Niềm vui và sự phiền toái của... “nhà báo làng”

Đời sống 28/05/2025 10:17
Bài thơ “Chợ làng” của tác giả Xuân Hồng, được đánh giá là bài thơ hay, hay trước hết bởi có cấu tứ. Ở đây tác giả kể câu chuyện về phiên chợ làng, với những sản vật rất dung dị, rất đời thường: “Chợ làng, bánh đúc, bày sàng/ Sóc cua, mớ tép, bưởi vàng, nhành cau/ Bên hàng thịt, dãy hàng rau…”. Đơn giản vậy thôi, nhưng lại rất thân thương, gần gũi: “Người mua, người bán, trước sau mặn mà”. Hình ảnh chợ làng này trở thành nỗi nhớ da diết của những người xa quê. Thông điệp tác giả gửi gắm rằng, không ai xa quê mà không nhớ đến chợ làng, với những món ăn dân dã: “Người làng năm tháng xa nhà/ Nhớ hàng bánh đúc, bánh đa bên đình… Nhớ hàng bún ốc, bún cua/ Xa quê đã mấy chục mùa vẫn ngon”. Không chỉ nhớ đến chợ với những món ăn dân dã, bạn đọc được chứng kiến sự liên tưởng đến kỉ niệm thời ấu thơ của tác giả, một kỉ niệm rất dung dị, nhưng rất đẹp: “Nhớ hôm hai đứa chúng mình/ Lon ton theo mẹ thanh minh lễ chùa”.
![]() |
Nhưng hình ảnh chợ làng này là chợ ngày xưa, ngày tác giả còn thơ bé, chưa ra đời bươn chải kiếp mưu sinh. Vậy nên, đây là hoài niệm của một thời quá vãng. Chợ ngày nay, kể cả chợ làng thì không thể có cảnh bánh đúc bày ở sàng, chưa nói giờ nhiều nơi siêu thị mọc lên, với những bảo đảm về chất lượng hàng hoá, thực phẩm, nên cái quang cảnh “chợ làng” như trong bài thơ hầu như không còn nữa. Đoạn sau tác giả miêu tả cảnh mình về thăm làng sau nhiều năm xa quê, mà không còn gặp những hình ảnh của phiên chợ làng xưa: “Về làng, ngơ ngẩn, thẩn thơ/ Ngày xưa, ngày xửa bây giờ tìm đâu?/ Đời người con nước qua cầu/ Bèo xưa trôi mãi biết đâu mà tìm?”. Ở đây là sự khẳng định của tác giả, với những ẩn ý sau những câu thơ. Thơ là “ý tại ngôn ngoại”, độc giả cần dừng lại để thẩm thấu mới hiểu rằng, cái thời quá vãng đó được tác giả ví như cánh bèo trôi theo con nước, để rồi trôi mãi không biết đâu mà tìm. Hai câu thơ cuối tác giả muốn xác định lần nữa sự tiếc nuối, muốn cầu mong được “trở lại ngày xưa”, nên: “Tre già xoã tóc lặng im!/ Chúng mình giờ lại đi tìm ngày xưa”.
![]() |
Đó là nội dung miêu tả về chợ làng xưa, cái thời nay đã thành quá vãng. Ẩn ý của bài thơ có thể là nói về cuộc sống của làng quê, mà nay đã thay đổi nhiều, không còn được như xưa. Tuy được đánh giá là bài thơ hay vì có tứ và nói được tâm tư của người xa quê, với hình ảnh chợ làng, song bài thơ không tránh được nhiều lỗi chính tả và lỗi kĩ thuật văn bản. Cái lỗi rõ nhất được chỉ ra là tác giả lạm dụng dấu phẩy, cụ thể: “Chợ làng, bánh đúc, bày sàng”, đúng ra câu này không cần dấu phẩy nào mới đúng. Hoặc như câu: “Người mua, người bán, trước sau mặn mà”, đúng ra phải viết: “Người mua, người bán trước sau mặn mà”. Câu: “Vẫn là, nơi ấy, héo hon người chờ”, cũng không cần phải đánh dấu phẩy nào cả. Cũng như vậy, câu: “Về làng, ngơ ngẩn, thẩn thơ” bị thừa một dấu phẩy, đúng ra phải viết “Về làng ngơ ngẩn, thẩn thơ”. Tác giả viết: “Bên hàng thịt, dẫy hàng rau”, đúng ra phải viết là “… dãy hàng rau”. Câu: “Bèo xưa trôi mãi biết đâu mà tìm?” đúng ra không cần đánh dấu hỏi, vì đây là câu khẳng định, không còn nghi ngờ việc mất đi hình ảnh phiên chợ quê xưa.