Bao giờ chủ đầu tư Dự án Trang trại nuôi heo công nghệ cao Vina-Lado được giao đất?
Pháp luật - Bạn đọc 01/08/2022 10:52
Theo lời kêu gọi đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh Lâm Đồng, Công ty Chăn nuôi VinaFar (có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai) quyết định triển khai Dự án Chăn nuôi heo Công nghệ cao tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, quy mô 10.000 heo hậu bị/năm. Dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư và không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, cũng như không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (theo Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định 148/CP, 25/CP, 31/CP của Chính phủ). Ngay sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 7.725/QĐ-UBND ngày 1/9/2021, chấp nhận chủ trương đầu tư và được cấp giấy chứng nhận đăng kí, Công ty VinaFar đã tích cực cùng các s?, ban, ngành, huyện, xã liên quan làm mọi thủ tục cần thiết để triển khai dự án, như: đo đạc, đóng tiền kí quỹ, cam kết sử dụng lao động địa phương,...
Dự án vẫn nằm trên giấy
Đại diện VinaFar cho biết: “Theo tiến độ được duyệt, cuối năm 2021 phải giải phóng xong mặt bằng để quý I/2022 san lấp, xây dựng, lắp đặt hệ thống điện. Tiếp đó, hết năm 2022 phải hoàn thiện khu chăn nuôi, rộng 1,72ha. Thế nhưng, đến nay đã cuối tháng 7/2022, dự án vẫn còn trên giấy. Điều này khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi 6.000 con heo nhập từ châu Âu phải gửi ở Tây Ninh”.
Hầu hết đất trong phạm vi dự án bị dân xâm lấn, trồng cà phê trái phép (có hộ còn xây nhà) nhưng chính quyền địa phương chưa xử lí. |
Theo đại diện chủ đầu tư, ngay từ đầu lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo các sở, ngành và chính quyền huyện, xã đều ủng hộ dự án chăn nuôi hiện đại, khả thi. Bởi, công nghệ mới, tiên tiến và hiệu quả kinh tế - xã hội cũng như thân thiện với môi trường... của dự án. Chính vì thế, địa điểm đầu tư được chọn là 1 xã vùng sâu, “càng xa dân càng tốt” và đất có nguồn gốc thu hồi từ 1 dự án của doanh nghiệp khác (nhận đất nhưng không hoạt động). Tuy nhiên, dù rất ủng hộ (bằng giấy trắng mực đen), song lãnh đạo huyện lại có những biểu hiện khó hiểu, thiếu nhiệt tình, không quyết liệt trong việc giải phóng mặt bằng!?
Cụ thể, diện tích đất của dự án nằm trong 129ha, năm 2010, ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kí quyết định giao cho Công ty TNHH Kĩ thuật Nhựa Khang Thịnh (địa chỉ 25/26 đường Bà Kí, quận 6, TP Hồ Chí Minh) triển khai Dự án trồng và quản lí, bảo vệ rừng. Tại thời điểm giao đất, có tới 97 ha đang có rừng (chủ yếu là lâm phần thông), chỉ 0,88 ha là dân lấn chiếm. Vậy mà, 7 năm sau (2017), thời điểm Khang Thịnh, do để mất gần hết rừng nên bị thu hồi dự án (đồng thời buộc bồi thường 4,6 tỉ đồng, song đến nay chưa nộp) hầu như toàn bộ diện tích đất giao cho VinaFar hiện thời đều bị xâm lấn. Do đó, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư (Khang Thịnh), trách nhiệm của chính quyền huyện Bảo Lâm cũng cần được nhắc tới.
Nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, từ trung tuần tháng 4/2022, tuy nhiên đã hơn 3 tháng trôi qua mọi việc vẫn hầu như "án binh bất động" |
“Bất tuân” chỉ đạo của trên?
Theo Luật sư Huỳnh Tho, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Lâm Đồng, thay vì Dự án Vina - Lado là cơ hội để “sửa sai” (tức, sẽ xử lí dứt điểm vấn đề xâm canh) thì lãnh đạo huyện lại tỏ ra lúng túng, chần chừ. Thậm chí, được cho là dây dưa, “đánh võng”, không thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 85 ngày 14/4/2022. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng “Giao UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá toàn bộ quá trình lấn chiếm, sử dụng đất trong ranh giới dự án chăn nuôi heo công nghệ cao đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư; phối hợp với nhà đầu tư trong công tác hỗ trợ, di dời, giải phóng mặt bằng để đưa đất vào sử dụng theo đúng mục đích đã được cấp (hoàn thành trước tháng 6/2022)”. Do xác định rõ việc chiếm dụng, canh tác trên đất giao cho VinaFar là bất hợp pháp nên “Trường hợp người dân không thống nhất việc hỗ trợ, di dời, giải phóng mặt bằng thì UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng lập hồ sơ, thủ tục thu hồi đất theo Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013”.
Các văn bản UBND huyện Bảo Lâm |
Chỉ đạo của cấp trên (và pháp luật) là vậy, song bất chấp những cố gắng của doanh nghiệp về việc vận động, cam kết hỗ trợ người dân (gấp 3 lần đơn giá, đồng thời trợ cấp an sinh xã hội, giải quyết lao động, thưởng 100 triệu d?ng cho người giao đất đúng tiến độ... Bình quân 1,5 tỉ đồng/ha) lãnh đạo huyện, người “thẳng thắn” khuyên doanh nghiệp “nên rút lui”(?), ngày 19/7/2022 (quá thời hạn của Chủ tịch tỉnh gần 2 tháng) vẫn ra quyết định thành lập... Tổ công tác! Tổ này có nhiệm vụ: “Hỗ trợ VinaFar triển khai thực hiện dự án” và “giúp Chủ tịch huyện chủ động tiếp cận, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư và người dân vùng dự án. “... Ơ hay! Nếu không có tổ công tác, người đứng đầu chính quyền huyện Bảo Lâm không tiếp cận, nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc hay sao (trong khi doanh nghiệp, xã và các phòng, ban đã có nhiều ý kiến bằng văn bản, nêu rõ những khó khăn, “khúc mắc”)?...
Ai còn dám đầu tư?
Không chỉ thế, chẳng biết UBND huyện có chỉ đạo gì mà ngày 22/7 vừa qua, Tổ trưởng Tổ Công tác Phan Thanh Phước, Phó phòng Tài chính Kế hoạch huyện - ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư “cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan cũng như báo cáo tình hình triển khai dự án... (!). Nhận được yêu cầu trên, cán bộ VinaFar cho rằng: “Thật lạ, Dự án đã triển khai được đâu, do chính quyền huyện chưa tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thì chúng tôi báo cáo cái gì?”.
Trả lời phóng viên về việc dự án bị chậm trễ, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo nhiều nhưng huyện không quản lí để dân lấn chiếm và không kết hợp với doanh nghiệp... Dân lấn chiếm là sai!”. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, trong số những người dân lấn chiếm đất có trường hợp được Phó Chủ tịch UBND huyện cấp sổ đỏ, vị lãnh đạo tỉnh này quả quyết: “Tỉnh đã nghiêm cấm việc hợp thức đất cho dân. Cấp sổ là sai và phải chịu trách nhiệm!”. Về thông tin lãnh đạo huyện khuyên chủ đầu tư nên “rút lui”, lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định: “Như thế là không được”, và tỏ ra kiên quyết: “Tỉnh đã chỉ đạo huyện rồi, nếu không ai dám vào đầu tư?”.