Giữ trọn đạo làm dâu
Truyện ngắn 23/10/2023 10:06
- Em ở nhà cố gắng nuôi con và giúp anh chăm sóc bố mẹ già...
Chị Duyên nhìn chồng, nói trong nước mắt:
- Anh cứ yên tâm và giữ gìn sức khỏe. Ở nhà, em sẽ thay anh, lo toan mọi việc chu toàn.
Chị nói vậy để Xuân Thành vững bước mà đi, thực ra công việc quá vất vả, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bố mẹ chồng đã hơn 60 tuổi. Bà mẹ đau yếu luôn, ông bố là thương binh, còn viên đạn trong đầu. Hơn nữa, chị Duyên lại bụng mang dạ chửa, vừa lo toan việc nhà vừa tham gia công tác đoàn thể. Hôm nào bận làm việc ngoài đồng cho kịp thời vụ hoặc họp hành nhiều thì chị phải dậy thật sớm, nấu ăn sáng cho các cụ, rồi sắp sẵn mọi thứ: Củi, gạo, rau để trưa mẹ chồng tự nấu ăn. Việc dù khó đến đâu rồi cũng qua đi, nhưng vất vả nhất là lúc Duyên sinh con. Chẳng kiêng cữ được, chỉ vài tuần sau, chị đã phải đứng dậy lo cơm nước, giặt giũ... Bù lại, cháu trai Xuân Đức giống bố, khỏe mạnh, là nguồn động viên giúp Duyên vượt qua tất cả.
Đằng đẵng mấy năm trời nuôi con, làm việc và chăm sóc bố mẹ chồng, chị không nhận được thư của Xuân Thành, lòng dạ lúc nào cũng như lửa đốt. Mãi đến năm cháu Xuân Đức đi trường mẫu giáo, Duyên mới biết tin chồng đang cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiêu diệt bọn Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Minh họa: Lão Trần |
Từ ấy, mỗi khi thấy anh bưu điện xã đi qua, là một lần chị thấp thỏm đón thư rồi lại mong chờ, lo lắng... Một hôm Duyên vừa đi làm đồng về, thấy một anh bộ đội đang ngồi trong nhà, nói chuyện với bố, mẹ chồng. Anh cho gia đình biết, anh vừa ở chiến trường Campuchia về, là bạn thân, ở cùng tiểu đội với Xuân Thành. Đơn vị vượt qua phòng tuyến biên giới, hành tiến theo Quốc lộ 7 rồi qua sông Mê Kông, tới Công Pông Chàm, theo Quốc lộ 6, lên Công Pông Thơm, Xiêm Riệp. Khi đội hình của ta xuất phát hành tiến được 10km, tới đầu phum Cha Đi, nằm trên trục lộ 68 thì gặp tuyến phòng ngự của địch. Hỏa lực bộ binh của chúng bắn dữ dội. Mặc dù phải tác chiến bất ngờ nhưng đội hình chiến đấu của ta được triển khai khá nhanh; hợp đồng tác chiến giữa bộ binh, xe tăng, pháo binh rất khớp nên chỉ 30 phút tiến công, ta đã chiếm được toàn bộ trận địa phòng ngự của địch. Đơn vị, một số cán bộ, chiến sĩ bị thương và số ít khác đã anh dũng hi sinh.
Anh bộ đội ngừng trò chuyện, nhìn ra xa rồi quay vào nhìn mọi người, hạ giọng:
- Xin chia buồn với hai bác và chị nhà, trong số đồng đội anh dũng hi sinh nói trên, có anh... Nguyễn Xuân Thành. Đơn vị đã tổ chức an táng chu đáo liệt sĩ Xuân Thành theo nghi thức của chiến trường...
Ông bà khóc chết lặng đi khi nghe nói con mình đã hi sinh. Còn Hồng Duyên khuỵu xuống nền nhà, ngất lịm.. Mọi người nghe tiếng khóc chạy vào lay gọi, xoa dầu, dìu chị ngồi dậy. Cháu Xuân Đức thấy cảnh đó, khóc thét lên gọi mẹ... Tiếng khóc của con như một hiệu lệnh thiêng liêng, nhắc chị không được gục ngã. Lời người chồng trước lúc ra đi lại văng vẳng bên tai: “Em ở nhà cố gắng nuôi con và giúp anh chăm sóc bố mẹ già...”. Hồng Duyên tỉnh lại, ôm con vào lòng - hòn máu duy nhất còn lại của anh Xuân Thành. Hơn bất cứ lúc nào, chị thương con hơn cả bản thân mình, thương bố mẹ chồng sầu đau lúc tuổi bóng xế.
Giờ đây, Hồng Duyên xác định bản thân là trụ cột, là chỗ dựa chính về cả tinh thần và vật chất của gia đình. Song, tình cảm vợ chồng đầu gối tay ấp không dễ gì quên được. Suốt mấy năm trời, hễ đi làm thì thôi, về nhà nhìn thấy cảnh ông bà thay nhau ôm cháu, ngồi lặng lẽ chờ trông thì lòng chị đau thắt lại nhưng vẫn phải tươi cười.
Từ ngày nghe con trai hi sinh, vết thương trong đầu bố chồng tái phát. Ông lúc tỉnh lúc mê - luôn mồm gọi tên từng đồng đội và hô “xung phong”. Mọi việc ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, cũng không biết nữa. Bà mẹ chồng ốm yếu, không chăm sóc được, tất cả đều do Hồng Duyên đảm trách. Tình thương giúp chị không ngần ngại đồng giới hay khác giới, khó khăn nhất là đến bữa ăn, mời gọi mãi, nguội cả cơm cháo mà ông cụ vẫn lặng thinh như không biết gì. Hồng Duyên nghĩ ra một cách, hô thật to: “Xung phong! Xung phong!”, rồi gọi tên đồng đội của bố và nói:
- Các đồng chí! Đã tới giờ ăn rồi! Ta bắt đầu nào!
Lập tức, mắt ông bố mở to, tỉnh táo hẳn và chỉ dăm phút sau là ăn hết bát cháo. Từ đó, việc cho ông ăn uống hằng ngày dễ dàng hơn và không ai thay thế được chị.
Tiếng lành đồn xa, khắp làng trên, xóm dưới về người con dâu đảm đang, hiếu nghĩa, người vợ liệt sĩ thủy chung trọn vẹn. Điều đáng nói nữa là, trong tâm trí người thương binh, người cựu chiến binh già vẫn còn đọng lại hiệu lệnh chiến đấu và tên những đồng đội gắn bó bên nhau, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Lúc tỉnh táo, ông dặn vợ và con dâu, nếu có mệnh hệ gì thì nhớ đặt chiếc gậy vào trong áo quan để ông đi tìm đồng đội và trở lại thăm chiến trường xưa. Rồi ông vừa khóc vừa khe khẽ hát bài “Ngày về”: ...Ta thiết tha tìm người bạn cũ/ Những cánh chim mịt mù bạt gió/ Luyến tiếc bao ngày chiến đấu bên nhau/ Nay cách xa, nước non ngàn dặm...
Lúc Hồng Duyên vắng nhà, tranh thủ khi ông hồi tỉnh, bà trò chuyện về con dâu. Người ta thường nói, thứ nhất mồ côi cha, thứ nhì gánh vã, thứ ba góa chồng. Mồ côi cha còn có anh em trên dưới cùng chia sẻ; gánh vã mệt thì nghỉ, không ai gánh giúp cho; góa chồng lúc hăm mấy tuổi đầu thì cực khổ trăm bề... Với lại, giờ đây chị làm công tác đoàn thể, kẻ ra người vào suốt ngày. Thân đàn bà con gái tuổi còn xuân, dễ “khôn ba năm dại một giờ”.
Ông bà còn thấy thời gian gần đây, có con giai ông Chủ tịch huyện mới đi bộ đội về, bảo là bạn học của Xuân Thành, thỉnh thoảng anh ấy lại đến thăm, mua quần áo, sách vở đồ chơi cho cháu Xuân Đức. Ông bà bảo nhau, sắp tới, chắc đứa cháu trai phải chia tay mẹ, ở với ông bà. Thôi thì trước sau cũng một lần cho hợp lẽ, khỏi phải thấp thỏm, băn khoăn...
Vào một buổi tối, sau khi cơm nước xong, bà mẹ gọi Hồng Duyên vào nhà tâm sự. Bà nghẹn ngào nói:
- Mẹ cu Đức ạ, đã hơn 10 năm nay, con một lòng một dạ nuôi bố mẹ và nuôi con vất vả, gian truân sao kể xiết mà không một lời ta thán... Lòng tốt của con, cả xã, cả huyện này ai cũng biết. Bố mẹ cám ơn con nhiều lắm. Bây giờ, cháu Xuân Đức đã cứng cáp mẹ cũng khỏe ra là nhờ con chăm sóc. Tuổi xuân người con gái có thì, việc sinh nở cũng vậy, nếu có ai thực lòng thương yêu, con nên...
Bà nói tới đây thì Hồng Duyên ôm ghì lấy mẹ, khóc nức nở:
- Con lạy mẹ! Con cảm ơn bố mẹ đã hiểu được lòng con. Nếu mẹ thương con thì từ nay xin mẹ đừng nhắc tới chuyện này nữa, để con giữ trọn đạo vợ chồng với anh Xuân Thành, trước lúc ra đi và với bố, mẹ, dòng họ.
Thời gian thấm thoắt đã 45 năm, Hồng Duyên vẫn cần cù làm việc, lặng lẽ, ân cần dạy bảo con trai Xuân Đức khôn lớn, trưởng thành. Anh Đức đang giữ cương vị trọng trách của UBND một huyện trung du và có vợ, hai con trai ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập. Vợ Xuân Đức là cán bộ phụ nữ tỉnh, luôn thấu hiểu những nỗi mất mát của mẹ chồng. Từ đó, chị luôn luôn quan tâm, chăm sóc Hồng Duyên như người mẹ đẻ của mình. Còn với hai cháu trai, chúng nâng niu, trân trọng nghị lực sống hết mình vì gia đình và người thân, vì mọi người của bà nội kính yêu…
Giờ đây, bà Lê Hồng Duyên đã có một mái ấm gia đình đề huề, hạnh phúc. Bà tự hào đã làm tròn bổn phận của người vợ liệt sĩ, người con dâu, người mẹ trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bà thầm nghĩ, ở cõi vĩnh hằng, chắc ông Nguyễn Xuân Thành cũng toại nguyện.