Nhiều mâu thuẫn trong bản án cần được làm sáng tỏ
Pháp luật - Bạn đọc 27/11/2024 08:49
Nguyên Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi kêu oan
Trước đó, Tạp chí Người cao tuổi đã thông tin, ông Hồ Đình Minh, nguyên Giám đốc XNTL Đô Lương vừa bị TAND Cấp cao tại Hà Nội kết án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Bản án số: 583/2024/HS-PT ngày 19/7/2024).
Theo nội dung bản án, trong thời gian từ năm 2016-2019, ông Minh đã chủ trì bàn với các thành viên trong Ban Quản lí xí nghiệp lập khống hồ sơ thi công 116 hạng mục công trình nạo vét và sửa chữa công trình thủy lợi thông qua hình thức kí hợp đồng với Công ty CP XDTL Đô Lương và ông Thái Doãn Hảo. Tổng số tiền 116 hồ sơ sửa chữa, nạo vét lập khống đã thanh quyết toán hơn 4,2 tỉ đồng.
Tại phần nhận định của TAND tỉnh Nghệ An (Bản án số: 155/2023/HS-ST ngày 7/11/2023) cho rằng: Từ năm 2016 đến 2019, Hồ Đình Minh và các bị cáo khác đã lập khống hồ sơ 116 công trình sửa chữa, nạo vét kênh mương thủy lợi (dựng hồ sơ khống để rút tiền nhưng không thi công, không thực hiện) gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 4,2 tỉ đồng (trang 43).
Công nhân Xí nghiệp Thủy lợi Đô Lương khẳng định tất cả các công trình có trong hồ sơ vụ án đều được thi công. |
Tuy nhiên, tại trang 44 của Bản án số 155 lại khẳng định, có 28 công trình sản phẩm hạng mục xây đúc do cán bộ, công nhân của XNTL Đô Lương thi công lao động công đoàn (tổng giá trị thi công hơn 855 triệu đồng), hiện nay vẫn hoạt động bình thường. Tài liệu chấm công đã được thu thập có các sổ tay ghi chép theo dõi công trình và nhân công lao động (trang 32 Bản án sơ thẩm) nhưng vẫn không được xem xét việc thi công thực tế các công trình. Trong tài liệu đó thể hiện trong 4 năm có danh sách người lao động XNTL Đô Lương nhận số tiền công hơn 1,16 tỉ đồng. “Qua nghiên cứu hồ sơ, nhận thấy, trong danh mục các công trình được phê duyệt nạo vét hằng năm có một số công trình được phê duyệt và thi công nhiều lần và hiện nay công trình đang hoạt động bình thường… Việc thi công các công trình phải được phê duyệt chủ trương đầu tư hằng năm, đồng thời thực tế có công trình được phê duyệt và thi công nhiều lần cho thấy sự cần thiết phải thi công các công trình nạo vét và thực tế các bị cáo tổ chức thi công để công trình hoạt động bình thường. Ngoài ra, theo trình bày của đại diện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, do điều kiện thực tế của ngành nông nghiệp, phải phục vụ các nhiệm vụ kịp thời”. Bản án nêu rõ.
Luật sư Lê Đình Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Nội dung Bản án số 155 của TAND tỉnh Nghệ An có sự mâu thuẫn. Phần đầu khẳng định các bị cáo đã lập khống hồ sơ 116 công trình, nhưng phần sau lại khẳng định có 28 công trình xây đúc còn hiện hữu và nhiều công trình nạo vét có thi công trong thực tế để phục vụ tưới tiêu; riêng tổng số tiền công lao động trong 4 năm đã lên tới hơn 1,16 tỉ đồng. Số tiền công này, thực tế Tòa án đã không buộc các bị cáo phải khắc phục, nghĩa là công nhận có thực hiện. Đây là mâu thuẫn rất lớn thể hiện lời khai của các bị cáo cho rằng tất cả các công trình đều thi công trong thực tế là có cơ sở và thể hiện vụ án có dấu hiệu oan sai. Việc này tôi đã có văn bản kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét”.
Người trong cuộc nói gì?
Theo nội dung Bản án số: 155/2023/HS-ST của TAND tỉnh Nghệ An. Tại phiên toà ngày 30/10/2023, đại diện UBND tỉnh Nghệ An đề nghị xem xét bổ sung cơ sở xác định số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước dựa trên chênh lệch giữa giá trị thực tế của các công trình đã thực hiện và giá trị nghiệm thu tại hồ sơ để có căn cứ xác định trách nhiệm của các bị cáo; Trường hợp chưa có cơ sở xác định chênh lệch giữa giá trị thực tế của các công trình đã thực hiện và giá trị nghiệm thu tại hồ sơ thì chưa có cơ sở kết luận số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Do đó, đề nghị làm rõ giá trị các công trình có triển khai thực hiện, số không thực hiện (lập hồ sơ nghiệm thu nhưng không có giá trị thực tế). Trên cơ sở đó xác định số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước dựa trên giá trị công trình không thực hiện.
Phía đại diện Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Nghệ An và XNTL Đô Lương trình bày, do điều kiện thực tế của ngành nông nghiệp, phải phục vụ các nhiệm vụ kịp thời, trong khi nguồn ngân sách hằng năm cấp chậm so với yêu cầu công việc, phải tổ chức thi công trước thời điểm cấp ngân sách.
Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo Hoàng Minh Hùng, Hoàng Hữu Sơn, Thái Doãn Hảo... tiếp tục khẳng định tất cả các công trình nạo nét, sửa chữa hệ thống thủy lợi trong hồ sơ vụ án đều có thi công trong thực tế. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo và đại diện Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An đã khẳng định nội dung này.
“Số tiền thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước là 209.149.847 đồng (trang 11 Bản án sơ thẩm) và 47.269.504 đồng (trang 12 bản án sơ thẩm) nhưng Toà vẫn kết luận thiệt hại ngân sách Nhà nước... Mặc dù còn rất nhiều vấn đề mâu thuẫn, chưa được làm sáng tỏ nhưng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm vẫn tuyên tôi và các bị cáo có tội, sau đó Tòa án cấp phúc thẩm vẫn tuyên giữ nguyên Bản án sơ thẩm về hình phạt và trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo. Việc này khiến tôi và các bị cáo bức xúc, có đơn gửi TAND Tối cao, hi vọng Chánh án TAND Tối cao sẽ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo nguyện vọng của chúng tôi...” ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, ngày 8/11/2024, TAND Tối cao có Thông báo số: 3787/TB-TA về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị giám đốc thẩm. Theo đó, để có cơ sở xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm nêu trên, TAND Tối cao yêu cầu Hồ Đình Minh, Lê Văn Bình, Thái Thị Vinh, Hoàng Hữu Sơn, Hoàng Minh Hùng, Thái Doãn Hảo, Nguyễn Thị Tùng, Nguyễn Duy Hùng, Cao Đăng Chương, Trân Khắc Tú, Trần Hữu Đạt, Bùi Thị Lường bổ sung đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự phúc thẩm ngày 19/7/2024 của TAND Cấp cao tại Hà Nội và gửi Chánh án TAND Tối cao. Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng yêu cầu cung cấp bản sao bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc đề nghị giám đốc thẩm.