Luật sư kiến nghị TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao xem xét, kháng nghị bản án sơ thẩm và phúc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 04/11/2024 09:14
Để có cái nhìn khách quan, toàn diện về vụ án hình sự xảy ra tại XNTL Đô Lương, tỉnh Nghệ An, phóng viên đã trao đổi với luật sư Lê Đình Việt, Giám đốc Công ty Luật Minh Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo luật sư Việt, Kết luận điều tra có 12 bị can đã tham gia làm hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra việc làm khống hồ sơ thi công sửa chữa, nạo vét của 116 hạng mục công trình thủy lợi, rút từ ngân sách Nhà nước tổng số tiền là 4.206.125.401 đồng. Tuy nhiên, theo lời khai của các bị cáo thì toàn bộ 116 hạng mục công trình này đã được thi công và đưa vào khai thác phục vụ sản xuất. Điều này chưa được làm rõ trong quá trình điều tra vụ án.
Nội dung Kết luận điều tra cho rằng, toàn bộ 116 hạng mục công trình sửa chữa, nạo vét đã không được tổ chức thi công trên thực tế mà chỉ làm khống hồ sơ. Thực tế thì điều này chưa được chứng minh bằng tài liệu, chứng cứ. Chẳng hạn, hồ sơ vụ án không có những tài liệu cần thiết như biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường và bản ảnh. Việc thiếu những tài liệu này là dấu hiệu cho thấy, việc điều tra có thể đã không được thực hiện trên phương diện thực tế, tại hiện trường (nơi các hạng mục công trình thủy lợi được cho là không được thi công) mà chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo và suy đoán của người tiến hành tố tụng. Nếu đưa ra kết luận chỉ trên suy đoán mà không được kiểm chứng trên thực tế là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc khách quan trong hoạt động điều tra.
Ông Lê Đình Việt, Giám đốc Công ty Luật Minh Tín. |
Kết luận điều tra có nhiều nội dung còn mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế. Có thể kể đến tình tiết, từ năm 2016 đến năm 2019, 10 bị can đã tham gia làm và 2 bị can thiếu trách nhiệm để xảy ra việc làm khống 116 hồ sơ trong tổng số 123 hạng mục công trình cần phải sửa chữa, nạo vét trên địa bàn huyện Đô Lương. Nếu đúng như vậy thì đại đa số các hạng mục công trình phục vụ tưới tiêu trên địa bàn huyện Đô Lương không được sửa chữa, nạo vét nhưng phải đến năm 2021 mới bị phát hiện. Điều này không phù hợp với hoàn cảnh thực tế, vì nhu cầu sửa chữa, nạo vét các công trình là có thật, xuất phát từ yêu cầu phục vụ sản xuất. Việc có quá nhiều hạng mục công trình không được thi công sẽ không bảo đảm việc cấp thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và thông thường sẽ gây thiệt hại cho rất nhiều chủ thể. Số đối tượng bị ảnh hưởng có thể là hàng chục nghìn hộ gia đình, cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, XNTL Đô Lương còn chịu sự kiểm tra của đơn vị chủ quản là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, của các Cơ quan Nhà nước, như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, UBND huyện Đô Lương,… nên việc nại ra 116 hạng mục công trình từ không thi công thành có thi công là khó thực hiện. Ngay cả đơn vị chủ quản là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An cũng xác nhận (tại trang 44 của Bản án sơ thẩm): “Các công trình đều được thi công trên thực tế và thi công đúng thiết kế đã được phê duyệt. Sai phạm là về quy trình thực hiện theo quy định pháp luật”.
Kết luận điều tra cũng cho rằng, Ban Giám đốc XNTL Đô Lương đã sử dụng 1.756.918.800 đồng, trong tổng số 4.206.125.401 đồng để tự sửa chữa các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án chưa thể hiện việc làm rõ số tiền này được sử dụng như thế nào, sửa chữa bao nhiêu hạng mục công trình, gồm những hạng mục công trình nào, giá trị thực tế của mỗi hạng mục, công trình được sửa chữa; trong các hạng mục công trình được sửa chữa, có hạng mục công trình nào nằm trong số 116 hạng mục công trình được cho là làm khống không? Các hạng mục công trình này có được lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép sửa chữa không? Nếu không thì tại sao XNTL Đô Lương lại tự ý sửa chữa mà không báo cáo, không được sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền?
Theo khoa học pháp lí, thiệt hại về tài sản là yếu tố thuộc mặt khách quan bắt buộc phải có trong cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Tùy theo mức độ thiệt hại, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của người có hành vi theo các cấu thành khác nhau như cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng trách nhiệm hình sự, tương ứng với các Khoản 1, 2 và 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này, mức độ thiệt hại về tài sản cũng chưa được làm rõ. Việc Cơ quan điều tra cho rằng thiệt hại bằng tổng dự toán của 116 công trình, tương ứng với số tiền 4.206.125.401 đồng là thiếu cơ sở.
Liên quan đến vấn đề chứng minh thiệt hại về tài sản, UBND tỉnh Nghệ An là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng có ý kiến (trang 34 Bản án sơ thẩm): “Đề nghị xem xét bổ sung cơ sở xác định số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước dựa trên chênh lệch giữa giá trị thực tế của các công trình đã thực hiện và giá trị nghiệm thu tại hồ sơ để có căn cứ xác định trách nhiệm của các bị cáo; trường hợp chưa có cơ sở xác định chênh lệch giữa giá trị thực tế của các công trình đã thực hiện và giá trị nghiệm thu tại hồ sơ thì chưa có cơ sở kết luận số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Do đó, đề nghị làm rõ giá trị các công trình có triển khai thực hiện, số không thực hiện (lập hồ sơ nghiệm thu nhưng không có giá trị thực tế). Trên cơ sở đó xác định số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước dựa trên giá trị công trình không thực hiện (không có giá trị thực tế)”.
Từ những nội dung trên cho thấy, không phải toàn bộ 116 bộ hồ sơ về thi công sửa chữa các hạng mục công trình đều được làm khống để rút tiền từ ngân sách Nhà nước. Đã có nhiều công trình được thi công trên thực tế, quá trình điều tra chưa làm rõ được có bao nhiêu công trình không được thi công mà chỉ lập khống hồ sơ, bao nhiêu công trình được thi công.
Do đó, chưa có đủ cơ sở pháp lí để cho rằng các bị cáo đã lập khống 116 bộ hồ sơ thi công sửa chữa, nạo vét các hạng mục công trình thủy lợi thuộc địa bàn huyện Đô Lương để nhằm mục đích rút số tiền là 4.206.125.401 đồng (bằng tổng số tiền dự toán).
Chúng ta đều biết, hoạt động xét xử lệ thuộc rất nhiều vào hoạt động điều tra, vì quá trình điều tra sẽ cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ chủ yếu cho hoạt động xét xử. Trong vụ án này, do hoạt động điều tra chưa được thực hiện một cách khách quan, toàn diện nên chưa đủ căn cứ để kết tội đối với các bị cáo. Đáng lẽ, quá trình chuẩn bị xét xử hoặc trong quá trình xét xử, TAND tỉnh Nghệ An phải quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ những tình tiết chưa được làm rõ hoặc mâu thuẫn; hoặc quá trình xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội phải hủy bán án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại mới bảo đảm việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện.
Có thể thấy, việc TAND tỉnh Nghệ An và TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên xử 10 người tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 2 người tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa đủ cơ sở pháp lí.
“Liên quan đến vụ án trên, đồng thời nhằm giúp Nhà nước việc hoàn thiện thực thi pháp luật trong lĩnh vực tố tụng hình sự, theo tôi thì các bị cáo nên khẩn trương làm đơn gửi đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao để đề nghị được xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số: 155/2023/HS-ST ngày 7/11/2023 của TAND tỉnh Nghệ An và Bản án số: 583/2024/HS-PT ngày 19/7/2024 của TAND cấp cao tại Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét và kháng nghị kịp thời theo thủ tục giám đốc thẩm đối với hai bản án nêu trên một cách toàn diện, khách quan, đúng các quy định pháp luật”, luật sư Lê Đình Việt kiến nghị.