Anh hùng Nguyễn Đức Thịnh - Người chiến sĩ Công an quên mình vì dân
Đời sống 09/12/2022 10:04
Khát vọng, hoài bão
Thiếu tá Nguyễn Đức Thịnh (1956-2000), sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thôn An Nhân, xã Yên Lương. Cha ông nguyên là Phó trưởng Công an xã Yên Lương trong kháng chiến chống Mỹ, từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người hiếu học và có mơ ước sau này được làm một người chiến sĩ Công an mẫu mực như cha mình. Nguyễn Đức Thịnh học rất giỏi, là một trong số ít những học sinh của xã Yên Lương được theo học tại Trường THPT Tống Văn Trân, ngôi trường có tiếng tại huyện Ý Yên lúc bấy giờ. Là con trai cả duy nhất trong gia đình có 4 anh em, sớm ý thức được trách nhiệm cũng như kì vọng của gia đình gửi gắm, nên ông ngày đêm miệt mài học tập để không phụ người thân.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông trúng tuyển vào Trường Trung cấp Công an, học tại Suối Hai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1977, ông ra trường và được nhận công tác tại Công an quận Đống Đa, phụ trách mảng tư pháp. Cảm mến trước chàng chiến sĩ Công an trẻ nhiệt huyết cống hiến cho lí tưởng, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, Thứ trưởng Bộ Công an lúc bấy giờ là đồng chí Tâm Long đã nhận ông làm con nuôi.
Ông kết hôn với người vợ đầu là một người con gái sinh ra tại Hà Nội. Mái ấm gia đình trở nên hạnh phúc hơn khi họ lần lượt có với nhau 2 người con: Một trai, một gái.
Vợ chồng Anh hùng Nguyễn Đức Thịnh - Trương Thị Xạo |
Xả thân vì dân
Giữa lúc cuộc sống đang êm ấm và sự nghiệp trên đà phát triển, một buổi sáng định mệnh năm 1982 đã ghi dấu một chiến công oanh liệt trong cuộc đời người chiến sĩ Công an Nhân dân của ông.
Vào một buổi sáng năm 1982, theo lịch thì hôm đó không phải ngày làm việc của ông. Nhưng người làm nhiệm vụ trực ban vì có việc đột xuất nên nhờ ông trực thay. Khi ông đang ngồi tại bàn làm việc thì có một thiếu niên hớt hải chạy vào, với vẻ mặt hoảng sợ tột độ, báo nhà bên cạnh nơi cháu sinh sống đang bị một tên cướp hung hãn đe doạ và trong tay hắn có lựu đạn. Không chần chừ, ông vội cùng một đồng nghiệp và tổ trưởng dân phố lao ngay tới hiện trường.
Thấy có công an đến, tên cướp lạnh lùng rút chốt lựu đạn định ném vào trong nhà nơi gia đình đó đang ẩn nấp, hòng tẩu thoát. Trước tình thế vô cùng nguy hiểm, ông không kịp suy nghĩ nhiều, vội lao vào giữ chặt trái lựu đạn trên tay tên cướp và dùng hết sức ôm chặt hắn lao ra ngoài nhằm bảo vệ tính mạng cho cả gia đình kia. Lựu đạn phát nổ, bản thân tên cướp thi thể không còn nguyên vẹn nhưng người chiến sĩ trẻ Nguyễn Đức Thịnh của chúng ta cũng bị thương nghiêm trọng tưởng chừng không thể cứu chữa được. Sức nổ của lựu đạn khiến đôi chân ông bị dập nát, khắp cơ thể bị mảnh văng găm đầy. Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra, nhờ được đồng đội kịp thời đưa vào bệnh viện Việt Đức cùng với sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ, ông đã giữ lại được mạng sống của mình nhưng phải chịu thương tật 71%. Bằng những phương pháp y học tốt nhất lúc bấy giờ, ông đã được các bác sĩ tái tạo, ghép lại xương chân, tuy nhiên, nó chỉ có thể giúp ông có được những bước đi tập tễnh chứ không thể giúp ông lấy lại được đôi chân rắn rỏi như ngày nào.
Nhờ tấm gương quên mình vì Nhân dân, năm 1982, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Câu chuyện ông ôm chặt tên cướp với trái lựu đạn trên tay để cứu cả một gia đình thoát nạn đã được lan truyền rộng rãi và trở thành một hình tượng đẹp của người Công an Nhân dân.
Những năm tháng sau đó, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho ngành Công an, mặc dù sức khoẻ của ông bị ảnh hưởng rất nhiều. Những mảnh lựu đạn còn găm trong đầu, trong cơ thể của ông chưa được lấy ra, vẫn thi nhau hành hạ ông mỗi khi trái gió, trở trời. Mặc dù được gia đình khuyên xin nghỉ chế độ sớm nhưng đến năm 1990, ông mới xin nghỉ hưu sớm do sức khoẻ đã suy giảm trầm trọng.
Vì không muốn trở thành gánh nặng cho vợ con, ông ngậm ngùi chia tay người vợ trẻ để trở về quê hương sống một cuộc đời bình dị và thầm lặng bên người mẹ già và xóm làng an vui.
Mảnh đời thầm lặng
Năm 1990, ông Nguyễn Đức Thịnh trở về quê hương với quân hàm Thiếu tá. Từ lâu, hành động xả thân vì Nhân dân của ông đã được dân làng, chòm xóm truyền tai nhau và ông đã trở thành người hùng trong mắt họ. Họ tự hào về ông nhưng khi thấy ông trở về với đôi chân thương tật khập khiễng, một bên tay bị khoèo, mọi người cảm thấy thương ông hơn bao giờ hết. Đang từ một chiến sĩ công an rắn rỏi, phong thái tuấn tú thì giờ đây là một người có phần già hơn tuổi rất nhiều, không còn dáng vẻ uy nghiêm vốn có của ông nữa, thay vào đó là sự u sầu, nét mặt thường trầm ngâm mang nhiều tâm sự.
Cảm kích trước hành động người anh hùng, cảm thương cho hoàn cảnh hiện tại của ông, bà Trương Thị Xạo, người cùng thôn An Nhân đã tình nguyện làm vợ chăm lo, thuốc thang mỗi khi cơn đau hành hạ ông. Bà âm thầm chịu đựng cả những cơn cuồng nộ của ông trút xuống mỗi khi trái gió trở trời, bởi vì bà biết vì sao ông như vậy, đó không phải là con người của ông, đó là những vết thương đang hành hạ thể xác và lí trí của ông. Bà Xạo tâm sự: “Bình thường, ông là người sống rất tình cảm với anh em, dân làng. Sống có trách nhiệm với vợ con. Nhưng vì những di chứng của mảnh lựu đạn khiến có những lúc ông đổi tính, dễ nóng giận bất thường. Nhiều khi, tôi phải bế con chạy. Nhưng sau lúc đó, ông lại bình thường và không nhớ chuyện gì đã xảy ra. Những lúc như vậy, tôi càng thấy thương ông ấy”.
Ông Thịnh và bà Xạo có 2 người con trai, trong đó người con trai cả hiện công tác trong lực lượng Công an Nhân dân. Trong kí ức của anh, cha mình mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng để các con noi theo.
Cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia cảnh ông, năm 1997, Đảng ủy, UBND xã Yên Lương phối hợp với Công an huyện Ý Yên đã cắt đất và xây dựng nên một ngôi nhà tình nghĩa để tri ân những cống hiến và đóng góp của ông. Đây là nguồn động viên tinh thần lớn lao và kịp thời đối với gia đình ông, bởi chỉ sau đó 3 năm (2000), Anh hùng Nguyễn Đức Thịnh do vết thương quá nặng đã đi vào cõi vĩnh hằng.
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc đến Anh hùng Nguyễn Đức Thịnh, Nhân dân xã Yên Lương đều rất tự hào bởi tấm gương sáng quên thân vì Nhân dân của ông. Mong rằng, có thể một ngày nào đó trong tương lai, trên quê hương Ý Yên tươi đẹp biết đâu lại có con đường hoặc ngôi trường mang tên ông - Anh hùng Nguyễn Đức Thịnh.