Tránh vỏ dưa, lại gặp phải vỏ dừa(!?)
Pháp luật - Bạn đọc 23/04/2021 09:07
Năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định chấp thuận đầu tư Dự án Khu đô thị Hoàng Long cho Công ty UPGC. Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng diện tích dự án từ 60 ha xuống còn 25,794 ha. Khoảng 500 trường hợp thuộc diện kê khai tài sản, đất đai để đền bù, hỗ trợ và cấp đất tái định cư. Ngày 24/8/2010, UBND TP Nha Trang phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và cấp đất tái định cư được thành lập và tiến hành công việc. Trong các năm từ 2011 đến 2016, Hội đồng tiến hành xem xét được 5 đợt với 127 trường hợp; trong đó đợt 1, 2 xem xét được 37 trường hợp đều là đất nông nghiệp; đợt 3, 4, 5 xem xét được 90 trường hợp, trong đó có 77 trường hợp được xét cấp đất tái định cư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nội dung kê khai đất đai, tài sản phục vụ công tác đền bù, giải tỏa, chủ đầu tư phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc kê khai. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa vào cuộc đã kết luận trong số 77 trường hợp được đưa vào diện xét cấp đất tái định cư thì có đến 71 trường hợp do gian dối, giả mạo khi làm hồ sơ nên phải hủy bỏ, trong đó có 4 trường hợp đã nhận tiền đền bù, với tổng số tiền lên đến trên 600 triệu đồng.
Công trình xây dựng trái phép đồ sộ, công khai nhưng UBND phường Phước Long vẫn “chưa có giải pháp ngăn chặn”!? |
Vụ án được khởi tố ngày 10/10/2018. Sau đó được tách ra làm 3 vụ. Một vụ làm hồ sơ giả do bị can mắc bệnh hiểm nghèo nên cơ quan điều tra đã đình chỉ. Vụ “Vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” với các quan chức địa phương lẽ ra phải được khởi tố theo Khoản 2, Điều 230 Bộ luật Hình sự năm 2015, vì số tiền gây thiệt hại của 4 cá nhân đã nhận trên 600 triệu đồng, tội có mức phạt tù từ 3 đến 7 năm, thì các cơ quan tố tụng lại bớt mất 2 trường hợp, nên số tiền thiệt hại chỉ còn dưới 300 triệu đồng, rơi vào Khoản 1. Ngày 24/9/2019, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa có bản cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ra tòa. Tòa sơ thẩm xử 3/5 bị cáo phải chịu án giam, 2 bị cáo được hưởng án treo. Ngày 29/5/2020, Tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có phiên phúc thẩm vụ án. Tất cả các bị cáo đều được hưởng án treo. Ngày 2/6/2020, TAND TP Nha Trang đưa vụ án “Giả mạo trong công tác” ra xét xử với 3 bị cáo gồm: Hai nhân viên của Hoàng Long và Tổ trưởng dân phố Phước Tín 3, nơi có dự án và tuyên mỗi bị cáo 3 năm tù giam. Cả hai vụ án đều để lại dư luận không tốt trong cán bộ và Nhân dân địa phương.
Có thể thấy, trong suốt 3 năm, Công ty UPGC mà trực tiếp là Ban Quản lí Dự án Khu đô thị Hoàng Long chẳng khác nào bị rơi vào vùng xoáy của trận cuồng phong, mưa sa, bão táp. Bên cạnh phải thường xuyên đáp ứng mọi yêu cầu của các cơ quan tố tụng, lãnh đạo Dự án Hoàng Long còn phải chèo lái để duy trì bộ máy và những công việc tối thiểu hàng ngày của Công ty. Đặc biệt tháo gỡ những vướng mắc về pháp lí liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi; củng cố, ổn định bộ máy của Công ty đã trở nên xộc xệch, rệu rã do số vi phạm bị bắt, số bỏ việc, nghỉ việc vì ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và cấp đất tái định của thành phố tê liệt. Dự án bị dừng, Công ty gặp muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh đó, Công ty lại gặp rắc rồi về lĩnh vực thuế. Mặc dù trong thời gian vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử, dự án không hoạt động, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa có thể tạm khoanh thuế, chia sẻ với doanh nghiệp. Nhưng không, Cục vẫn liên tục gửi văn bản yêu cầu UPGC nộp các khoản thuế, ban hành thông báo biện pháp cưỡng chế thuế. Công ty đã nhiều lần giải trình với Cục Thuế, Sở Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh Khánh Hòa và ngày 19/1/2019, Công ty có đơn xin cứu xét gửi đến UBND tỉnh Khánh Hòa và ngày 20/10/2019 tiếp tục có văn bản đề nghị tạm dừng biện pháp cưỡng chế thuế. Ngày 19/11/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Cục Thuế về việc đề nghị tạm ngưng biện pháp cưỡng chế tiền chậm nộp đối với Công ty UPGC. Tuy nhiên, ngày 22/11/2019, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa vẫn có Văn bản số 6024/CT-QLCCN gửi UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Đề nghị của Công ty UPGC không thuộc trường hợp được tạm dừng các biện pháp cưỡng chế”.
Những căn nhà, quán nhậu xây dựng trái phép trên đường số 4 (Thích Quảng Đức) đến nay đã trở thành cả con phố |
Sau khi vụ án kết thúc, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, chỉ đạo phải ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc để dự án Khu đô thị Hoàng Long sớm đi vào hoạt động. Thế nhưng, thực tế hơn một năm qua, dự án khu đô thị Hoàng Long tiếp tục gặp phải những vướng mắc mà như dân gian thường nói “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
Một loạt vấn đề mới lại đặt ra. Đó là: Hội đồng bồi thường hỗ trợ cấp đất tái định cư phải được thành lập mới; công tác kê khai kiểm đếm, đo vẽ, ban hành quyết định thu hồi đất, tính lại giá đất, thống nhất phương án bồi thường hỗ trợ phải làm lại từ đầu và không riêng gì 71 trường hợp vi phạm do gian dối, giả mạo phải hủy bỏ mà toàn bộ 500 trường hợp nằm trong Dự án. Một số thủ tục pháp lí khác cũng phải được bổ sung, điều chỉnh. Đặc biệt, đối với hành vi xây dựng trái phép, tự ý thay đổi hiện trạng trên thửa đất thuộc quy hoạch dự án khu đô thị Hoàng Long của các hộ dân. Theo báo cáo ngày 4/3/2021 của Công ty UPGC thì từ ngày 2/6/2020 đến 3/3/2021, Công ty UPGC đã phát hiện 20 trường hợp xây dựng trái phép trong khu vực đất của Dự án; trong đó có 5 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; 6 trường hợp cơi nới, mở rộng diện tích, thay đổi kết cấu công trình; 9 trường hợp xây dựng trên đất khác. Tất cả các trường hợp xây dựng trái phép nói trên Công ty đã chụp ảnh, xác định địa chỉ số thửa, người vi phạm, liên tục báo cáo lên phường, thành phố. Tuy nhiên, vẫn không được UBND phường Phước Long chủ động, tích cực ngăn chặn, mà lẽ ra việc làm đó nằm trong tầm tay.
Về tình trạng xây dựng trái phép này, lãnh đạo UBND phường Phước Long cho biết: Phường đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng vẫn không xuể.
Ngày 16/1/2021, chúng tôi có văn bản đề nghị UBND TP Nha Trang cung cấp thông tin; ngày 15/3/2021, ông Lê Đại Dương, Phó Chủ tịch UBND TP có văn bản trả lời cho biết: “Liên quan đến việc xử lí các công trình xây dựng trái phép trên đường số 4 (nay là đường Thích Quảng Đức) năm 2020, UBND phường Phước Long đã xây dựng 3 kế hoạch cưỡng chế 64 trường hợp xây dựng trái phép và UBND TP Nha Trang cũng đã có 3 văn bản phê duyệt 3 kế hoạch cưỡng chế của phường. Hiện nay UBND phường Phước Long đang hoàn tất các thủ tục pháp lí liên quan và chờ kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự của Công an tỉnh Khánh Hòa để thực hiện các kế hoạch cưỡng chế nêu trên”.
Đã hơn 10 năm triển khai thực hiện dự án, một số công trình hạ tầng như san lấp mặt bằng, điện, đường… đã thực hiện xong, nhưng qua hai vấn nạn “vỏ dưa”, “vỏ dừa” Công ty UPGC đã trở nên xơ xác. Những tổn thất về tài chính, con người là không hề nhỏ và khó tránh khỏi. Tuy nhiên, còn đong đếm được. Tổn thất về uy tín thì không gì đo lường được. Nên chăng, các cấp lãnh đạo từ phường Phước Long, UBND TP Nha Trang đến tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm cụ thể, giải quyết có hiệu quả, dứt điểm từng vấn đề để Công ty UPGC vượt qua, hoàn thành Dự án, góp phần xây dựng TP Nha Trang ngày càng to đẹp hơn.