Người anh hùng bình dị
Đời sống 17/03/2022 17:00
Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp thiếu tá Nguyễn Quang Trung, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh hạng 2/4, hiện ở xóm 11, xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Bằng cái bắt tay thật chặt của người lính, ông mời tôi ngồi vào ghế và nói luôn, nhanh thật mới đó mà đã 47 năm mình chỉ huy trận đánh mở màn chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, cứ như trong mơ vậy.
Năm 1969, ông Trung xung phong lên đường nhập ngũ, sau 3 tháng huấn luyện, ông được phân công làm tiểu đội trưởng tiểu đội trinh sát chiến đấu trên chiến trường Lào tại các cao điểm 1900,1236, Bản Lèm, Bản Lọng… Đặc biệt tháng 4 năm 1972, Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 148 Sư 316 nhận lệnh tập kích một đại đội phỉ đóng trên điểm cao độc lập, vách đá dựng đứng, mặc dù có pháo binh yểm hộ nhưng bộ binh ta vẫn không lên được. Lệnh của cấp trên hãy bằng mọi giá phải chiếm lĩnh điểm cao.Trước tình hình đó Tiểu đội trưởng, đảng viên trẻ Nguyễn Quang Trung đã xung phong dẫn tiểu đội tập kích. Mò mẫm giữa các bậc đá tai mèo gần 3 tiếng đồng hồ ông mới tiếp cận được tên lính gác. Để đảm bảo bí mật, ông không dùng súng mà dùng võ thuật quật ngã đẩy tên lính xuống vực. Giải quyết xong tên gác, ông thả dây xuống để từng chiến sỹ một leo lên. Bí mật, bất ngờ, sau 15 phút chiến đấu quân ta đã chiếm lĩnh điểm cao, từ đó quan sát toàn mặt trận góp phần cho thắng lợi trên cả cánh đồng Chum. Sau chiến dịch,đơn vị ông chuyển về hậu cứ ở Anh Sơn huấn luyện để vào Nam đánh trận mở màn cho đại thắng mùa Xuân 1975
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Trung thư thái bên điếu thuốc lào |
Theo kế hoạch tác chiến, ngày 9 tháng 3 năm 1975, đơn vị ông có mặt tại rừng cao su cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 5km. Lúc này ông Trung là Đại đội phó Đại đội 2, D4, E316. Đại đội được phân công đánh vào cứ điểm của Tiểu đoàn Mãnh Hổ, đây là tiểu đoàn chủ lực của địch bảo vệ thị xã Buôn Ma Thuột. Đại đội có nhiệm vụ tiếp cận để dùng bộc phá đánh bật hàng rào kẽm gai và các ụ lô cốt dọn đường cho bộ binh tiến lên. Đúng 2 giờ sáng, khi pháo hiệu vút lên, pháo binh quân giải phóng ở các cánh rừng xung quanh thị xã cấp tập dội bão lửa xuống các căn cứ địch. Bị động, bất ngờ, bọn địch nháo nhào xuống công sự cố thủ. Lợi dụng ánh sáng của đạn pháo, các chiến sỹ đã đặt bộc phá phá hết ba lớp hàng rào còn hai lớp phía sau chưa phá được do địch trong lô cốt bắn ra dữ dội. Tình hình căng thẳng, một số đồng đội đã hy sinh, nếu không phá hết hàng rào thì bộ đội sẽ không tiến lên được. Lúc này pháo binh đã ngừng vì bộ đội đã tiến sát hàng rào. Trước tình hình đó, chi bộ Đảng hội ý chớp nhoáng, phân công ông Trung dẫn đầu một tổ, đại đội trưởng dẫn đầu một tổ dùng bộc phá và B40 đánh tập kích cửa mở. Sau 10 phút một đoạn hàng rào và 2 ụ lô cốt cuối cùng của địch bị phá hủy, phía ta đại đội trưởng và hai chiến sỹ hy sinh.
Đại đội trưởng hy sinh, ông Trung lên thay đại đội trưởng tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Dưới làn đạn địch ông đã động viên anh em giữ vững quyết tâm chiến đấu. Sau 30 phút chiến đấu , quân ta đã tiêu diệt gọn sở chỉ huy tiểu đoàn địch, diệt và bắt sống gần 100 tên. Thừa thắng xông lên, đơn vị đánh tràn sang tiểu đoàn thiết giáp bên cạnh. Bị đánh hiệp đồng binh chủng nên bọn địch tháo chạy nháo nhào, súng ống đạn dược vứt lung tung. Trận này đại đội của Nguyễn Quang Trung tiêu diệt thêm được 7 xe tăng, một kho đạn, thu 30 xe quân sự các loại, loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tên, góp phần đánh trận mở màn giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Mê Thuột.
Gan dạ, xông xáo, lập nhiều thành tích trong chiến đấu, ngày 15 tháng 1 năm 1976, Thiếu tá, Nguyễn Quang Trung được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân .
Năm 1991, do sức khỏe yếu, vết thương cũ thường xuyên tái phát, vợ mất, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, ông Trung đã được cấp trên cho về nghỉ hưu. Về quê, sống cuộc sống đời thường, ông tham gia hoạt động xã hội trong tổ chức Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, tham gia kể chuyện truyền thống cho các em học sinh, cho tân binh ở các đơn vị bộ đội thuộc Sư đoàn 316. Tham gia chương trình "Chúng tôi là chiến sỹ" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện tại đơn vị cũ có mời anh là nhân chứng sống tham gia… Trong các cuộc họp chi bộ, anh luôn đấu tranh thẳng thắn với các biểu hiện tiêu cực, thoái hóa của một bộ phận cán bộ đảng viên. Mấy năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu lại mắc thêm bệnh gút hoành hành nên anh ở nhà chẻ tre đan thêm chiếc rổ, chiếc rá đem ra chợ Cồn bán. Tuy thu nhập từ nghề đan chẳng đáng là bao nhưng anh nói làm cho vui cửa vui nhà và giữ nghề đan truyền thống của quê hương. Ông thường nói ngày xưa cả xã còn nghèo nhưng quê ông nhờ nghề đan mà vẫn khá hơn các vùng quê khác. Ông nuôi nhiều gà thả vườn không phải để bán mà ngoài phục vụ gia đình còn để tiếp đãi bạn bè đến thăm. Ông có năm người con cả trai lẫn gái đều chăm ngoan học giỏi, tốt nghiệp xong đại học, các cháu đã có công việc ổn định, đó là hạnh phúc nhất của đời ông. Cao tuổi, đi lại khó khăn nhưng ông luôn tham gia đầy đủ các cuộc họp của Hội Người cao tuổi. Với các cụ cao tuổi, ông luôn là tấm gương sáng, với các cháu nhỏ,ông là cây đa, cây đề trong mọi công việc để lớp trẻ noi theo.Với đồng đội ông là thương binh ''Tàn nhưng không phế".
Kết thúc câu chuyện, ông nói, Trận đánh xảy ra cách đây đã 47 năm nhưng khi nghĩ đến lòng tôi lại rạo rực, tự hào, một niềm tin tất thắng và hình ảnh lá cờ nửa xanh nửa đỏ tung bay trong nắng mùa Xuân vẫn còn đọng mãi trong tôi. Ký ức dạt dào, ông cất giọng ngâm "Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất / Sống hiên ngang, bất khuất trên đời / Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi…" Vâng tôi hiểu, ông là những chàng Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi. Ký ức của ông là niềm tự hào của một thời đại - Thời đại Hồ Chí Minh.