Cần làm rõ khiếu kiện và xử lý nghiêm sai phạm, nếu có
Pháp luật - Bạn đọc 16/03/2021 08:08
Nguồn cơn sự việc.
Tháng 3/2019, bà Trần Thị Khánh Toàn cùng bà Lê Thị Bạch Tuyết, bà Lê Thị Kim Ngân, ông Trần Lương Sơn (hiện là Tổng Giám đốc Công ty PVIT) ký thoả thuận kế hoạch đầu tư có nội dung: Bà Trần Thị Khánh Toàn sẽ là người đóng góp số tiền 150 tỷ đồng, bà Lê Thị Bạch Tuyết là người chịu trách nhiệm trước bà Toàn về số tiền bà Toàn đã góp, cụ thể trong kế hoạch đưa ra: Mua lại 2 công ty (Công ty Hani Land: 8 tỷ đồng; Cổ phần công ty Dầu khí 12 tỷ đồng (trong đó Công ty Cổ phần Anh Dũng Bắc Á và Công ty Lanmak là 25% CP: 7 tỷ đồng; Gom cổ phiếu lẻ để đạt trên 51%: 5 tỷ đồng; trả nợ ngân hàng 30 tỷ đồng; Chi phí mặt bằng Dự án Hưng Lộc 17 tỷ đồng...
Thoả thuận kế hoạch đầu tư |
Sau thoả thuận được ký, từ ngày 11/3/2019 đến ngày 5/5/2020 bà Toàn chuyển cho bà Tuyết gần 72 tỷ đồng thông qua tài khoản của bà Tuyết và tài khoản ông Đường Dũng Tiến (Hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Pvit và cũng là con trai bà Tuyết)
Bà Toàn cho biết: "Cuối năm 2018, thấy chị em trong hội doanh nghiệp trao đổi về việc bà Lê Thị Bạch Tuyết (Tên gọi khác Nga Phú Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nữ TP Vinh) có con trai là ông Đường Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An bị Bộ Công An bắt trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, nên chị em trong Hội Doanh nghiệp đã trao đổi nhờ tôi liên lạc để động viên bà Tuyết kịp thời.
Sau đó, tôi và bà Tuyết đã trao đổi thông tin với nhau. Bà Tuyết thường xuyên chia sẻ với tôi về hoàn cảnh gia đình, chia sẻ những khó khăn, mất mát của người mẹ khi chứng kiến cảnh con trai bị bắt, gia đình tan nát. Đồng thời, bà Tuyết chia sẻ các khó khăn về tài chính của 2 Công ty là: Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An và Công ty CP Hanvi land. Theo bà Tuyết nói 2 công ty này đều của gia đình bà đang nắm giữ. Trong đó, con trai bà Tuyết, Đường Hùng Cường là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An; Đường Dũng Tiến, con trai bà Tuyết là Giám đốc Công ty CP Hanvi land. Khi Đường Hùng Cường bị bắt, làm cho giá cổ phiếu Công ty Đầu tư và Thương mại dầu khí bị rớt giá, công ty bị thua lỗ có nguy cơ phá sản.
Tháng 3/2019, bà Tuyết, bà Ngân và ông Sơn lên nhà tôi tận Quỳ Hợp, đưa bản thoải thuận đã đánh sẵn. Tin tưởng tuyệt đối vào bà Tuyết, nên tôi đã ký ngay vào thoả thuận không hề đắn đo. Sau khi chuyển cho mẹ con bà Tuyết gần 72 tỷ đồng, tôi đã nhiều lần yêu cầu mẹ con bà Tuyết đối chiếu tổng hợp, nhưng mẹ con bà Tuyết không thực hiện và nói, nếu tổng hợp thì phải ghi trong biên bản là cho thuê tài chính. Mặc dù, không có chức năng cho thuê tài chính, tôi cũng phải đồng ý, vì nếu không tổng hợp thì mất hết tiền nên mới có bản đối chiếu ngày 11/5/2020.
Khoảng tháng 8/2020, tôi đi về Quỳ Hợp, khi đi qua Dự án Hưng Lộc tôi sững người ra khi thấy họ đã làm hạ tầng. Tìm hiểu, thì mới biết họ đã bán Dự án cho một công ty khác và bán cho nhiều hộ dân thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Sau đó, tôi gửi đơn đến cơ quan chức năng kiến nghị tạm ngừng mọi hoạt động của dự án do đang có tranh chấp và dự án chưa được bàn giao đất thực địa".
Ý kiến trái chiều
Ngày 24/11/2020, UBND tỉnh Nghệ An "tuýt còi", yêu cầu tạm ngưng mọi hoạt động Dự án Hưng Lộc, với lý do chưa được giao đất trên thực địa.
Liên quan việc giao đất, khoản 3 Điều 68 Nghị định 43/ NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: Cơ quan tài nguyên và môi trường hướng dẫn chủ đầu tư xin giao đất, thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, ký hợp đồng cho thuê đất đối với trường hợp thuê đất... Điều 8 Thông tư 30/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hồ sơ giao đất trên thực địa gồm: Biên bản giao đất trên thực địa theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này; Biên bản giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (nếu có).
Hành vi lấn chiếm đất được quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 91 /2019/NĐ-CP như sau: "Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật"
Thực tế, ngày 28/11/2020, Đội Quản lý trật tự đô thị TP Vinh đã tiến hành lập Biên bản số 549//BB- VPHC đối với hành vi khởi công xây dựng xây dựng công trình khu nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên khi chưa có mặt bằng để bàn giao toàn bộ dự án. Theo đó có hướng đề xuất xử lý : "Quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 14, Nghị định 139/2017/NĐ-CP đối với hành vi trên thì mức xử phạt là 15.000.000 - 20.000.000 đồng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP Vinh".
Theo đó, ngày 26/2/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An có Công văn số 965/STNMT - TTR - QLĐĐ xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý vi phạm tại Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên tại xã Hưng Lộc, chỉ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường nội dung: Dự án đã có quyết định giao đất của UBND tỉnh, khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích được giao phải nộp tiền sử dụng đất. Trong thời gian từ 7/8 đến 26/11/2020 Cty PVIT đã có 7 tờ trình đề nghị giao đất thực địa (đợt 1) nhưng Sở đã trực tiếp trả lời không đồng ý với lý do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai. Đến ngày 18/12/2020, Cục Thuế mới xác nhận chủ đầu tư đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại Dự án Hưng Lộc. Sở đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời cụ thể: Hành vi chưa được bàn giao đất tại thực địa nhưng Công ty PVIT đã tiến hành thi công các hạng mục công trình dự án có phải là hành vi chiếm đất theo quy định tại điểm d, Khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP hay không? Việc giao đất thực địa và các bước tiếp theo cho chủ đầu tư có vi phạm pháp luật không? Mà không báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc đơn thư tranh chấp dự án của bà Toàn, sau khi UBND yêu cầu đình chỉ chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công dự án. Ngoài ra, Công ty PVIT còn xây dựng một số công trình trên phạm vi mở rộng đường tỉnh lộ 534.
Xây dựng ngoài phạm vi quy hoạch |
Do Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An không báo cáo hết sự việc, nên ngày 5/3/2021, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản phúc đáp, không trả lời chính vào câu hỏi mà Sở Tài nguyên và Môi trường đã hỏi mà đưa ra các"tình tiết giảm nhẹ" đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An xem xét: "Để đảm bảo tính khách quan và công bằng, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính của công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (nếu có) Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Quý Sở xem xét các yếu tố như việc UBND xã Hưng Lộc đã có biên bản tạm bàn giao mặt bằng cho Công ty sau khi đã thực hiện xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, Công ty đã dừng hoạt động xây dựng đường giao thông trong phạm vi dự án, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định".
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An cần đưa ra một phương án giải quyết thấu tình đạt lý, tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu việc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa bàn giao đất thực địa đã thi công là không vi phạm. Khi đó, các nhà đầu tư khác sẽ thực hiện theo thì "mô hình" này, và được nhân rộng không chỉ trong phạm vi tỉnh Nghệ An mà sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành.