Nhiều tỷ đồng của nhà nước “nhảy” khỏi két bởi những chiêu trò của ACV(?)
Pháp luật - Bạn đọc 03/05/2019 17:01
ACV… “mối chúa” gặm nhắm ngân sách nhà nước(?)
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP là công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là công ty cổ phần với 95,4% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. ACV trực tiếp quản lý và khai thác toàn bộ sân bay dân dụng tại Việt Nam.
Những chuyện đang diễn ra tại ACV trong nhiều năm qua từ việc nguồn ngân sách nhà nước bị thất thoát không rõ nguyên nhân do những khoản đầu tư “vô bổ”, cho đến việc báo lỗ, nhằm trốn thuế từ đó trục lợi chiếm dụng số tiền lớn… và cả việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi nghỉ hưu, gây ồn ào dư luận…
Theo tài liệu phóng viên Báo Ngày mới Online có được, tại kết luận thanh tra:
Đối với việc quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp: Tại công ty mẹ ACV chưa nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) chi phí đền bù dự án nhà ga T2-Nội Bài số tiền 219.723.260.711 đồng, tương ứng với diện tích 419.702,10m2 đất giao không thu tiền sử dụng đất; 2/5 doanh nghiệp được thanh tra hạch toán chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017, số tiền 6.104.252.505 đồng; ACV chưa định giá lại tài sản cố định thuộc tài sản khu bay (tài sản giữ hộ nhà nước) đã chuyển sang tài sản của ACV để quản lý và sử dụng.
Trụ sở Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam |
Đối với đầu tư tài chính dài hạn vào một số tổ chức kinh tế bị thua lỗ không thu hồi được vốn.
Về đầu tư xây dựng cơ bản dở dang, cụ thể: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán đã vận dụng định mức đối với một số hạng mục công việc bảo dưỡng bên tổng xi măng chưa phù hợp; Công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán giá một số loại vật liệu (đến chân công trình) và chi phí nhân công chưa đúng số tiền; Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách - Cảng hàng không Phù Cát dự toán tính tăng không đúng số tiền 547.769.698 đồng.
Đối với việc báo cáo kết qủa kinh doanh, tại Công ty mẹ - Tổng công ty chưa hạch toán riêng các khoản thu, chi từ hoạt động khu bay và từ kinh doanh của ACV dẫn đến hạch toán chưa đúng doanh thu hoạt động khu bay (tài sản giữ hộ nhà nước) và doanh thu hoạt động của Công ty mẹ - Tổng công ty số tiền 16.413.718.335 đồng; Hạch toán chi phí khác, có 3/5 doanh nghiệp hạch toán tăng không đúng chi phí số tiền 11.437.174 đồng.
Bên cạnh đó, qua kết luận thanh tra, báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy ACV đã thiếu minh bạch, có dấu hiệu “ỉm” lãi để trốn thuế(?)…
Ngoài ra còn nhiều hạng mục mà ACV đã có dấu hiệu không trung thực trong việc báo cáo các khoản thu chi nhằm dấu lãi để “trốn thuế” trục lợi bỏ túi(?) Tuy nhiên, những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng vẫn chưa được cơ quan chức năng quyết liệt làm rõ và tìm ra cá nhân tập thể phải chịu trách nhiệm. Từ đó, nhiều dấu hỏi được đặt ra với trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan trong công tác quản lý và điều hành: Có hay không việc bao che, nhắm mắt mặc cho ACV "làm xiếc" với những khoản thu thiếu trung thực, có dấu hiệu dấu lãi, trốn thuế? Đây có phải là sân sau của "lợi ích nhóm" nên không bị pháp luật sờ gáy?
Bổ nhiệm hàng loạt cán bộ của Tổng Giám đốc ACV… trước khi nghỉ hưu
Việc ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi nghỉ hưu, gây ồn ào dư luận
trong tháng 4 và tháng 6/2018, ACV đã từng tiến hành bổ nhiệm 104 cán bộ bao gồm: bổ nhiệm, điều động các chức vụ tương đương do thay đổi về cơ cấu tổ chức và tên gọi với 15 trường hợp, trong đó có 3 cán bộ cấp ban và 12 cán bộ cấp phòng của tổng công ty; bổ nhiệm các cán bộ trong quy hoạch đã được đề nghị từ năm 2016 với 53 trường hợp, trong đó 3 cán bộ cấp ban, 20 cán bộ cấp phòng và trung tâm, 30 cán bộ cấp đội; bổ nhiệm mới 36 trường hợp trong quy hoạch, trong đó có 6 cán bộ cấp ban và chi nhánh, 21 cán bộ cấp phòng, 9 cán bộ cấp đội.
Theo lý giải của ACV, các trường hợp bổ nhiệm mới cán bộ nêu trên là quá trình xem xét, triển khai và quyết định của tập thể lãnh đạo tổng công ty, căn cứ vào nhu cầu quản lý, điều hành và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phù hợp với mô hình tổ chức; đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với quy hoạch cán bộ trong giai đoạn 2016 - 2021.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dư luận vẫn còn hoài nghi về quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi nghỉ hưu của ông Lê Mạnh Hùng, bởi một số trường hợp trình đề nghị bổ nhiệm từ năm 2016, 2017, nhưng chưa được xem xét, quyết định.
Bắt tay với công ty “ảo” để ăn chia(?)
Những chuyện đang diễn ra tại ACV trong nhiều năm qua từ việc nguồn ngân sách nhà nước bị thất thoát không rõ nguyên nhân do những khoản đầu tư “vô bổ”, cho đến việc báo lỗ nhằm trốn thuế từ đó trục lợi chiếm dụng số tiền lớn… |
Công ty “ảo” mà phóng viên nhắc tới ở đây chính là Công ty Thái Sơn, do Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), là nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn đã bị khởi tố và phạt tù.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn), người bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức” với tổng hình phạt 12 năm tù. Tại phiên tòa phúc thẩm, theo đại diện Viện KS Quân sự Trung ương, bị cáo Hệ kháng cáo tập trung 6 nội dung là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; hành vi sử dụng bằng giả; hành vi hợp thức nguồn xăng dầu kém chất lượng. Ngày 1/11/2018, Tòa án Quân sự Trung ương đã xử phúc thẩm vụ án hình sự Út “trọc” và đồng phạm. Theo đó, Tòa án Quân sự Trung ương đã bác bỏ toàn bộ nội dung kháng cáo của bị cáo Đinh Ngọc Hệ giữ nguyên hình phạt tại Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HSST ngày 31/7/2018 của Tòa án quân sự Quân khu 7. Tại phiên tòa sơ thẩm, Toà án Quân sự Quân khu 7 đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức” với tổng hình phạt 12 năm tù; bị cáo Trần Văn Lâm 05 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; bị cáo Phùng Danh Thắm 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Có thể thấy, bằng mọi cách thức tinh vi, Út “trọc” đã trực tiếp thực hiện và điều hành một công ty không có năng lực, nhưng lại được ACV “bắt tay” triển khai 2 gói thầu do ACV là chủ đầu tư.
Cụ thể tại 2 gói thầu: Gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku và gói thầu BP04 “Công tác cơ sở hạ tầng, chuẩn bị công trường và cầu dẫn”, thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, trị giá 488.322 triệu đồng.
Điều đáng nói, tại 2 gói thầu trên, sau khi bằng cách thức nào đó vào tay của Công ty Thái Sơn do Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), là nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn không lâu đã nhanh chóng được chuyển nhượng lại toàn bộ khối lượng công việc cho một đơn vị khác nhằm hưởng chênh lệch theo sổ sách nhiều tỷ đồng. Cũng tại thời điểm Út “trọc” được liên tục tham gia những gói thầu do ACV là chủ đầu tư ông Nguyễn Nguyên Hùng là Chủ tịch Hội đồng thành viên, sau đó lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV, ông Lê Mạnh Hùng làm Tổng giám đốc ACV.
Dư luận băn khoăn, tại làm sao một công ty không rõ về năng lực nhưng lại được ACV giao làm đơn vị thi công? Phải chăng có sự ăn rơ để chia chác?
Chẳng ai có thể tin, nhiều tỷ đồng lại có thể dễ dàng bị "qua mặt" khiến cho NSNN thất thóat. Và ai, những cá nhân, tập thể nào là những người hưởng lợi từ nguồn thu trốn thuế đó?
Đề nghị cơ quan chức năng cần khẩn trương làm rõ những dấu hiệu sai phạm báo ngày mới phản ánh. Kiến nghị chuyển vụ việc sang Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm (nếu có)…
Báo Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những kì tiếp theo.
Nhóm PVPL