Lời kêu cứu khẩn cấp của một gia đình người cao tuổi
Pháp luật - Bạn đọc 03/03/2022 10:17
Dân khẳng định đất do cha ông để lại
Trong đơn gửi tới các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Lạch, sinh năm 1960, có hộ khẩu thường trú tại xã Tráng Việt khẳng định: Gia đình ông có mảnh đất hiện đang canh tác, sử dụng và sinh sống tại xóm 7, thôn Tráng Việt. Đất có diện tích 1.475m2 được UBND xã ghi rõ là đất ONT(đất ở nông thôn), ô thửa số 85, trích lục từ tờ bản đồ số 36, đo đạc năm 2005, trong đó có 564m2 là đất đã được UBND huyện Mê Linh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) năm 2003.
Ông Lạch và các nhân chứng trong buổi tiếp xúc với phóng viên. |
Năm 2017, thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông nội đồng từ thôn Tráng Việt sang bãi nổi sông Hồng, với lí do công trình của gia đình ông Lạch lấn chiếm “một phần thuộc thửa đất số 55, tờ bản đồ số 36 - Bản đồ địa chính 2005”, UBND xã Tráng Việt tiến hành cưỡng chế thu hồi 250m2 đất và yêu cầu gia đình ông Lạch dọn dẹp hoa màu trên đất để trả lại mặt bằng cho Dự án.
Đáng lưu ý rằng, việc cưỡng chế này chỉ có các quyết định đình chỉ, tháo dỡ công trình thi công xây dựng vi phạm trật tự xây dựng trên diện tích đất, mà không có quyết định thu hồi đất. Việc không có quyết định thu hồi đất nêu trên, khiến gia đình ông Lạch không biết được chính xác, không đánh giá được toàn diện các nội dung là căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi đất.
Gần đây, ông Lạch không đồng ý với Thông báo số 215 ngày 24/11/2021 của UBND xã Tráng Việt về việc thu dọn tài sản, hoa màu trên đất. Ngày 27/11/2021, ông Lạch có Đơn khiếu nại Thông báo số 215, đồng thời tiếp tục khẳng định, phần đất 250m2 mà xã yêu cầu cưỡng chế, cũng như toàn bộ 1.475m2 đất ONT, là đất ông đang sử dụng, canh tác có nguồn gốc là đất thổ cư do cha ông để lại, không phải đất do UBND xã quản lí.
Phần đất có diện tích 1.475m2 đất ONT (đất ở nông thôn) có nguồn gốc đất của bố mẹ ông (vợ chồng cụ Nguyễn Văn Tá - PV) khai hóa một phần, phần nữa là do bố mẹ ông mua của cụ Nguyễn Văn Giáp từ những năm 60 của thế kỉ trước. Lúc đó, khu đất được trồng mía, rau, cây ăn quả. Bố mẹ ông trồng tre xung quanh đất để chống xói lở. Khoảng những năm 1985-1986, nước lũ sông Hồng đã cuốn trôi một phần của mảnh đất.
Cuối những năm 1980 đến khoảng năm 1990 - 1991, khi nước lũ của sông Hồng đoạn qua thôn Tráng Việt được đập thủy điện sông Đà điều chế tốt, nước lũ không cuốn xói vào khư vực đất này. Do đó, gia đình ông Nguyễn Văn Lạch đã đổ đất đóng cọc làm kè giữ đất, khôi phục được phần đất trước kia bị nước lũ cuốn trôi. Sau đó, gia đình ông làm hàng rào xung quanh để tạo thành vườn trồng rau, hoa quả, nuôi gà vịt, trâu, bò để tăng thêm thu nhập cho kinh tế hộ gia đình trong suốt thời kì kinh tế tập trung bao cấp.
Gia đình ông Lạch đã sử dụng đất ổn định kể từ năm 1960 đến nay. Ranh giới tiếp giáp với các hộ liền kề cũng ổn định, không tranh chấp, không khiếu kiện.
Kể từ năm 2005, trên trích lục bản đồ có ghi 1.475m2 đất (ONT), gia đình ông Lạch luôn nộp đủ thuế, sử dụng ổn định, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch. Theo ông Lạch, diện tích đất này đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ theo quy định của Luật Đất đai
UBND xã cho rằng, đất do UBND xã quản lí
Sau khi nhận được đơn của gia đình ông Lạch khiếu nại Thông báo số 215 ngày 24/11/2021 “về việc thu dọn tài sản, hoa màu trên đất”, UBND xã Tráng Việt đã thành lập Tổ xác minh về nguồn gốc sử dụng đất hộ gia đình ông Lạch. Ngày 15/1/2022, Tổ xác minh tổ chức buổi làm việc lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc sử dụng đất hộ ông Lạch.
UBND xã Tráng Việt sau đó đã ban hành Văn bản số 192/UBND-ĐC ngày 15/2/2022 “về việc trả lời đơn của ông Nguyễn Văn Lạch”. Văn bản này nêu rõ: “Các thành phần tham gia buổi họp cho rằng toàn bộ phần diện tích đất bên ngoài đường (đường công bi cũ) theo hiện trạng sử dụng đất là đất thổ cư do cha ông để lại là không có cơ sở. Toàn bộ phần diện tích đất bên ngoài đường (đoạn tính từ đường công bi cũ trở ra sông) là đất do HTX trước đây quản lí, gia đình ông Lạch sử dụng để trồng mía (đoạn tính từ đường công bi cũ trở ra sông)”.
Cũng tại Văn bản số 192/UBND-ĐC, UBND xã Tráng Việt căn cứ theo hồ sơ địa chính của xã và xác minh thực tế hiện trạng sử dụng đất, cho rằng: Hộ ông Lạch sử dụng tăng 95,9m2 để xây dựng công trình phụ thuộc thửa đất số 85 tờ bản đồ số 36 đo đạc năm 2005. Đặc biệt, Văn bản số 192/UBND-ĐC còn nêu rằng hộ ông Lạch sử dụng 1.465,7m2 đất lấn đất bãi bồi ven song do xã quản lí, thuộc thửa đất số 85 và 55, tờ bản đồ số 36 đo đạc năm 2005.
Quan điểm của Chuyên gia pháp lí
Liên quan đến sự việc trên, Thạc sĩ - Luật gia Nguyễn Kim Nam cho biết: Gia đình ông Lạch đã và đang làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong khi đó, UBND xã Tráng Việt lại liên tục gửi thông báo cưỡng chế, thu hồi khu đất. Đặc biệt là thời gian qua, gia đình ông Lạch đã đến Phòng Đăng kí nhà đất huyện Mê Linh và bộ phận một cửa, nơi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả của UBND xã Tráng Việt để thu thập hồ sơ, chứng cứ liên quan đến mảnh đất kể trên nhiều lần. Nhưng đến nay, đã gần 3 tháng trôi qua, gia đình ông Lạch chưa nhận được bất cứ hồ sơ giấy tờ nào liên quan đến mảnh đất trên.
Thạc sĩ - Luật gia Nguyễn Kim Nam cũng cho hay, nếu như chính quyền địa phương không công nhận cho hộ gia đình ông Lạch về việc đất do cha ông để lại (đất bố mẹ ông Lạch mua), thì phải xem xét tới khía cạnh thực tế là mảnh đất do vợ chồng ông Lạch khai phá hợp pháp theo Luật Đất đai quy định. Trên thực tế diện tích đất đất bố mẹ ông Lạch mua của cụ Nguyễn Văn Giáp đã bị nước lũ sông Hồng cuốn trôi từ những năm 1980. Tờ trích lục bản đồ năm 1978 của hộ ông Lạch, do UBND xã vẽ cũng đã thể hiện đất của ông Lạch bị cuốn trôi. Mặt khác tại vị trí song song và liền với đất của hộ ông Lạch đang ở cũng đã có hai hộ gia đình được UBND xã cấp đất chạy lở chuyển ra chỗ khác ở, để bảo toàn tính mạng và tài sản.
Có thể thấy, gia đình ông Lạch khai phá đất mặt nước, đất bãi bồi ven sông từ những năm 1987 đến nay. Theo quy định thì khai hoang phục hóa đất trong giai đoạn những năm 1990 là phù hợp với Quyết định số 327-CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quy định về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi trọc, rừng, bãi bồi ven biển, ven sông, và mặt nước. Sau đó hộ ông Lạch cũng đã đóng thuế sử dụng nhà đất, và tôn tạo đất, nuôi trồng, sinh sống theo đúng quy định của luật đất đai từ đó đến nay. Cũng theo quy định tại Điều 100, Điều 101, Điều 102 của Luật Đất đai năm 2013 và căn cứ vào Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, căn cứ vào mốc thời gian sử dụng đất ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và trước 1/7/2014, thì mảnh đất trên của gia đình ông Lạch đã đủ điều kiện để UBND huyện cấp sổ đỏ.
Liên quan đến việc UBND xã Tráng Việt căn cứ vào cuộc họp lấy ý kiến khu dân cư, sau đó kết luận cho rằng, việc gia đình ông Lạch khẳng định đất của cha ông để lại là không có cơ sở. Phía gia đình ông Lạch đã đưa ra các biên bản thể hiện lời chứng của các cá nhân là các bậc cao niên, người bán đất, người có đất liền kề,… Nếu phía UBND xã cho rằng ý kiến trong biên bản cuộc họp của khu dân cư là hợp pháp, thì phải coi ý kiến của các hộ dân phía gia đình ông Lạch thu thập được là hợp pháp. Có như vậy mới bảo đảm công bằng, khách quan cho cả hai phía và bảo đảm minh bạch trong giải quyết vấn đề.
Việc UBND xã Tráng Việt cho rằng, diện tích sử dụng hiện tại của gia đình ông Lạch tăng thêm (tăng 95,9m2), gia đình ông Lạch cho rằng: “Có thể số mét vuông, diện tích có tăng lên hay giảm đi so với con số đã ghi trên trích lục bản đồ đo đạc năm 2005, là do việc đo vẽ của địa chính xã hoặc do trước đây đo bằng thước dây có thể không chính xác, con số chỉ mang tính áng chừng. Gia đình tôi khẳng định không lấn chiếm đất của ai kể từ đó đến nay (từ cuối những năm 80 của thế kỉ trước đến nay)”.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin!