Phụ nữ biên cương vươn lên làm giàu

Đời sống 26/05/2025 08:53
Theo các nhà khoa học, thuốc lá làm cho 1 phút có 8 người thiệt mạng trên phạm vi toàn cầu. Dự báo đến năm 2030, có khoảng 10 triệu người chết hằng năm do khói thuốc lá gây nên. Người ta cũng đã tổng kết rằng, ở thế kỉ XX đã có 100 triệu người chết liên quan đến việc hút thuốc lá trên khắp thế giới…
Tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa qua, phát biểu về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí, WHO cũng từng khuyến cáo thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này. Bằng chứng từ nhiều quốc gia cũng cho thấy điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại lợi ích kép, vừa tăng thu, vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, nguồn thu ổn định từ thuế thuốc lá bảo đảm nguồn tài chính cho các chương trình y tế cộng đồng.
![]() |
Nhiều nhà khoa học cũng đã thống kê, số tử vong vì thuốc lá đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và đã có khoảng 150 triệu người vào 25 năm đầu tiên của thế kỉ XXI. Dự kiến trong tương lai sẽ có khoảng 500 triệu người trẻ chết vì thuốc lá vào 2050, trừ phi tệ nạn hút thuốc bị hạn chế và tẩy chay trong cộng đồng loài người.
Ở nước ta, theo thống kê của các cơ quan chức năng trong năm 2024, đàn ông trưởng thành nghiện hút thuốc lá chiếm 72,8%, còn phụ nữ là 4,3%. Tỉ lệ thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15 - 24 sử dụng thuốc lá chiếm 26%. Hiện nay Chính phủ đang tìm các biện pháp mạnh nhằm làm giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở nước ta xuống còn khoảng 7%, đó là một trong những hành động nhằm nâng cao chất lượng dân số ở Việt Nam từ nay đến 2030.
Phong trào chống hút thuốc lá của các nước trên thế giới lâu nay chủ yếu dựa vào hệ thống thuế, cấm quảng cáo và đưa ra những thông điệp nhằm cảnh báo với cộng đồng mối nguy hại của thuốc lá. WHO đang cố gắng xây dựng một hiệp ước quốc tế chặt chẽ hơn, nhằm kiểm soát sản xuất thuốc lá bằng cách hạn chế tiếp thị, quảng cáo và tài trợ. Có 191 quốc gia là thành viên của Tổ chức chống hút thuốc lá trên toàn cầu đã và đang tiến hành triển khai hiệp ước hạn chế và chống hút thuốc lá.
Từ trước đến nay các nhà y khoa thế giới đã cho công bố hàng trăm đề tài nghiên cứu về thuốc lá. Qua đó, cảnh báo nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim và ung thư là do “đóng góp” lớn của ngành công nghiệp thuốc lá. WHO trong một báo cáo đã liệt kê các tác nhân gây ra bệnh ung thư phổi, trong đó tác nhân đứng hàng thứ nhất chính là thuốc lá. Tổ chức này đã cảnh báo thuốc lá là một “tên tội phạm” nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Các bệnh do hút thuốc gây nên đã rút ngắn tuổi thọ của hàng trăm triệu sinh linh.
Những cuộc điều tra xã hội học trong hơn 2 thập kỉ vừa qua cũng xác định rằng: Việc nghiện hút thuốc lá làm giảm tuổi thọ bình quân mỗi cuộc đời người nghiện là 5 năm. Người hút thuốc bị ung thư phổi cao gấp 20 lần so với người không hút. Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định, hút thuốc trung bình 40 điếu mỗi ngày thì sẽ có 50% số người sẽ phải chết đột tử vì bệnh tim mạch và 26% tử vong vì ung thư phổi. Bệnh đau nhói ngực và nhồi máu cơ tim thường gặp rất nhiều ở người nghiện thuốc lá. Số này nhiều gấp 12 lần so với người không hút thuốc.
Việc gia tăng các căn bệnh ung thư phổi ở các trung tâm điều trị và bệnh viện chính là do sản lượng của các nhà máy thuốc lá trên thế giới ngày càng nhiều. Phụ nữ hút thuốc thường già rất nhanh, da dẻ trở nên xanh và khô, còn cơ bắp thì mất đi sự thon thả, săn chắc. Người mẹ mang thai nếu nghiện thuốc lá sẽ đầu độc con đẻ của chính mình hoặc gây ra sẩy thai, đẻ non. Ngoài ra, hút thuốc cũng làm giảm chất lượng của sữa trong thời gian cho con bú. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với khói thuốc lá. Khói thuốc tạo cho chúng tính tình nóng nảy, biếng ăn và chậm lớn...
Vì tương lai của thế hệ trẻ, các ông bà, bố mẹ nên tránh xa thuốc lá, không hút thuốc lá trong nhà, gần mọi người, đồng thời hưởng ứng phong trào tẩy chay và hạn chế thuốc lá trên toàn xã hội nước ta hiện nay.