Nhà báo đồng hành cùng người cao tuổi

Đời sống 29/05/2025 10:30
Từ nhỏ, tôi đã được ông giảng giải sự tích cúng mùng 5, theo truyền thuyết, hơn 2000 năm trước, có vị quan Tả phủ tên Khuất Nguyên ở nước Sở vì bị mất chức nên đã ôm hòn đá nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn vào đúng ngày 5/5 âm lịch. Người dân thương tiếc ông, đã nặn bánh nếp có góc cạnh để thả xuống sông, mong ông yên nghỉ. Do vậy, bánh tro xứ Quảng có hình tam giác.
Những ngày ấy, mâm cúng mùng 5 nhà tôi rất đa dạng. Thịt vịt luộc chấm mắm gừng cay cay, mì Quảng với sợi mì vàng óng, nước dùng đậm đà thơm mùi nghệ, xôi nếp dẻo thơm, chè ngọt dịu, bánh tro mềm mịn và bánh tráng nướng giòn rụm. Trái cây thì đầy ắp mít chín thơm lừng, chuối vàng ươm, dưa hấu đỏ mọng, chôm chôm chín mọng nước...
![]() |
Mâm cỗ Tết Đoan ngọ |
Cúng xong, cả nhà cùng quây quần bên mâm ăn uống. Mẹ bảo, ăn mùng 5 là để “giết sâu bọ” trong người, cho cả năm khỏe mạnh. Cái cảm giác ăn cùng nhau, tiếng cười nói rôm rả, những miếng bánh ú tro dẻo thơm nhấm với đường cát trắng ngọt ngào, tất cả làm cho Tết Đoan ngọ không chỉ là một ngày lễ mà là sự gắn kết của tình thân gia đình.
Bánh ú tro là món ăn không thể thiếu. Khác với bánh ú tro có nhân ở Huế, bánh ú tro xứ Quảng chỉ đơn giản từ gạo nếp hương và nước tro, gói trong lá đót có mùi thơm đặc trưng, khi bóc ra bánh có màu vàng như mật ong. Nhấm từng miếng bánh dẻo, hơi sần sật, thoang thoảng mùi tro và hương lá đót, làm người ăn không thấy ngán dù ăn cả chục chiếc. Ngoài ra, không thể quên được thứ nước đặc biệt - nước lá “mùng 5”. Lá mùng 5 là tập hợp các loại lá thuốc nam: Lá chè vằng, tía tô, ngải cứu, lá vối, lá bướm lông, mã đề, ngũ gia bì... được hái từ bờ ao, ven rừng, phơi khô rồi nấu thành nước uống ngày Tết. Mùi thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, vừa giải nhiệt mùa Hè, lại giúp tiêu hóa tốt.
Những kỉ niệm bé thơ không thể nào quên là cái trưa mùng 5, cha tôi ra sân bắt thằn lằn thả vào chậu nước. Thằn lằn bơi vài vòng rồi được thả ra. Cha lấy khăn ướt lau mặt, lau mắt cho anh em chúng tôi, nói rằng làm thế sẽ “sáng mắt sáng mũi”, tránh bệnh đỏ mắt cả năm. Vào đúng giờ Ngọ, cha còn dặn: “Mắt nhìn thẳng mặt trời, sẽ sáng hơn”. Chúng tôi ngước lên, mắt chói chang, nhưng lòng hồn nhiên tin rằng sẽ thấy “long lân quy phụng” hiện trên mặt trời. Đó là những giây phút đong đầy tuổi thơ, ngây ngô và trong sáng vô cùng.
Khi trưởng thành, tôi sống và làm việc xa quê, nhưng cứ mỗi dịp Tết Đoan ngọ về, lòng lại trào dâng nỗi nhớ. Nhớ mùi bánh tro, vị ngọt của chè, hương thơm nồng của nước lá mùng 5 và cả hình ảnh cha mẹ quây quần bên mâm cúng. Bàn thờ nghi ngút khói hương, di ảnh ông bà như vẫn dõi theo, che chở cho con cháu.
Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhiều phong tục truyền thống có phần mai một, nhưng Tết Đoan ngọ vẫn giữ nguyên giá trị tinh thần và văn hóa. Nó là sợi dây gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, là nét đẹp văn hóa độc đáo của người Việt.