Hàng loạt khuất tất xảy ra tại Nhà xuất bản Y h ọc
Pháp luật - Bạn đọc 22/05/2018 10:19
“Không để tiền ở ngân hàng vì đang nợ thuế”!?
Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Y học (NXB Y học) là một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập từ những năm 1959. Từ tháng 11/2013, ông Chu Hùng Cường được bổ nhiệm vào vị trí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc thì NXB Y học. Theo tài liệu, ông Cường đã để xảy hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng khiến cho NXB Y học "điêu tàn".
Theo phản ánh của một số cán bộ và những người có trách nhiệm tại NXB Y học, hiện nay trong ngân quỹ NXB Y học đã cạn kiệt, nhưng khi báo cáo lên Bộ Y tế vẫn thể hiện tiền mặt cả chục tỷ đồng, trong khi nợ thuế, nợ tiền mua xe, nợ nhuận bút bạn đọc... hàng tỷ đồng?.
Tại Biên bản kiểm kê quỹ tiền mặt của NXB Y học ngày 13/3/2017, thể hiện rõ thời điểm đó quỹ tiền mặt thực tế của NXB Y học là gần 7,7 tỷ đồng (7.686.218.000 triệu đồng). Ông Cường cho biết: Lý do không gửi tiền ở ngân hàng là vì "đang nợ thuế". Nếu để ở ngân hàng sẽ bị truy thu!. Đây là quyết định của cá nhân và cá nhân chịu trách nhiệm. Hiện nay không có quy định nào cấm để tiền mặt ở doanh nghiệp.
Dù có lượng tiền mặt khá lớn nhưng NXB Y học lại nợ tiền thuế đất 5 năm liền (gần 2 tỷ đồng) không trả; nợ tiền hạ tầng 1.800m2 đất ở khu D32 Khu đô thị mới Cầu Giấy 5 năm nay (13 tỷ); dù có tiền nhưng đi vay ngân hàng mua xe trả góp để phát sinh lãi suất; nợ tiền tác giả…
Theo cán bộ, nhân viên NXB Y học, hiện nay Công ty có 2 bảng lương. Một bảng có chữ ký của Tổng Giám đốc Chu Hùng Cường, và 1 bản có chữ ký của kế toán và thủ quỹ, thể hiện 2 mức chi trả khác nhau trong cùng 1 thời điểm cho cán bộ, nhân viên. Tại bảng thanh toán lương tháng 1/2017 cho Tổ sách – Công ty in thể hiện hơn 112 triệu đồng cho 7 người. Tuy nhiên, cũng những con người này, một bảng thanh toán lương trong tháng 1 cho Tổ sách – Công ty in lại thể hiện mức chi trả khác với số tiền hơn 43 triệu đồng!?.
Sau khi lên làm Chủ tịch - Tổng Giám đốc, ông Cường đã cho bán 2 xe ô tô.
Nhà xuất bản Y học. |
Vợ sang cơ quan chồng rút tiền?
Theo sổ theo dõi tiền quỹ do phòng kinh doanh lập thể hiện việc rút tiền mặt của vợ chồng ông Cường rất nhiều. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 8/2017, vợ chồng ông Cường đã thay nhau rút tiền NXB Y học tiêu riêng lên đến gần 4 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 15/3, ông Cường rút 2 lần 105 triệu đồng; ngày 16/3 rút 100 triệu đồng, ngày 20/3 rút 2 lần tổng cộng 281 triệu đồng; ngày 23/3 rút 10,4 triệu đồng tiền mua rượu; ngày 29/3 rút 244 triệu (trong đó 4 triệu tiền mua rượu). Hồ sơ cũng thể hiện, ngày 1/4 ông Cường rút 50 triệu đồng; cũng trong ngày 1/4, vợ ông Cường là bà Hạnh đã rút 1 tỷ 031 triệu đồng. Đến ngày 3/4, NXB Y học chuyển khoản cho bà Hạnh số tiền 1 tỷ đồng. Số dư còn lại của NXB lúc này chỉ còn hơn 1,5 tỷ đồng... và rất nhiều lần rút tiền khác. Tuy nhiên, ông Cường phủ nhận không có chuyện vợ rút tiền và bản photo được cho là sổ theo dõi tiền quỹ là giả, không có giá trị.
Về bộ máy lãnh đạo, sau khi ông Cường được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc NXB Y học từ tháng 11/2013 đã nhận nhiều người nhà là anh em con bác, con chú vào làm việc.Tại Phòng Kinh doanh, ông Cường tiếp nhận ông Đào Thiện Hùng, là em họ tốt nghiệp đại học năm 2013 về làm nhân viên kho. Ngày 17/4/2017, ông Hùng được bổ nhiệm làm thủ quỹ. Đến 1/4/2018, ông Hùng được bổ nhiệm làm Phó Phòng Kinh doanh.
Tháng 5/2015, ông Cường bổ nhiệm ông Phạm Quang Liêm (anh con bác ruột) làm trợ lý Tổng giám đốc. Đến tháng 10/2015, ông Liêm được bổ nhiệm làm Phó Phòng Kế toán (Phụ trách Phòng Kế toán). Cũng trong tháng 10/2015, ông Cường quyết định bổ nhiệm bà Vũ Thị Thu (con chú) từ nhân viên Phòng Kinh doanh làm thủ quỹ Phòng Kế toán. Hay như trường hợp bà Vương Thị Bách mới học hết lớp 6, làm văn thư ở Phòng Hành chính được bổ nhiệmn làm Phó Phòng Tổ chức Hành chính. Đến tháng 11/2015, bà Bách được phân công Phụ trách Phòng Tổ chức Hành chính.
Có thể thấy Chủ tài khoản NXB Y học là ông Cường, Kế toán trưởng (ông Liêm) là con bác ruột; Thủ quỹ (ông Hùng, bà Thu) là con chú, thì việc thao túng, có dấu hiệu hai vợ chồng rút tiền của doanh nghiệp như dư luận đặt nghi vấn ở trên là rất có khả năng.
Về việc bổ nhiệm người nhà, ông Cường cho rằng: “Luật chỉ cấm bổ nhiệm người thân ruột thịt chứ không cấm bổ nhiệm anh em, họ hàng. Đồng thời thừa nhận ông Liêm (Phó Phòng Kế toán) là con bác ruột. Ông Hùng, bà Thu nếu có cũng chỉ là “anh em, họ hàng xa". Trường hợp bổ nhiệm bà Bách theo đúng quy trình, hiện bà Bách đã có bằng tốt nghiệp THPT”.
Những khuất tất, mờ ám trong quản lý tài sản cố định của NXB Y học
Năm 2012, Bộ Y tế thông báo kế hoạch sắp xếp trụ sở tại 699 Trần Hưng Đạo (TP Hồ Chí Minh) chuyển Chi nhánh NXB Y học về 351/2 đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, để lại cho Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, côn trùng (Viện SR-KST-CT) làm trụ sở.
Ngày 21/6/2013, NXB Y học có văn bản số 97 gửi lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị giữ nguyên trụ sở và đề xuất hai phương án:
Phương án 1: Để Viện SR-KST-CT ở liền một khối, Chi nhánh NXB Y học tự nguyện lùi vào phía trong với diện tích tương đương (698m2) theo mặt phố Nguyễn Biểu (chi nhánh 2 mặt tiền). Xin Bộ Y tế đầu tư cho NXB Y học xây dựng nhà 1 tầng trên diện tích mới (300m2) như Chỉ thị 42 của Ban bí thư.
Phương án 2: Chi nhánh NXB Y học xin nhận ¾ ngôi nhà hiện tại theo mặt phố Nguyễn Biểu (Ngôi nhà 2 tầng 698m2 nền, hiện Chi nhánh NXB Y học sử dụng tầng 1, Viện SR-KST-CT sử dụng tầng 2 sau khi phân chia lại. NXB Y học được 522m2, Viện SR-KST-CT được 174m2 và 172m2 đất hiện nay NXB Y học đang quản lý).
Tuy nhiên, khi hai bên đang thương thảo, thì tháng 10/2013, ông Hoàng Trọng Quang, Tổng Giám đốc về hưu, tháng 11/2013 ông Chu Hùng Cường được bổ nhiệm thay thế. Sau này ông Cường đã ra Quyết định số 26/XBYH ngày 13/3/2017 thống nhất với Viện SR-KST-CT chuyển Chi nhánh NXB Y học về 351/2 Nguyễn Trọng Tuyển... Đồng thời phối hợp làm thủ tục chuyển giấy quyền sử dụng đất của Chi nhánh tại 699 Trần Hưng Đạo cho Viện SR-KST-CT để bàn giao trụ sở. Ông Cường đã chuyển số tiền 2 tỷ đồng mà Viện SR -KST - CT hỗ trợ cho Chi nhánh NXB Y học sửa chữa nâng cấp 351/2 Nguyễn Trọng Tuyển, ra NXB Y học ở Hà Nội để chi tiêu vào mục đích khác.
Sự việc này đã khiến cho ban lãnh đạo các thời kỳ, cũng như cán bộ tại NXB sửng sốt, vì không hiểu tại sao ông Cường lại dễ dàng từ bỏ một lô đất vàng có vị trí đắc địa tại trung tâm TP HCM để chuyển chi nhánh sang một vị trí xa xôi và bất lợi. Tuy vậy, cho đến nay hai bên vẫn chưa chuyển nhượng xong với lý do mà ông Cường đưa ra như: chưa có Giấy chứng nhận đầu tư, chưa bàn giao trụ sở mới, không có tiền để chuyển...
Với những khuất tất xảy ra tại NXH Y học khiến người lao động tại đây bức xúc và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều công nhân viên chức. Đề nghị Bộ Y tế, và các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc làm sáng tỏ những dấu hiệu khuất tất, xử lý nghiêm những người có dấu hiệu vi phạm.
Báo điện tử Ngày mới tiếp tục phản ánh vụ việc trên.
NGỌC TÂN