Mức sinh giảm thấp nhất trong lịch sử
Cùng suy ngẫm 30/08/2024 16:19
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tham dự và phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS.BS Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007 đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Dũng, mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022) và năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. "Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo", ông Dũng thông tin.
Theo báo cáo của ngành Dân số, mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì hiện có 21 tỉnh/thành phố có mức sinh thấp chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững của Việt Nam.
Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng lan rộng.
ThS.BS Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số: "Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh...". |
"Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước", Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.
Theo TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, mức sinh tại Việt Nam đang giảm mạnh bởi nhiều yếu tố tác động đến việc kết hôn muộn, không muốn kết hôn, sinh muộn, sinh ít, không muốn sinh con... của giới trẻ hiện nay.
Theo đó, tuổi kết hôn lần đầu tại Việt Nam liên tục tăng trong các năm qua, cho thấy xu hướng kết hôn và sinh con muộn hơn. Cụ thể: tuổi trung bình kết hôn lần đầu năm 2019 là 24,1; năm 2009 24,5; năm 2019 là 25,5. Đến 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 27,2.
TS Hoàng đánh giá, có 4 nhóm nguyên nhân tác động mức sinh thấp như: Học vấn; điều kiện sống được cải thiện, tâm lý thích hưởng thụ cuộc sống; áp lực kinh tế, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con và tình trạng nạo phá thai, tỷ lệ vô sinh xu hướng tăng.
Ông Hoàng cho rằng, nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến năm 2054 - 2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh.
Trước thực trạng mức sinh đang có xu hướng xuống thấp tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu hơn dưới 2,1 con/phụ nữ và duy trì lâu dài, theo con đường của các nước phát triển đã trải qua.
Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, để sinh đủ 2 con thì thu nhập 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được 4 người (2 bố mẹ, 2 con), không chỉ là chi phí sinh hoạt mà còn phải nuôi dạy 2 đứa trẻ đàng hoàng. Do đó, ông Nhân khuyến nghị cần chuyển quy định từ lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.
Bên cạnh đó, thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động mỗi ngày, 40 giờ mỗi tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, sinh con, nuôi dạy con, chăm sóc gia đình và sở thích riêng tư…
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều báo cáo tham luận về cơ hội, thách thức và các giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý như: Tổng quan các chính sách can thiệp về mức sinh thấp trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam; Quan điểm, chính sách thực thi trong ứng phó với mức sinh thấp tại Hàn Quốc; Chính sách sinh sản: Các ví dụ và thực hành tốt từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các khu vực khác…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII, đó là "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển".
Cục Dân số tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các ý kiến của các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo làm cơ sở để tham mưu, đề xuất các giải pháp can thiệp ứng phó với mức sinh thấp mang tính khả thi, hiệu quả trong thời gian tới... |
Vì vậy, để giúp thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên cả nước cũng như thực hiện có hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc theo Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề nghị Sở Y tế, cơ quan dân số các cấp nỗ lực hơn nữa, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và đặc biệt là Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp. Do vậy, Bộ Y tế rất mong các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam giải quyết vấn đề này..