Mong một bản án công tâm, khách quan, đúng pháp luật
Pháp luật - Bạn đọc 20/06/2024 09:21
15 năm, mỗi cấp tòa xử một kiểu(!?)
Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Soát (1922 - 2006), cụ Nguyễn Thị Hòa (1926 - 2005) có 9 người con. Sinh thời, 2 cụ tạo lập được thửa đất 9.657m2 tại xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 11/7/2006, do cụ Soát đứng tên (11 ngày sau khi cụ Soát qua đời).
Sau khi vợ chồng cụ Soát chết, ông Nguyễn Văn Xinh (con trai vợ chồng cụ Soát) đưa ra “Tờ di chúc” lập ngày 15/2/2005 với nội dung, ông Xinh được thừa kế toàn bộ đất trên để lập thủ tục kê khai, hưởng di sản thừa kế và được UBND TP Bà Rịa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 9/8/2006.
Đến năm 2009, các anh chị em trong gia đình phát hiện có người lạ đến đổ đất, đóng cọc trên phần đất cha mẹ để lại thì mới biết ông Xinh đã làm thủ tục thừa kế toàn bộ di sản và đã bán cho người khác một phần.
Cho rằng di chúc đó không phải của cha mẹ mình viết và kí tên, 7 anh chị em (trừ bà Nguyễn Thị Hội) khởi kiện, yêu cầu chia di sản theo Luật Thừa kế.
Các anh chị em trong gia đình (trong ảnh) đều khẳng định chữ kí trong di chúc không phải là của cụ Soát, cụ Hòa và không hề có cuộc họp gia đình. |
Trong suốt 15 năm qua, ông Xinh khẳng định, di chúc do cha mẹ ông lập và có hai người làm chứng (bà Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Lụa). Hơn nữa, vào ngày 15/9/2005, bố mẹ ông tổ chức họp gia đình với mục đích để thông báo cho tất cả các con trong gia đình là bố mẹ để lại mảnh đất hơn 9.600m2 ở xã Hòa Long cho ông Xinh sau khi hai cụ qua đời. Trong ngày họp gia đình có làm “Giấy cho nhà ở và đất”, mặt trước ghi nội dung cho ông Xinh thừa kế đất và chữ kí của bố mẹ ông, còn mặt sau là chữ kí của 8 người con (trừ ông Phúc không kí)… nên ông Xinh đương nhiên được hưởng toàn bộ di sản này.
Tuy nhiên, các nguyên đơn phủ nhận tất cả các vấn đề mà phía ông Xinh đưa ra. Bởi, chữ kí trong “Tờ di chúc” ngày 15/2/2005, “Giấy cho nhà ở và đất” ngày 15/9/2005 và “Giấy sang nhượng” ngày 5/5/2003 không phải của bố mẹ mình. Vì đối chiếu với các chữ kí trong các văn bản trước đây có chữ kí của cụ Soát, cụ Hòa thì các chữ kí này hoàn toàn khác với chữ kí trong các giấy tờ ông Xinh đưa ra.
Để làm rõ vấn đề, TAND các cấp đã trưng cầu giám định. Tuy nhiên, qua nhiều lần được Phân viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an giám định đều cho thấy, chưa có cơ sở để khẳng định chữ kí đó là của cụ Soát, cụ Hòa. Cụ thể, tại Kết luận giám định số: 796/C54B ngày 20/5/2013 của Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an kết luận: “Chữ kí ghi tên Nguyễn Văn Soát trên “Tờ di chúc” ngày 15/2/2005, giấy “Cho nhà ở và đất” ngày 15/9/2005 và “Giấy sang nhượng đất” ngày 5/5/2003 với mẫu chữ kí của cụ Nguyễn Văn Soát trên các mẫu đối chứng (cụ thể là “giấy ủy quyền” ngày 8/8/1992 và 5 “giấy sang nhượng đất” ngày 31/5/2006) không do cùng một người kí ra”; “Chữ kí mang tên Nguyễn Thị Hòa trên 3 giấy tờ trên không đủ cơ sở để giám định”.
Tại Kết luận giám định số: 5544/KL-KTHS ngày 24/7/2023 của Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an kết luận: “Không đủ cơ sở kết luận chữ kí đứng tên Nguyễn Văn Soát, Nguyễn Thị Hòa trên các tài liệu giám định có phải hay không phải do cùng một người kí ra”.
Hơn nữa, những người làm chứng trong di chúc đều cho rằng, họ được mời tới kí, chứ không trực tiếp chứng kiến cụ Soát, cụ Hòa kí hoặc điểm chỉ trước mặt họ.
Bên cạnh đó, “Tờ di chúc” này còn được UBND phường Phước Hưng kí xác nhận sau đó gần 2 tháng khi Chứng minh Nhân dân của cụ Soát, cụ Hòa đã hết hạn. Tuy nhiên nội dung xác nhận là: “ông Soát, bà Hòa có hộ khẩu thường trú tại địa phương”, chứ không phải xác nhận tính hợp pháp của nội dung di chúc. Do vậy tờ di chúc này có dấu hiệu không hợp pháp, không có giá trị để ông Xinh thừa hưởng di sản.
Về việc họp gia đình ngày 15/9/2005, để công bố nội dung di chúc, các anh chị em còn lại đều khẳng định không hề có cuộc họp gia đình này. Bà Nguyễn Thị Hội (người không đứng đơn khởi kiện) cũng khẳng định không có cuộc họp gia đình, bà cũng không kí tại cuộc họp đó, vì lúc đó bà không có mặt tại địa phương, còn chữ kí của bà trên “Giấy cho nhà ở và đất” là do người khác kí, không phải của bà Hội.
Mảnh đất tranh chấp suốt gần 20 năm qua. |
Về chữ kí trên “Giấy cho nhà ở và đất”, các nguyên đơn đều thừa nhận đó là chữ kí của họ, nhưng không phải kí tại cuộc họp gia đình như ông Xinh trình bày. Vì thực tế không hề có cuộc họp này, mà được ông Xinh đưa tới tận nhà từng người để nhờ kí, với mục đích để làm thủ tục sửa nhà, chứ không hề nghe ông Xinh nói kí để cha mẹ cho đất. Do tin tưởng ông Xinh nên họ kí mà không xem nội dung mặt bên kia.
15 năm trôi qua, với 8 bản án nhưng mỗi bản án, xử một kiểu khác nhau, theo những lập luận, căn cứ khác nhau. Có bản án lập luận tờ di chúc là hợp pháp nên xử nguyên đơn thua. Tuy nhiên cũng có bản án thể hiện xác định tờ di chúc là không hợp pháp, vì không tuân thủ về hình thức, không đúng quy định của pháp luật; kết luận giám định không khẳng định rõ ràng, nên tuyên xử cho nguyên đơn thắng. Có bản án lại không dựa vào di chúc mà dựa vào “Giấy cho nhà ở và đất” để tuyên xử. Có bản án lại lập luận, các nguyên đơn đã thừa nhận đó là chữ kí của mình thì đồng nghĩa với việc thừa nhận chữ kí trong “Giấy cho nhà ở và đất” là của cha mẹ mình và phải chịu trách nhiệm với chữ kí của mình, mà không xét tới các tình tiết, chứng cứ khách quan có trong vụ án…
Mong chờ một bản án công tâm khách quan
Lúc thua, lúc thắng, lúc bị hủy, nhiều lần bị Viện KSND các cấp kháng nghị. Trong đó có Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị năm 2020, sau khi TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xử phúc thẩm lần thứ 3, tuyên phía nguyên đơn thua kiện. Viện KSND Cấp cao cho rằng, có hàng loạt vấn đề chưa được cấp sơ lẫn phúc thẩm làm rõ, đặc biệt là chữ kí của cụ Soát, cụ Hòa, hình thức di chúc không đúng quy định của pháp luật, không có cuộc họp gia đình… Sau đó, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ra Quyết định Giám đốc thẩm, tuyên chấp nhận hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm để trả hồ sơ về cho TAND TP Bà Rịa làm rõ hàng loạt vấn đề như Viện KSND Cấp cao kháng nghị và xét xử lại một cách công tâm, khách quan.
Năm 2023, TAND TP Bà Rịa xét xử sơ thẩm lại và tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, công nhận “Tờ di chúc” ngày 15/2/2005 và “Giấy cho nhà ở và đất” ngày 15/9/2005 là hợp pháp nên ông Xinh được hưởng toàn bộ hơn 9.600m2 đất nêu trên. Các nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm này.
Về vụ án trên, một số luật sư cho rằng, mấu chốt của vụ án nằm ở chỗ “Tờ di chúc” và “Giấy cho nhà ở và đất” có hợp pháp hay không. Theo quy định, di chúc hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện cả về hình thức lẫn nội dung. Có thể thấy trong vụ án này, hình thức của “Tờ di chúc” không đáp ứng theo quy định tại Điều 659 Bộ luật Dân sự năm 1995, về Di chúc bằng văn bản có người làm chứng như sau:
“Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải kí hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ kí, điểm chỉ của người lập di chúc và kí vào bản di chúc”.
Di chúc này cũng không đáp ứng quy định tại Điều 660, 661 Bộ luật Dân sự năm 1995 vì vợ chồng cụ Soát, cụ Hòa không đến UBND phường Phước Hưng để làm di chúc và cũng không kí trước mặt người có thẩm quyền. Nội dung xác nhận của phường Phước Hưng chỉ là xác nhận cụ Soát, cụ Hòa có hộ khẩu thường trú tại địa phương, chứ không xác nhận tính hợp pháp của nội dung di chúc.
Đặc biệt, chữ kí trong “Tờ di chúc” cũng như “Giấy cho nhà ở và đất” khi giám định đối chứng với các chữ kí trước đó đều chưa đủ cơ sở khẳng định có phải là của vợ chồng cụ Soát… Từ đó có thể có căn xứ xác định được rằng, di chúc thiếu tính hợp pháp.
Dư luận mong chờ Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tới đây sẽ xem xét toàn diện, thấu tình đạt lí để tuyên một bản án khách quan, toàn diện, công bằng, đúng theo quy định của pháp luật.