Kỳ án ở Trà Vinh: Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội kiến nghị Chánh án TAND Tối cao
Pháp luật - Bạn đọc 24/04/2020 13:01
Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên bản án lộ rõ dấu hiệu oan sai, bị huỷ
Kiến nghị của ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Hoàng Hải
8 thân phận vào vòng tố tụng
8 bị cáo chia làm hai nhóm, trong đó nhóm doanh nghiệp bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, gồm Nguyễn Hữu Lộc, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long (Công ty Aquafeed) và Công ty CP Công nghiệp Thủy sản; ông Trần Vũ Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Aquafeed và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Biển Tây; ông Nguyễn Hồng Nam và ông Đỗ Thái Hòa, TGĐ và Phó TGĐ Công ty Aquafeed; bà Bùi Thị Tuyết Mai, TGĐ Công ty CP Công nghiệp Thủy sản.
Nhóm cán bộ Agribank - Chi nhánh tỉnh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh) bị truy tố tội “Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999, gồm ông Nguyễn Văn Trực, Phó GĐ phụ trách; ông Nguyễn Quốc Hoàn và ông Cao Văn Phong, Trưởng và Phó phòng Tín dụng.
Theo Bản án sơ thẩm số 01/2018/HS-ST ngày 9/2/2018 của TAND tỉnh Trà Vinh, Công ty Aquafeed được thành lập năm 2007, chuyên về thức ăn thủy sản, có vốn điều lệ 15 tỉ đồng; đến năm 2008, tăng lên 50 tỉ đồng. Có hai cổ đông góp vốn nhiều nhất là Công ty Công nghiệp Thủy sản và Công ty Biển Tây.
Từ ngày 30/6/2010 đến ngày 29/12/2011, Công ty Aquafeed, do ông Nguyễn Hữu Lộc (Chủ tịch HĐQT) và ông Trần Vũ Dũng (thành viên HĐQT), điều hành ông Đỗ Thái Hòa, ông Nguyễn Hồng Nam làm đại diện Aquafeed, ký nhiều Hợp đồng mua bán hàng hóa “khống” với Công ty Công nghiệp Thủy sản và Công ty Biển Tây.
Aquafeed sử dụng 50 hóa đơn khống làm chứng từ để Agriabank Trà Vinh giải ngân theo Hợp đồng tín dụng số 01AQ/HĐTD ngày 1/3/2011 (HĐTD số 01). Từ đây, Aquafeed chuyển cho Công ty Công nghiệp Thủy sản hơn 28,07 tỷ đồng và Công ty Biển Tây 26,1 tỷ đồng để hai bị cáo Lộc và Dũng chiếm đoạt.
Vụ án kéo dài đến 6 năm (Cơ quan điều tra khởi tố vụ án ngày 31/12/2012), với 5 lần trả hồ sơ, 3 lần hoãn phiên toà… Cuối cùng, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Trà Vinh do thẩm phán Nguyễn Văn Thành làm chủ tọa phiên tòa, tuyên phạt các bị cáo: Lộc 14 năm tù, Hòa 12 năm tù, Nam 10 năm tù, Mai 10 năm tù và Dũng 7 năm tù; ba bị cáo là cán bộ của Agriabank-Chi nhánh Trà Vinh mỗi người bị phạt 5 năm tù.
Đồng loạt kháng cáo…
Trong số 8 bị cáo, có đến 7 kháng cáo kêu oan, đề nghị cấp phúc thẩm tuyên bố không phạm tội. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/12/2018, sau khi xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình tranh tụng công khai, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, khẳng định: “Trong vụ án này, Agribank-Chi nhánh Trà Vinh không bị thiệt hại vì tài sản thế chấp đủ để trả nợ trong trường hợp Aquafeed phá sản và hành vi của các bị cáo Lộc, Hòa, Nam, Mai và Dũng chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên hành vi của các bị cáo Trực, Hoàn, Phong chưa cấu thành tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” như cấp sơ thẩm đã quy kết”.
Tòa phúc thẩm nhận định: HĐTD số 01 giữa Aquafeed với Agribank-Chi nhánh Trà Vinh là Hợp đồng vay vốn hạn mức 100 tỷ đồng. Tổng cộng giá trị tài sản thế chấp là 136,2 tỷ đồng, đảm bảo đủ để thực hiện nghĩa vụ vay. Quá trình thực hiện hợp đồng, bên vay không vi phạm, tài sản thế chấp không thay đổi, khoản vay chưa đến hạn trả nợ nên ngân hàng chưa thiệt hại. Điều này có nghĩa là quan hệ dân sự trong HĐTD số 01 đang tồn tại và bản chất của nó là quan hệ dân sự.
Cũng theo nhận định tòa phúc thẩm: Aquafeed đã đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh như hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại nhập từ Mỹ, Châu Âu, có phòng thí nghiệm, vùng nuôi, bến cảng giao nhận hàng, trung tâm thuốc thú y, đạt các chứng chỉ quốc tế như ISO, HACCP… thể hiện phương án đầu tư lâu dài, bền vững. Số tiền hơn 54,17 tỷ đồng Agribank giải ngân nằm trong hạn mức tín dụng nên Aquafeed sử dụng số tiền này để chi trả tiền mua, bán nguyên liệu thông qua thanh khoản ngân hàng, tạo dòng tiền cho công ty hoạt động sản xuất kinh doanh và nhà máy hoạt động sản xuất thức ăn bán cho các hộ dân nuôi cá để hình thành, tạo nguồn nguyên liệu mới. Đây cũng chính là tài sản được hình thành từ vùng nuôi đã được xác lập là mối quan hệ tài sản thế chấp được quy định tại Điều 1 của Hợp đồng thế chấp.
Cấp sơ thẩm nhận định hành vi “gian dối” liên quan đến mua bán hợp đồng “khống” không có hàng hóa giữa Aquafeed với hai doanh nghiệp là không có căn cứ vững chắc. Việc mua bán là phù hợp với chức năng kinh doanh và đều có hàng trên thực tế, có xuất hóa đơn GTGT, có khai báo và đóng thuế theo quy định pháp luật.
Xét về hành vi “chiếm đoạt”: Aquafeed là một pháp nhân ký hợp đồng vay nhưng trong quá trình xử lý vụ án cấp sơ thẩm lại quy kết trách nhiệm đối với những cá nhân mặc dù họ không tham gia ký kết hợp đồng vay. Đồng thời cũng không chứng minh được bị cáo nào chiếm đoạt và chiếm đoạt bao nhiêu trong số tiền 54,17 tỷ đồng là chưa thỏa mãn dấu hiệu chiếm đoạt.
Qua phân tích HĐTD số 01 nêu trên, Tòa phúc thẩm xác định, đây là quan hệ dân sự nên không có hành vi gian dối và cùng không có hành vi chiếm đoạt, không có thiệt hại thực tế xảy ra. Cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về nhóm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chưa có căn cứ.
Đối với nhóm bị cáo ngân hàng, Tòa phúc thẩm nhận định: HĐTD số 01 là hợp đồng vay có thế chấp tài sản. Tài sản thế chấp lớn hơn tài sản vay như phân tích ở nội dung trên nên được xem là hợp pháp. Thực hiện hợp đồng vay, Aqufeed trả nợ rất tốt, quá trình thẩm định được xếp loại A. Các tài liệu gửi cho Agribank để thẩm định hạn mức tín dụng 100 tỷ đều hợp lệ, hợp pháp, chứng minh đủ điều kiện vay. Mặt khác, như phân tích ở phần trên, Agribank không bị thiệt hại 54,17 tỷ đồng như đã quy kết.
Từ nhận định trên, với Bản án hình sự phúc thẩm số 691/2018/HSPT ngày 11/12/2018, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 01/2018/HSST ngày 9/2/2018 của TAND tỉnh Trà Vinh; giao hồ sơ vụ án cho Viện KSND tỉnh Trà Vinh điều tra xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Bản kiến nghị tâm huyết của Đại biểu Quốc hội
Sau hơn một năm chờ vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2, trong tháng 3/2020, một số bị cáo bất ngờ nhận được Quyết định số 11/2019/KN-HS đề ngày 9/12/2019 của Chánh án TAND Tối cao kháng nghị đối với Bản án số 691/2018/HSPT ngày 11/12/2018 của TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ Bản án phúc thẩm số 691, để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 30/3/2020, nhóm 5 luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc Công ty Aquafeed Cửu Long có đơn gửi các cơ quan chức năng, kiến nghị rút Quyết định kháng nghị số 11/2019/KN-HS vì có nhiều bất thường.
Ngày 10/4/2020, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, ký bản kiến nghị gửi Chánh án TAND Tối cao, nêu rõ: Đơn kiến nghị của các luật sư kèm theo 4 tập tài liệu, cho rằng Quyết định kháng nghị số 11/2019/KN-HS chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án, có dấu hiệu bênh vực Bản án sơ thẩm có nhiều sai sót và lộ rõ định hướng buộc tội mặc dù không có căn cứ pháp lý. Sau khi nghiên cứu tài liệu do các luật sư, bị cáo cung cấp, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu một số vấn đề để Chánh án TAND Tối cao xem xét:
Thứ nhất, quá trình điều tra và hồ sơ vụ án cho thấy rất rõ không bị cáo nào có hành vi chiếm đoạt tài sản, ngược lại, có đầy đủ bằng chứng, xác nhận về mặt pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền chứng minh cho sự vô tội của các bị cáo.
Thứ hai, Quyết định kháng nghị số 11/2019/KN-HS có dấu hiệu rõ ràng bênh vực và gần như đã sao chép lại Bản án sơ thẩm số 01/2018/HS-ST ngày 9/2/2018, không xem xét kỹ lưỡng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Đặc biệt, có những sai sót nghiêm trọng trong việc tổng hợp số liệu, mang tính quy chụp để kết tội các bị cáo trong Bản án sơ thẩm cũng được Quyết định kháng nghị số 11/2019/KN-HS sao chép, sai theo (!).
Thứ ba, quan hệ tín dụng giữa Công ty Aquafeed và Agribank-Chi nhánh Trà Vinh từ nhiều năm, vay theo hạn mức tín dụng có tài sản đảm bảo vốn vay 100% thông qua 3 Hợp đồng thế chấp tài sản, từ lúc thành lập cho đến trước khi khởi tố vụ án có vay, có trả sòng phẳng chưa lần nào bị chế tài tín dụng. Và Ngân hàng không thiệt hại khi cho Aquafeed vay vốn đối với các Hợp đồng kinh tế. Hồ sơ vụ án thể hiện rõ, Aquafeed đã trả cho Agribank -Chi nhánhTrà Vinh hơn 67,7 tỷ đồng ngay khi nhận được tiền bán hàng từ Công ty Dũng Liêm (gần 76 tỷ đồng), và chỉ vay lại 54,17 tỷ, vậy sao gọi là lừa đảo ngân hàng?
Thứ tư, vụ án bộc lộ dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể: Diễn biến và ghi chép tại Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm, có thể thấy chính các cơ quan tố tụng đã chứng minh rất rõ là các bị cáo không chiếm đoạt tài sản. Nhưng Bản án sơ thẩm và Quyết định kháng nghị lại quy buộc cho các bị cáo tội “Lừa đảo” là có dấu hiệu xử oan người vô tội. Đối với các chứng cứ dùng buộc tội các bị cáo, ngoài báo cáo tài chính bị làm giả có dấu hiệu tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, các chứng cứ khác đều không đủ cơ sở vững chắc để buộc tội.
Ngoài ra, các luật sư, bị cáo cũng cho rằng, Quyết định kháng nghị số 11/2019 đã hết thời hạn theo Điều 379 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vì từ lúc Bản án phúc thẩm có hiệu lực đến ngày nhận được Quyết định kháng nghị (gửi theo dấu bưu điện) đã gần 1 năm 3 tháng, thậm chí có bị cáo chưa nhận.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Xét thấy đây là vụ án có nhiều sai phạm nghiêm trọng cả trong điều tra - truy tố - xét xử - kháng nghị, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại quyền con người, quyền công dân, quyền lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp, không những trái pháp luật mà còn không hợp đạo lý. Tôi đề nghị đồng chí Chánh án TAND Tối cao xem xét chỉ đạo xử lý nghiêm theo pháp luật…”
Luật sư Trần Hải Đức (ngồi đầu, bên trái) tại phiên tòa phúc thẩm
Ý kiến luật sư
Luật sư Trần Hải Đức, Văn phòng luật sư Trần Hải Đức, TP Hồ Chí Minh, đại diện nhóm Luật sư Kiến nghị, lên tiếng: Các luật sư rất trăn trở vì dấu hiệu oan sai trong vụ án này rất rõ. Chính thẩm phán chủ tọa và Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố cấp sơ thẩm đều khẳng định “các bị cáo không chiếm đoạt một cắc bạc nào!”, không có chiếm đoạt thì làm sao cấu thành tội lừa đảo? Vậy mà HĐXX vẫn tuyên các bị cáo có tội với mức án rất nặng! Rất may mắn, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định không có căn cứ buộc tội và quyết định hủy toàn bộ bản án để điều tra, xét xử lại, tránh oan sai.
Niềm tin vào công lý bị lung lay, khi TAND Tối cao lại ban hành Kháng nghị giám đốc thẩm, dựa trên những lập luận phi lý của Bản án sơ thẩm! Các bị cáo tiếp tục hành trình kêu oan… Tiếng kêu đó đã được Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng lắng nghe và lên tiếng mạnh mẽ. Mong rằng đơn kêu oan của các bị cáo và kiến nghị “thấu tình đạt lý” của ông Lưu Bình Nhưỡng sẽ được các cấp có thẩm quyền cứu xét, để công lý được thực thi nhằm bảo vệ pháp chế XHCN, đem lại niềm tin cho Nhân dân ...