Ghi nhận những kết quả trong công tác "đền ơn đáp nghĩa" ở huyện Hải Hậu
Nhịp sống 27/07/2023 08:18
Khánh thành nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định |
Uống nước nhớ nguồn
Huyện Hải Hậu đã triển khai giải quyết từ 1.600 đến trên 3.000 đối tượng người có công, thân nhân người có công được điều dưỡng hàng năm, 162 đối tượng hưởng chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, lập danh sách đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh xét duyệt, chi trả tiền ngày lễ, tết cho 63 thương, bệnh binh có tỷ lệ thương tật (tổn hại cơ thể), mất sức lao động 81% trở lên. Trong 5 năm từ 2016 - 2021, đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công do rách nát hoặc bị thất lạc đối với hơn 2000 gia đình liệt sỹ. Bằng nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, huyện, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 3, Tập đoàn Dầu khí...được trích ra phối hợp với các địa phương xây mới trên 34 nhà tình nghĩa tặng cho người có công, thân nhân người có công với tổng trị giá hơn 3,3 tỷ đồng.
Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ VNAH được đẩy mạnh góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng. Đến tháng 7/2023, toàn huyện có 06/06 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Vào dịp lễ, tết, kỉ niệm ngày 27/7 hàng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh, huyện, các tổ chức, cá nhân…tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.
Khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh Nguyễn Văn Phú, ở xã Hải Phú, huyện Hải Hậu |
Trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Ban Chỉ đạo trên địa bàn huyện Hải Hậu đã rà soát, hoàn thiện trên 4.000 liệt sĩ báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Trích lục, xác nhận thông tin cho hơn 465 trường hợp; hướng dẫn trên 150 lượt thân nhân gia đình liệt sĩ làm thủ tục đi tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hài cốt theo đúng thủ tục; tạo điều kiện thuận lợi tư vấn, hỗ trợ gia đình liệt sĩ đi tìm kiếm, di chuyển hài cốt liệt sĩ hi sinh theo đúng quy định của Nhà nước. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã tiếp nhận 116 hài cốt liệt sĩ và tổ chức an táng theo đúng quy định, đảm bảo nghi lễ trang trọng khi được đón các anh trở về với đất mẹ.
Hàng năm, công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm. Cả huyện có 33 Nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn và 1 Đền thờ Liệt sĩ cấp huyện; trong đó có từ 3 đến 5 nghĩa trang liệt sĩ tại các xã, thị trấn hàng năm được ngân sách Trung ương hỗ trợ, cùng ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp phục vụ nâng cấp cải tạo và xây mới với kinh phí đầu tư cho mỗi nghĩa trang liệt sĩ từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng. Việc hỗ trợ kinh phí để thân nhân các liệt sỹ đi thăm viếng mộ, di chuyển hài cốt liệt sỹ được hiện kịp thời, chu đáo...
Những tấm gương bình dị mà cao quý
Suốt chặng đường đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quê hương Hải Hậu đã sinh ra và đóng góp nhiều cán bộ, Đảng viên ưu tú hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng. Đó là lệt sĩ Vũ Văn Hiếu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân quê ở xã Hải Anh - người chiến sĩ cách mạng, đảng viên kiên trung “Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng”.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người con quê hương thắp hương tại Đền Liệt sĩ huyện Hải Hậu |
Trong số những người con quê hương Hải Hậu tham gia chiến đấu, không thể không kể đến Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Huy Hiệu lên đường nhập ngũ, ông đã từng tham gia nhiều trận đánh, có thể coi là ác liệt nhất tại chiến trường Quảng Trị - nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất và cũng là nơi hy sinh xương máu nhiều nhất…Nhưng đây cũng là nơi làm nên nhiều chiến công oanh liệt nhất đi vào lịch sử. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã trải qua 67 trận đánh, 4 Chiến dịch lớn (Mậu Thân năm 1968, Đường 9 Nam Lào năm 1971, Mùa hè đỏ lửa năm 1972, Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975) đã làm nên một chân dung người lính, người Anh hùng, một vị Tướng trẻ nhất toàn quân với tài năng thao lược chỉ huy thời binh lửa. Khi đất nước hòa bình, ông được về học tại Học viện quân sự cao cấp khóa đầu tiên, sau đó ông được Đảng, Nhà nước cử sang Nga đào tạo tại Học viện quân sự cao cấp. Hoàn thành xuất sắc chương trình học tập, ông được cử về chỉ huy Quân đoàn 1, đến năm 1998, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và được phong quân hàm Thượng tướng năm 2003. Hơn 10 năm làm công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, ông đã tới thăm và làm việc với 67 Quốc gia trên Thế giới, ông được bạn bè Quốc tế đánh giá cao. Với những cống hiến về khoa học quân sự cùng những đóng góp xây dựng, củng cố và phát triển tình đoàn kết giữa 2 nước Nga - Việt, năm 2010, ông là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga trao Bằng Viện sĩ về nghệ thuật chiến tranh.
Đồng chí Trần Minh Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hải Hậu (đứng thứ nhất từ bên trái) là con liệt sĩ |
Bên cạnh các đồng chí là thương binh, bệnh binh còn có những người con của liệt sỹ sinh ra và lớn lên trong điều kiện hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đời sống kinh tế rất khó khăn. Nhưng họ đã vươn lên trong học tập, công tác, tham gia vào các vị trí lãnh đạo và là người đứng đầu trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao như đồng chí Trần Minh Hải hiện đang là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hải Hậu là con của liệt sĩ Trần Xuân Lùng ở xã Hải Trung...Không thể kể hết được những tấm gương tiêu biểu là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã khắc phục khó khăn, vượt lên trên nỗi đau mất mát người thân để tiếp tục tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chăm lo gia đình, nuôi dạy con cháu trưởng thành để làm người có ích cho xã hội và là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
Kỉ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hải Hậu nguyện phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, tri ân sự hy sinh của các thế hệ cha ông, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, các gia đình chính sách để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên, đầy đủ hơn và tốt đẹp hơn.