Tuyến đường bộ cao tốc kết nối 3 tỉnh Bình Thuận – Lâm Đồng – Đắk Nông, đoạn qua tỉnh Bình Thuận: Mở lối tương lai!

Nhịp sống 16/05/2025 12:54
Hơn 5 giờ sáng, tiếng người í ới gọi nhau từ làng biển Xuân Hà (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) rộn rã. Họ rủ nhau xuống biển để cào ốc lễ đang vào mùa ở xứ này. Ốc lễ, nhiều nơi gọi là ốc ruốc, ốc gạo... chính vụ từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và chỉ có ở khu vực ven biển miền Trung. Ngư dân Võ Ngàng chia sẻ: “Ốc lễ vào mùa từ tháng 10, nhưng phải sau Tết thì ốc mới đạt kích thước chuẩn để thu hoạch. Nghề cào ốc đơn giản nên ai cũng làm được, cứ tới mùa là cả chục người tham gia cào ốc để kiếm thêm thu nhập. Những người siêng năng và có sức khỏe mỗi ngày cào có thể kiếm 500-700 nghìn đồng, có khi cả triệu đồng. Vì thế, nhiều người dân thường tranh thủ dịp này để sửa soạn dụng cụ, ra biển từ sớm cào ốc kịp mang về bán”.
![]() |
Ngư dân xứ Quảng cào ốc lễ buổi sáng |
Tiết trời Giêng hai lạnh về sáng, nhiều bóng người vẫn ngụp lặn với con sóng bạc đầu chiu chắt mưu sinh. Giờ đang mùa cao điểm, ốc tụ lại từng đàn, nằm dày đặc trên bờ biển sát mép nước. Đa số người cào ốc từ 4-10 giờ sáng để đi theo con nước, ốc thu được nhiều hơn. Người làm nghề chủ yếu là dân làng chài, vì họ đã quen với sóng gió và biết đoạn nào cào ốc được nhiều, dễ kéo cào và ít nguy hiểm hơn. Dụng cụ cào ốc cũng rất đơn giản, được làm từ cây sào tre hoặc gỗ dài, một đầu gắn khung sắt có bọc lưới để cào xuống cát, buộc thêm dây đai lưng. Ngư dân có thể tự chế hoặc đặt thợ làm với mức giá khoảng 1 triệu đồng/cái.
Nghề cào ốc tuy đơn giản nhưng rất cực nhọc, người cào phải đứng cách nhau vài mét để nước không đục. Ngâm mình trong nước biển lạnh nhiều tiếng đồng hồ, tay cầm vợt cào ốc nặng trung bình 5kg, chân đi liên tục theo con nước để cào được ốc vào lưới. Khi cào ốc thì người cào đứng ngược chiều sóng, tay cầm sào rà sát dưới đáy để cho ốc vào lưới. Chừng nào thấy sào đã nặng thì vớt lưới lên rũ cho rơi rớt cát hay tạp chất, khi ốc đầy lưới thì ngư dân lên bờ đổ ốc ra thùng nước để loại bỏ tạp chất, rác biển hay dã tràng. Sau đó ngâm nước biển cho ốc nhả sạch cát, sàng sẩy và phân loại. “Đi cào ốc quá sớm thì nước biển còn đục, ốc chưa vào bờ, đi cào ốc trễ hơn thì mặt trời lên cao, dưới nước thì lạnh mà trên trời thì nắng nóng bể đầu. Vì thế, người làm nghề cào ốc phải có sức khoẻ tốt và kiên nhẫn. Mặc dù đánh bắt gần bờ nhưng nghề cào ốc cũng có những rủi ro nếu không may gặp vùng nước xoáy. Chúng tôi thường đi thành từng nhóm để có chuyện gì thì giúp đỡ nhau”, ngư dân Võ Ngàng bộc bạch.
![]() |
Nhiều năm trở lại đây, giá ốc lễ cũng tăng cao nên không chỉ đàn ông đi cào ốc, mà nhiều phụ nữ cũng tham gia. Phụ nữ cào ốc ở gần bờ, còn đàn ông sẽ ra xa ngoài bãi hơn một chút. Sản lượng vì thế cũng khác nhau nhưng đều có thể đem lại ít nhiều thu nhập cho mỗi người. Bà Phan Thị Tùng, một phụ nữ ở làng biển Thọ Quang cho biết, mùa ốc lễ năm nay nhiều nên đạt sản lượng cao.
Cặm cụi giữa sóng biển kiếm tìm lộc trời của biển khơi giấu trong lòng cát, ngư dân xem đây vừa là niềm vui đầu năm, vừa có thêm thu nhập. Tùy vào kích cỡ ốc to hay nhỏ mà giá bán cũng khác nhau, dao động từ 20.000-30.000 đồng/lon, hoặc 150.000 - 200.000 đồng/thùng (20kg). Suốt 3 tháng mùa ốc, ngư dân có thể kiếm được cả chục triệu đồng. Với những ghe thuyền công suất lớn có máy hút thì có thể kiếm được 10-20 triệu đồng mỗi ngày. Sau buổi sáng vác cào ra biển, ông Nguyễn Mạnh (trú quận Liên Chiểu) hào hứng khoe: “Mỗi ngày tôi cào được gần 20kg ốc lễ, rồi sau đó phân loại ngay tại bờ biển. Mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng nên hứng khởi lắm!”.
Vào thời điểm này, đi đến đâu, nhất là ở những khu chợ lớn, cũng có thể thấy từng thau ốc cỡ đại được nấu sả ớt thơm phưng phức, bày bán khắp mọi nơi ở xứ biển miền Trung từ Quảng Trị tới Bình Định.
![]() |
Ngư dân lên bờ đổ ốc ngâm nước biển cho ốc nhả sạch cát, sàng sẩy và phân loại. |
Nếu như ốc lễ ở biển Quảng Trị hay Huế chỉ có một màu đỏ, thì ốc lễ ở Đà Nẵng hay vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi lại có ngũ sắc: Đỏ, trắng, đen, xám, tím và vị béo ngọt nên rất hút khách. Sau khi cào ốc từ biển về người dân sẽ sàng lọc ra những con ốc to sau đó đem ngâm với nước qua đêm cho sạch cát, tiếp theo dùng chiếc nồi lớn nấu nước cho thật sôi rồi trút ốc vào, sau đó cho các gia vị gồm sả, ớt bột, muối, hạt nêm, bột ngọt, gừng... hòa trộn cho thật đều để gia vị thấm từng con ốc. Nấu chừng 15p sau đó vớt ra. Tùy theo từng người mà tiếp tục nêm nếm, nếu sử dụng cảm thấy ốc thiếu những hương vị gì thì có thể cho thêm các gia vị để tăng thêm độ mặn hoặc ngọt của từng con.
Ốc lễ tuy là món ăn chơi, ruộc ốc tuy nhỏ nhưng có sức hút làm mê hoặc lòng người. Khi thưởng thức người ta dùng tay kẹp chiếc gai nhỏ, tay kia cầm con ốc khều thân ốc ra khỏi vỏ đưa ốc vào miệng vị ngọt, mặn, thơm, cay hòa quyện rất hấp dẫn. Đã lể một con thì không thể không lể con thứ hai, thứ ba…
![]() |
Ốc lễ thường được mua theo từng lon kèm theo tăm tre nhọn hoặc gai cam, chanh để dễ lấy ruột ốc thưởng thức |
Đến mùa, ốc lễ được bán từ làng quê cho đến phố thị. Hằng ngày, các bà, các mẹ đi chợ ngoài việc mua đồ ăn thì trong giỏ không quên mua một bọc ốc. Có những bà những chị buộc một thùng xốp giữ nhiệt sau baga xe máy hoặc xe đạp, bên thùng xốp cắm theo một cành gai cam đi khắp các ngõ phố hay đường quê rao lanh lảnh: “Ốc lễ đây!”. Mọi người mua rồi cùng nhau túm tụm lể ốc cười nói rôm rả.
Món ốc lễ góp phần làm phong phú thêm ẩm thực xứ biển, tạo đa dạng hơn trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Tuy không phải là món ăn mĩ vị cao sang hay là thứ để giải quyết cái đói, nhưng món ốc lễ lại có sức hấp dẫn với nhiều người, như một nét chấm phá về văn hóa và là quà tặng cho đời, cho cuộc sống và gợi nhớ cho những ai ưa “thưởng thức” về một loài ốc biển nhỏ nhoi nhưng đầy phong vị quê hương.