Gánh nặng nợ nước, xem nhẹ thù nhà
Truyện ngắn 17/11/2021 14:07
Quốc Tuấn đi lại không biết bao nhiêu vòng quanh căn phòng của Vương tại đại bản doanh. Đây là thói quen cố hữu mỗi khi ông có việc rất hệ trọng phải suy nghĩ. Lời trăng trối của cha lúc lâm chung lại văng vẳng trong đầu ông. Hình ảnh cha ông trước lúc lâm chung lại hiện về, cha ông nắm chặt tay ông, giọng nói cương quyết như đanh lại: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được…”. Lời trăng trối này của cha khiến ông rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Không thực hiện theo lời trăng trối của cha, thì ông trở thành đứa con bất hiếu, nhưng thực hiện thì triều đình rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn, bá tánh điêu linh trong khi giặc đang ngấp nghé bờ cõi. Nếu làm theo lời trăng trối của cha, chẳng phải tạo cơ hội cho giặc phương Bắc thôn tính đất nước, bá tánh rơi vào cảnh nô lệ cho giặc, đắc tội với dân tộc, với bá tánh sao?
Cha ông, cụ Trần Liễu là anh ruột cụ Trần Cảnh. Cụ Trần Cảnh được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, mở ra vương chiều nhà Trần, lấy vương hiệu Trần Thái Tông, cha ông được phong tước An sinh vương. Trần Thái Tông nhường ngôi cho con trai, lấy vương hiệu Trần Thánh Tông, hiện là Thái Thượng hoàng. Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con trai là Trần Khâm lên ngôi lấy vương hiệu Trần Nhân Tông. Như vậy, Thái Thượng hoàng là em họ ông, đương kim hoàng thượng Trần Nhân Tông là cháu họ gọi ông bằng bác. Với triều đình, ông và đương kim hoàng thượng là quan hệ Vua – Tôi, nhưng với quan hệ gia đình là bác cháu trực hệ. Nếu ông dấy binh lấy thiên hạ như lời trăng trối của cha, sẽ mang tiếng phản nghịch, đại nghịch bất đạo. Nhưng nếu không làm vậy, sẽ mang tội bất hiếu, không trả mối thù nhà, há chẳng phải nặng lòng lắm ru?
Cụ Trần Liễu có người vợ yêu là công chúa Thuận Thiên, con gái của hoàng đế Lý Huệ Tông. Năm đó, do chú ông Trần Cảnh lên ngôi và kết hôn đã lâu nhưng chưa có con nối dõi, Thái sư Trần Thủ Độ đang nắm thực quyền phụ chính, ép cha ông nhường Thuận Thiên công chúa cho hoàng đế Trần Thái Tông, trong khi bà đang mang thai với An sinh vương Trần Liễu được ba tháng, đồng thời giáng Lý Hoàng hậu xuống làm công chúa. Phẫn uất, cha ông họp quân chống lại triều đình, nhưng thế cô nên phải đầu hàng. Vua Trần Thái Tông vì thương anh, nên nói với Thái sư Trần Thủ độ tha tội chết cho cha ông, nhưng quân lính bị giết sạch.
Ông thừa hiểu, cha ông cho tìm người tài nghệ dạy văn, võ cho ông, là ấp ủ lòng hậm hực, muốn ông thay cha trả thù nhà. Thế nhưng, bản thân ông được triều đình trọng dụng. Khi quân Mông Cổ lăm le xâm chiếm nước Đại Việt lần thứ nhất, do có tài năng xuất chúng, ông được vua Trần Thái Tông phong làm Đại tướng, cầm quân chặn giặc ở biên giới. Sau khi quân Mông Cổ chiếm được Trung Hoa, lập nên nhà Nguyên, lại đe dọa đánh chiếm Đại Việt lần thứ hai, ông được Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước chống quân xâm lược. Ông đã cùng Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải thống lĩnh ba quân phản công mạnh mẽ, đánh tan quân Nguyên trong những trận đánh tại Hàm Tử, Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp… đánh đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi. Rồi quân Nguyên lại nhăm nhe thôn tính Đại Việt làn thứ ba, ông vẫn được triều đình trọng dụng, ông đã áp dụng thành công chiến lược của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân của nhà Nguyên, do các tướng Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi chỉ huy, trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, buộc quân Nguyên phải rút về nước, chấm dứt mộng bá quyền thôn tính phương Nam.
Hưng đạo Đại vương là tước hiệu triều đình sắc phong cho ông, là minh chứng việc triều đình vẫn tin tưởng, trọng dụng ông. Một điều thể hiện rất rõ, triều đình không hề nghi ngờ ông nhân cơ hội thống lĩnh ba quân, sẽ dấy binh lấy thiên hạ. Mặc nhiên, với cương vị thống lĩnh ba quân, việc dấy binh chống lại triều đình, thu phục thiên hạ, thỏa mối uất hận của cha lúc lâm chung, đối với ông nằm trong lòng bàn tay. Nhưng ông không làm vậy, vì lòng trung quân, ái quốc không cho phép ông đánh đổi thù nhà. Suy cho cùng, việc Thái sư Trần Thủ Độ ép cha ông nhường vợ cho em là Trần Thái Tông, cũng nhằm mục đích duy trì triều đại nhà Trần mới sơ khai. Cha ông bị ép dẫn đến mất vợ, đem lòng uất hận cũng là lẽ thường, nhưng với đạo quân thần thì cũng không đáng so đo.
Khi vận nước long đong, bản thân đang nắm quyền quân, quyền nước, chuyện tập hợp quân sĩ nhân cơ hội lấy giang sơn, hoàn thành tâm nguyện của cha lúc lâm chung nắm trong tầm tay, vương đem chuyện này ra dò ý hai thuộc tướng thân tín là Dã Tượng và Yết kiêu, vốn là gia thần của ông, được ông tiến cử, một người giỏi luyện voi chiến, một người bơi giỏi như rái cá đảm nhận thủy quân, cả hai đều có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Ông dọn lời hỏi:
- Cha ta trước khi lâm chung nắm tay ta dặn rằng, con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được. Nay quân quyền ta nắm trong tay, cơ hội ngàn vàng này mấy khi có được? Theo các tướng, ta nên thế nào?
Dã Tượng cung kính đáp:
- Thưa Hưng đạo Đại vương! Tôi thiển nghĩ, làm vậy tuy được phú quý một thời, nhưng tiếng xấu sẽ để lại muôn đời sau, không gì có thể gột rửa…
Yết Kiêu tiếp lời:
- Nay đại vương há chẳng đủ phú, đủ quý rồi hay sao, đại vương hà tất phải làm vậy để lại tiếng xấu ngàn thu?
- Chúng tôi thề chết già làm gia nô, quyết không muốn làm quan mà không có trung hiếu. – hai tướng cùng đồng thanh.
Quốc Tuấn cảm động đến phát khóc, ông cảm kích nói:
- Cảm ơn các tướng nhiều lắm! Hai người nói rất hợp ý ta. Giờ là khi phải tập trung lực lượng, tâm huyết nhằm chống lại giặc phương Bắc đang nhăm nhe bá quyền, xâm chiếm nước ta. Giữ vững triều chính, xây dựng tổ quốc hưng thịnh mới là việc nên làm. Nợ nước gánh nặng, thù nhà xem nhẹ tựa lông hồng.
Cả ba người cùng cười vui như vừa trút được gánh nặng. Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tập trung viết Hịch tướng sĩ, để động viên lòng quân. Những áng văn trác tuyệt tuôn ra như thác đổ: “Ta thường nghe chuyện Kỷ Tín liều thân chịu chết thay cho vua Cao đế, Do Vu lấy mình đỡ ngọn giáo cho vua Chiêu vương, Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ, Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước, Kính Đức là một chức quan còn nhỏ mà liều thân cứu vua Thái tông được thoát vòng vây… Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ… Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt lột da quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa thì cũng đành lòng… Nay ta soạn hết các binh pháp của các nhà danh gia hợp lại làm một quyển gọi là “Binh thư yếu lược”. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo, thì mới phải đạo thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo, thì tức là kẻ nghịch thù… Vậy nên ta phải làm ra bài hịch này để cho các ngươi biết bụng ta”. Hịch tướng sĩ đã viết xong, vương lại tập trung soạn Binh thư yếu lược.
Chuyện cha để lại lời trăng trối khi lâm chung, có lần vương đem hỏi các con. Người con cả là Hưng vũ vương Trần Quốc Nghiễn thưa:
- Thưa cha! Dẫu có khác họ cũng không nên, huống chi cùng một họ?
- Nói phải lắm, ta khá khen cho con.
Người con thứ là Hưng nhượng vương Trần Quốc Tảng thưa:
- Tống Thái Tổ vốn là ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.
Quốc Tuấn cả giận, rút gươm kể tội Quốc Tảng:
- Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra.
Minh họa: Lão Trần |
Đoạn vương vung gươm định giết Quốc Tảng, Hưng vũ vương Trần Quốc Nghiễn vội chạy tới can ngăn, xin tha tội chết cho em và nhận tội thay nếu cha còn muốn truy cứu. Quốc Tuấn thấy Quốc Nghiễn nói cho là phải mới nguôi giận, nhưng dặn Quốc Nghiễn:
- Khi nào ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng, nhớ lấy nghe chưa?
Hưng đạo Đại vương đã quyết gác lại thù nhà, tập trung phò tá triều đình chú tâm lo việc nước, xây dựng tổ quốc hưng thịnh và ngăn chặn mộng bá quyền phương Bắc. Ánh đèn dầu lạp hắt bóng vương lên tường, tựa như pho tượng đồng đen, lừng lững, uy nghi.
Hội Minh thề Năm 1561 Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) lập nên ấp Lan Niểu (nay là ... |