Các bị cáo đề nghị TAND Tối cao xem xét, kháng nghị các bản án sơ thẩm và phúc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 18/09/2024 09:43
Nội dung vụ án
Theo cáo trạng số: 03/CT-VKS-P3 ngày 12/12/2022 của Viện KSND tỉnh Nghệ An: Bị can Hồ Đình Minh, Giám đốc XNTL Đô Lương, để có tiền chi cho các hoạt động của Xí nghiệp đã chủ trì họp bàn với các thành viên trong Ban Quản lí XNTL Đô Lương; gồm Lê Văn Bình, Phó Giám đốc, Thái Thị Vinh (Tổ trưởng Tổ Tài vụ), Thái Doãn Hảo (phụ trách Tổ hành chính) Hoàng Minh Hùng (phụ trách Tổ kĩ thuật), đưa ra chủ trương lập khống hồ sơ thi công 116 hạng mục công trình nạo vét kênh mương và sửa chữa công trình thông qua hình thức kí hợp đồng với ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty CP XDTL Đô Lương và ông Thái Doãn Hảo (phụ trách Tổ hành chính). Toàn bộ hồ sơ, chứng từ mà XNTL Đô Lương giao cho Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An và ông Thái Doãn Hảo thực hiện sửa chữa, nạo vét đều không thực hiện (nhân công thực hiện, thời gian thực hiện, khối lượng thực hiện được nghiệm thu,...). Tất cả 116 hồ sơ lập khống, bị can Hồ Đình Minh giao cho Hoàng Minh Hùng (phụ trách Tổ Kế hoạch kĩ thuật) phân công cho các cán bộ trong tổ soạn thảo tài liệu liên quan sau đó chuyển giao các thành phần liên quan kí xác nhận, trên thực tế không có việc thi công và nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng. Tổng số tiền 116 hồ sơ công trình sửa chữa, nạo vét lập khống đã thanh quyết toán là 4.206.125.401 đồng.
Từ năm 2016-2019, dưới sự chỉ đạo của Hồ Đình Minh, XNTL Đô Lương đã thu được tổng số tiền 3.660.620.219 đồng từ việc lập khống 116 hồ sơ thi công công trình. Số tiền này bị can Minh thống nhất với các thành viên trong Ban Quản lí XNTL Đô Lương (gồm Hồ Đình Minh, Lê Văn Bình, Thái Thị Vịnh, Thái Doãn Hảo, Hoàng Minh Hùng đề ngoài sổ sách kế toán của XNTL Đô Lương, Hồ Đình Minh trực tiếp chỉ đạo chi cho các hoạt động của xí nghiệp. Tổng số tiền Minh nhận được từ nguồn tiền lập khống 116 hồ sửa chữa, nạo vét công trình của XNTL Đô Lương là 544.399.439 đồng (trong đó số tiền bị can Minh được hưởng lợi là 90.108.439 đồng).
Cáo trạng số: 03/CT-VKS-P3 ngày 12/12/2022 của Viện KSND tỉnh Nghệ An (trang đầu và trang cuối) |
Tổng số tiền bị can Lê Văn Bình nhận được từ nguồn tiền lập khống 116 hồ sơ sửa chữa, nạo vét công trình của XNTL Đô Lương là 69.237.249 đồng (trong đó Bình đã chi cho các hoạt động chung của xí nghiệp là 18.128.810 đồng, số tiền Bình hưởng lợi là 51.108.439 đồng). Bị can Thái Thị Vinh được hưởng lợi từ nguồn tiền lập khống 116 hồ sơ sửa chữa, nạo vết công trình là 62.108.439 đồng
Bị can Hoàng Hữu Sơn, từ năm 2016-2019 đã thống nhất thoả thuận với Hồ Đình Minh lập khống 90 hạng mục công trình nạo vét và sửa chữa kênh mương, nhưng không thi công công trình. Tổng số tiền 90 hạng mục được thanh quyết toán là 3.514.234.810 đồng. Số tiền Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An trích giữ lại theo thoả thuận có được từ 90 hạng mục là 474.761.946 đồng, sau khi nộp thuế số tiền của Công ty được hưởng 265.612.099 đồng. Ngoài vai trò làm Giám đốc Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An, bị can Sơn còn là công nhân hợp đồng dài hạn của XNTL Đô Lương. Từ năm 2016 - 2019 bị can Sơn được nhận số tiền lao động và chống hạn: 18.131.342 đồng từ nguồn tiền lập khống 116 hồ sơ của XNTL Đô Lương.
Đối với bị can Hoàng Minh Hùng được hưởng lợi từ nguồn lập khống 116 hồ sơ sửa chữa, nạo vét công trình của XNTL Đô Lương là 54.108.439 đồng. Bị can Thái Doãn Hảo tham gia họp bàn và thống nhất chủ trương lập khống 116 hồ sơ sửa chữa và nạo vét công trình của XNTL Đô Lương. Ngoài ra, từ tháng 8/2017-31/12/2019, Hồ Đình Minh đã giao cho Hảo đại diện kí 26 hợp đồng với XNTL Đô Lương thi công các công trình nạo vét. Tổng số tiền đã thanh quyết toán khống 26 hạng mục công trình nạo vét là 691.890.591 đồng.
Bị can Nguyễn Thị Tùng, vợ của Hoàng Hữu Sơn biết rõ Sơn thống nhất thoả thuận với Minh về việc Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An được giữ lại 12% số tiền đối với giá trị công trình nạo vét; 16% số tiền đối với giá trị công trình sữa chữa để nộp thuế và chi phí cho Công ty; số tiền còn lại Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An phải nộp lại cho XNTL Đô Lương. Tổng giá trị 90 hạng mục công trình Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An không thực hiện mà kí khống hồ sơ theo thoả thuận đã được thanh, quyết toán là 3.514.234.810 đồng. Số tiền Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An nộp về XNTL Đô Lương là 3.039.472.864 đồng.
Số tiền Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An trích giữ lại theo thoả thuận có được từ 90 hạng mục công trình lập khống là: 474.761.946 đồng. Số tiền bị can Tùng được hưởng lợi từ nguồn tiền XNTL Đô Lương lập khống 90 hồ sơ là: 39.527.431 đồng. Bị can Tùng liên đới gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, số tiền 3.514.234.810 đồng.
Bản án sơ thẩm số:155/2013/HS-ST ngày 7/11/2023 của TAND tỉnh Nghệ An (trang đầu và trang cuối) |
Bị can Nguyễn Duy Hùng kí vào 13 Bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng của XNTL Đô Lương, tổng giá trị công trình được thanh, quyết toán là 422.494.099 đồng. Trong số tiền 3.660.620.219 đồng, XNTL Đô Lương thu về từ việc lập khống 116 hạng mục công trình sửa chữa và nạo vét từ 2016-2019, Hùng được hưởng lợi 21.315.439 đồng. Hành vi của Hùng liên đới gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 422.494.099 đồng. Đối với bị can Cao Đăng Chương mặc dù biết rõ công trình không thi công nhưng vẫn kí xác nhận 7 Biên bản nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng của XNTL Đô Lương (tổng số tiền 280.305.875 đồng). Trong số tiền 3.660.620.219 đồng, XNTL Đô Lương thu về từ việc lập khống 116 hạng mục công trình sửa chữa nạo vét từ năm 2016 - 2019, Cao Đăng Chương hưởng lợi 29.208.439 đồng. Hành vi của Chương đã liên đới gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, số tiền 280.305.875 đồng.
Bị can Trần Khắc Tú kí xác nhận vào 3 Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng của XNTL Đô Lương, tổng trị giá công trình được thanh quyết toán là 75.309.511 đồng. Trong số tiền 3.660.620.219 đồng, XNTL Đô Lương thu về từ việc lập khống 116 hạng mục công trình sửa chữa và nạo vét từ 2016-2019, Tú được hưởng 24.494.603 đồng. Hành vi của Tú đã liên đới gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, số tiền 75.309.511 đồng. Còn bị can Trần Hữu Đạt, cán bộ Phòng kĩ thuật công trình, Công ty TNHH MTV Bắc Nghệ An kí xác nhận vào 28 Bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng cho XNTL Đô Lương, trên thực tế 28 công trình này không thi công, dẫn đến việc XNTL Đô Lương được thành quyết toàn số tiền 908.168.516 đồng. Hành vi kí vào 28 Bản nghiệm thu của Đạt gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 908.168.516 đồng. Trong quá trình điều tra chứng minh bị can Đạt không được hưởng lợi gì.
Cũng như bị can Đạt, bị can Bùi Thị Lường, Phó Phòng kĩ thuật công trình, cán bộ chuyên quản XNTL Đô Lương (năm 2019) Công ty TNHH MTV Bắc Nghệ An kí xác nhận vào 26 Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng cho XNTL Đô Lương, trên thực tế 26 công trình này không thi công, dẫn tới việc XNTL Đô Lương được thanh quyết toán khống số tiền 895.413.000 đồng. Bị can Lương đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 895.413.000 đồng. Qua điều tra chứng minh bị can Lương không được hưởng lợi gì.
Theo đó, Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố các bị can ra trước TAND tỉnh Nghệ An để xét xử đối với bị can Hồ Đình Minh, Lê Văn Bình, Thái Thị Vinh, Hoàng Hữu Sơn, Hoàng Minh Hùng, Thái Doãn Hảo, Nguyễn Thị Tùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS). Nguyễn Duy Hùng, Cao Đăng Chương về tội “Lợi dùng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 356 BLHS, Trần Khắc Tú về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 1, Điều 356 BLHS. Trần Hữu Đạt, Bùi Thị Lường, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 360 BLHS.
Một số hạng mục công trình được thi công, xây dựng và đưa vào hoạt động. |
Phán quyết của TAND tỉnh Nghệ An và TAND Cấp cao
Trong các ngày 30/10 - 3/11 và 7/11/2023, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án hình sự số: 139/2022/TLST-HS ra xét xử. Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định: Căn cứ vào Khoản 3, Điều 356, điểm b, s, v, Khoản 1, Khoản 2, Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự xử phạt các bị cáo: Hồ Đình Minh 5 năm tù, Lê Văn Bình 4 năm tù, Thái Thị Vinh 3 năm 6 tháng tù, Hoàng Minh Hùng 3 năm tù, Hoàng Hữu Sơn 3 năm tù, Thái Doãn Hảo 30 tháng tù, Nguyễn Duy Hùng 24 tháng án treo, Cao Đăng Chương 12 tháng án treo, bùi Thị Lường 24 tháng án treo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, các bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt theo quy định (bị cáo Đạt và Lường, HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung).
Không đồng tình với Bản án sơ thẩm số: 155/2013/HS-ST, ngày 7/11/2023 của TAND tỉnh Nghệ An, các bị cáo có đơn kháng cáo gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội.
Ngày 19/7/2024, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ra xét xử phúc thẩm. Theo đó, tại phiên toà phúc thẩm này, HĐXX đã bác kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Nghệ An.
Các bị cáo đề nghị TAND Tối cao xem xét, kháng nghị vụ án
Theo bị cáo Hồ Đình Minh:
Thứ nhất, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng tỉnh Nghệ An chỉ dựa vào nhận thức chủ quan và lời khai của các bị can cho rằng Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An và ông Thái Doãn Hảo không trực tiếp thi công 116 công trình sửa chữa, nạo vét mà để cho XNTL Đô Lương thi công. Tuy nhiên thực tế, Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An đã mua vật tư phục vụ việc thi công và giao khoán lại phần nhân công cho tập thể người lao động thuộc XNTL Đô Lương thực hiện. Các hạng mục công trình đều được thực hiện trên thực tế, đang tồn tại, có hình thù, kính thước rõ ràng, hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường, đo, vẽ, chụp ảnh. Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét tại hiện trường mà chỉ hoàn toàn dựa vào lời khai để đưa ra kết luận Công ty CP XDTL Đô Lương và ông Thái Doãn Hảo không thi công trên thực tế; lập hồ sơ khống để “hợp thức hóa” việc lấy tiền từ Ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, không có việc XNTL Đô Lương tự thực hiện việc sửa chữa, nạo vét các công trình như kết luận của hai bản án. Thực tế, XNTL Đô Lương không được cấp vốn để thi công 116 công trình. Xí nghiệp không làm khống hồ sơ, không mua vật tư xây dựng nên không có đủ điều kiện để thi công các công trình sửa chữa. Xí nghiệp không có quyền điều động lao động thực hiện thi công công trình đã giao cho nhà thầu thi công là Công ty CP XDTL Đô Lương và ông Thái Doãn Hảo, không có việc chi trả tiền nhân công để thực hiện công việc. Không có hồ sơ thể hiện XNTL Đô Lương là đơn vị tổ chức việc thi công 116 công trình các bị cáo buộc làm khống hồ sơ.
Từ 2016 - 2019, ngoài 123 hạng mục (trong đó có 116 hạng mục được cho là lập khống hồ sơ) thì XNTL Đô Lương không thi công bất kì hạng mục sửa chữa, nạo vét nào, nên không có việc “tự sửa chữa các công trình thủy lợi”. Ngay cả “các công trình thủy lợi” mà XNTL Đô Lương “tự sửa chữa” cũng không được cơ quan tiến hành tố tụng và các cấp Toà làm rõ.
Thứ ba, cơ quan tố tụng cần xem xét lại giữa hai chủ thể “XNTL Đô Lương” và “người lao động thuộc XNTL Đô Lương”. XNTL Đô Lương là một tổ chức trực thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, gồm các yếu tố hợp thành chủ yếu là: đơn vị chủ quản, trụ sở, tài sản, chủ sở hữu…, còn “người lao động thuộc XNTL Đô Lương” là tập hợp những người làm việc tại XNTL Đô Lương trong một thời điểm nhất định.
Khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cả hai cấp Toà đều cho rằng, “người lao động thuộc XNTL Đô Lương” và “XNTL Đô Lương” là một nên khi thấy Công ty CP XDTL Đô Lương Nghệ An và ông Thái Doãn Hảo đã sử dụng người lao động thuộc XNTL Đô Lương để làm việc cho mình thì lại cho rằng XNTL Đô Lương tự thi công công trình chứ không phải nhà thầu tổ chức thi công.
Thứ tư, không có thiệt hại xảy ra do hành vi của chúng tôi như kết luận của các cơ quan chức năng. “Toàn bộ 116 công trình có thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó có 28 công trình xây đúc đang hiện hữu, được Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An xác định thi công đúng thiết kế (trang 44 Bản án số 155/2023/HS-ST của TAND tỉnh Nghệ An). Bên cạnh đó, Toà án cũng nhận định: “Đối với các công trình nạo vét, qua nghiên cứu hồ sơ, nhận thấy, trong các danh mục các công trình được phê duyệt nạo vét hằng năm có một số công trình được phê duyệt và thi công nhiều lần và hiện nay công trình đang hoạt động bình thường như: Nạo vét bồi lắng cục bộ lòng kênh chính trạm bơm Nhân Sơn; Nạo vét bồi lắng cục bộ lòng kênh chính Văn Tràng... Thực tế các bị cáo tổ chức thi công để công trình hoạt động bình thường...”. Như vậy, thực tế có việc xây dựng, nạo vét và sửa chữa. Các công trình nạo vét vẫn lưu lại một số hình ảnh quá trình thi công, danh sách các công trình có xác nhận của người lao động trực tiếp quản lí công trình, những người đã trực tiếp lao động và nhận tiền nhân công lao động hằng năm.
Bị cáo Hồ Đình Minh cho rằng: “Từ những phân tích trên, chúng tôi đã có đơn gửi TAND Tối cao xem xét kháng nghị vụ án. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có đơn gửi tới các cơ quan chức năng xem xét toàn bộ lại vụ án một cách “cẩn trọng”. Những người lao động “thấp cổ, bé họng” như chúng tôi đang bị kết án có dấu hiệu “oan sai”. Chúng tôi cần truyền tải những vấn đề “bất cập”, “bản chất” thực sự của vụ án để các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét, kịp thời khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại xảy ra đối với mỗi chúng tôi. Điều này cũng sẽ đồng thời nêu cao uy tín của nền tư pháp Việt Nam”.