Khánh Hòa: Ngày 20/5 sẽ đưa ra xét xử vụ án Giả mạo trong công tác” ở dự án Hoàng Long
Pháp luật - Bạn đọc 15/05/2020 15:59
Theo cáo trạng: Ngày 02/12/2002, UBND tỉnh Khánh Hòa công bố qui hoạch khu dân cư phía Tây đường Lê Hồng Phong, TP.Nha Trang. Ngày 14/2/2005, UBND tỉnh có văn bản chấp nhận đầu tư dự án Khu đô thị Hoàng Long do Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và địa chất (UBGC) làm chủ đầu tư. Triển khai thực hiện dự án giai đoạn 2014 – 2016, TP Nha Trang ban hành Quyết định thành lập tổ công tác giúp việc Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư gồm 7 thành viên là: Đỗ Thế Vinh, Nguyễn Ngọc Khánh, nhân viên Công ty UBGC; Võ Đức Cường, cán bộ địa chính phường Phước Long; Huy Tôn Hạnh Tổ trưởng dân phố Phước Tín 3, đại diện cho người dân; Châu Trần Thái Huyền, cán bộ Phòng TN&MT; Võ Mỹ, cán bộ Phòng Quản lý đô thị và Lương Như Giáp, cán bộ Phòng Tài chính TP.Nha Trang. Tổ này do Vinh làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ “Trực tiếp làm việc với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà đất liên quan đến công tác giải tỏa, xác định khối lượng giải tỏa; thu thập các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà, sử dụng đất, các công trình kiến trúc, hoa màu, cây lâu năm và các tài sản khác trên đất được giải tỏa thực hiện dự án; xác định diện tích đất giải tỏa đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; lập phương án tổng thể và phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư, tham mưu cụ thể để trình Hội đồng xét duyệt. Tham mưu giải quyết đơn khiếu nại, kiến nghị, thực hiện các công việc khác liên quan đến công tác giải tỏa theo sự chỉ đạo của Hội đồng.…”. Theo đó, hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được lập và xét duyệt qua 5 bước: 1- Người dân nộp hồ sơ tự khai. 2- Tổ công tác tiến hành kiểm kê, lập biên bản xác định khối lượng. 3-UBND phường xét duyệt xác định nguồn gốc, thực trạng sinh sống, quản lý và sử ụng. 4- Hội đồng họp xét. 5- Phòng TN và MT thẩm định phương án, ban hành QĐ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Vinh, Khánh, Hạnh và các thành viên khác, đã làm sai lệch nội dung các giấy tờ, tài liệu trong nhiều hồ sơ dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sai đối tượng, sai diện tích. Các cán bộ này đã hướng dẫn cho người dân, hoặc tự mình hợp thức hóa các hồ sơ ban đầu, như sử dụng tài liệu giả và các phiếu thu tiền phí, quĩ; tẩy xóa, sữa chữa giấy tờ mua bán đất viết tay, ghi lùi thời gian để hợp thức thành bộ hồ sơ hoàn chỉnh, đủ điều kiện được cấp đất tái định cư. Nội dung thông tin trong hồ sơ được ghi không đúng về chủ sử dụng đất, thời điểm bắt đầu sinh sống, nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, thời điểm xây dựng các công trình, diện tích mỗi thửa trên bản đồ. Cụ thể Vinh và Khánh đã làm khống hồ sơ cho Lê Văn Cang, Hồ Ngọc Phi Công, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Thị Thu Hà, Trần Thị Kim Anh, Ngụy Tôn Đán, tách ra từ thửa đất của Huy Tôn Hạnh, hoặc trường hợp hiện trạng không có nhà ở, lập thành hồ sơ có nhà ở, cho các hộ Trần Thị Thu Giang, Lê Văn Tú, Mai Hữu Hoàng. Vinh, Khánh còn cùng Hạnh làm sai lệch hồ sơ đứng tên người thân của Hạnh như: Ngụy Tôn Đán (con), Trần Thị Khá, Châu Minh Kỳ, Trần Văn Vệ, để Hạnh được cấp nhiều đất tái định cư. Ngược lại Hạnh cũng tạo điều kiện cho Vinh, tự hợp thức hóa hồ sơ ban đầu đứng tên vợ là Nguyễn Thị Ái Mỹ, để được cấp đất tái định cư. Hợp thức hóa tất cả các hồ sơ bồi thường hỗ trợ tái định cư cho Khánh, bằng cách ký toàn bộ các tài liệu do Khánh thực hiện khi Hạnh có tên trong thành phần tham gia. Hạnh còn thống nhất ý kiến xét duyệt về nguồn gốc, quá trình sử dụng, sinh sống đối với từng trường hợp giả mạo với Võ Đức Cường là cán bộ địa chính và Vũ Thị Mai Hương là Chủ tịch phường, từng trường hợp tại dự án khi đưa ra xét duyệt tại UBND phường cũng như các cuộc họp của Hội đồng với tổng số hồ sơ vi phạm là 71 bộ; có 4 trường hợp đã nhận số tiền lên đến trên 600 triệu đồng.
Viện KSND TP.Nha Trang truy tố 3 bị can Vinh, Khánh và Hạnh về tội “Giả mạo trong công tác” qui định tại Khoản 2, Điều 284, Bộ luật Hình sự năm 1999; tội có mức phạt tù từ 3 năm đến 7 năm với tình tiết phạm tội nhiều lần. Cáo trạng của Viện KS cũng đề cập đến vai trò của Võ Đức Cường, cán bộ địa chính phường Phước Long, nhưng cho rằng Cường đã bị khởi tố trong tội danh “Vi phạm qui định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, nên cơ quan Công an đã không khởi tố ở vụ án này. Trách nhiệm của các thành viên khác trong Tổ công tác giúp việc Hội đồng cũng đã bị truy tố trong vụ án “Vi phạm qui định…” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với hành vi “Làm giả các sổ đăng ký tạm trú có thời hạn” Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố trong vụ án “Làm giả tài liệu cơ quan tổ chức”.
Xung quanh những sai phạm ở Khu đô thị Hoàng Long, các cơ quan tố tụng ở TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa, đã khởi tố, truy tố, xét xử thành 4 vụ án: Vụ “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” do bị can Nguyễn Phi Hùng thực hiện đã được đình chỉ vì bị can mắc bệnh hiểm nghèo. Vụ “Vi phạm qui định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" và vụ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã được TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử trong 2 ngày 27 và 28/2/2020. Còn vụ án “Giả mạo trong công tác”, ngày 20/5 tới đây, TAND TP.Nha Trang sẽ đưa ra xét xử.
Dự án khu đô thị Hoàng Long |
Vụ án này phát lộ một đường dây, một tổ chức tham nhũng về đất đai, hành vi tham nhũng đang làm nhức nhối xã hội. Ở một công đoạn, mắt xích, các bị can, bị cáo đều có vai trò cụ thể liên quan chặt chẽ với nhau, không thể thay thế. Vụ án đã được phanh phui thì phải được xem xét trong một tổng thể liên hoàn chứ không thể cắt khúc từng vụ riêng lẻ. Nếu không có giấy tờ giả mạo thì không có hồ sơ giả mạo. Hộ khẩu giả mạo, các biên lai, phiếu thu giả mạo chỉ là loại khởi đầu. Còn đất giả mạo, nhà giả mạo là bước quan trọng thứ hai. Tiếp theo là bồi thường và cấp đất tái định cư theo giấy tờ giả mạo, không đúng đối tượng, là mục đích cuối cùng của các bị can bị cáo. Vụ án gây dư luận xấu trong nhân dân, gây thất thoát ngân sách tài sản Nhà nước, doanh nghiệp; gây tình hình an ninh trật tự phức tạp trong quản lý nhà nước về đất đai; gây mất công bằng xã hội; vi phạm pháp luật.
Ở vụ án này nếu tách ra thành một vụ án riêng là thiếu tính logic, sẽ tạo nên sự khấp khiểng trong phân tích, nhận định, đánh giá nội dung, bản chất cũng như mức độ nghiêm trọng của vụ án, có thể sẽ để lọt tội danh của bị cáo. Do đó chúng tôi kiến nghị HĐXX TAND TP.Nha Trang, trả hồ sơ đề nghị TAND tỉnh Khánh Hòa gộp 2 vụ án để nếu khi TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì tiến hành xét xử luôn. Có như vậy mới đảm bảo tính liên kết, liên tục, khách quan, toàn diện của vụ án.