau khi tháo dỡ, cưỡng chế lồng bè nuôi thuỷ sản của người dân, các lồng bè bị cắt phá ngổn ngang, nhiều vật liệu trồi lên nham nhở trên bề mặt vịnh. Phía dưới nước rất nhiều dây thừng, ống nhựa rải rác nằm xen lẫn thùng phuy (phao) lập lờ. Trên bờ, phía bãi cóc có một vài bè đã bị cắt dỡ để chỏng chơ phơi mưa nắng, mục nát, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường...
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Viết Kinh Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: Vịnh Vĩnh Hy là một trong số những vịnh đẹp nhất Việt Nam, có nhiều rặng san hô đẹp, nên đầu năm 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận có chủ trương di rời các lồng bè nuôi tôm cá ra khỏi khu vực dễ gây ô nhiễm tổn hại đến các rạng san hô. Thời điểm đó, chúng tôi cũng thông báo yêu cầu bà con di rời lồng bè nhưng bà con không thực hiện nên đầu năm 2023 đã tiến hành cưỡng chế đợt 1; ngày 7/9/2023, đã tiến hành cưỡng chế đợt hai. Việc cưỡng chế chủ yếu là ra xua đuổi, hù doạ chứ không cưa phá cái bè nào. Bà con sợ hư hao tài sản tự kéo bè đi.
“Chính quyền chủ yếu vận động là chính. Tài sản người dân trị giá bạc tỉ, nay phải tháo dỡ cũng thương đời sống bà con. Sao làm kiểu đó được?”, ông Luân chia sẻ.
Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận sổ mục kê, sổ địa chính, bản đồ địa chính... về cấp chồng lấn đất ở khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, ông Luân cho rằng: UBND xã chỉ có bản đồ địa chính từ năm 2006. Trước đó chưa có đường lớn xuống thôn Vĩnh Hy cho nên khó đo đạc, và cũng không có bất kì giấy tờ gì về việc lưu trữ, quản lí ở khu vực thôn Vĩnh Hy.
Đối với việc những năm 2002, ở thôn Vĩnh Hy có nhiều hộ dân được cấp GCNQSDĐ, nếu không có sổ mục kê thì UBND xã làm sao cấp sổ và quản lí, ông Luân cho rằng, do người dân tự kê khai(!?)