Bản án thấu tình, đạt lí làm vơi nỗi đau của gia đình bị hại
Pháp luật - Bạn đọc 23/11/2022 09:37
Theo hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án tóm tắt như sau: Tối 10/9/1991, nhóm người gồm: Huỳnh Đức Đường, Huỳnh Đức Thảo, Võ Văn Tịnh, Lưu Văn Quyết tổ chức uống rượu tại nhà bà Nguyễn Thị Cường. Uống rượu xong, Đường sang nhà ông Nhĩ, cạnh nhà bà Cường ngủ, còn Thảo, Tịnh và Quyết đi về. Khi qua nhà ông Hồ Văn Thận (tên gọi khác là Hồ Thận), Quyết rủ Thảo và Tịnh vào nhà ông Thận, để hỏi về việc ông Thận đâm ông Thi mấy ngày trước và chuyện anh Nguyễn Công Minh (con rể ông Thận) đánh nhau với Thảo vào ngày trước đó.
Hai bên to tiếng cãi vã nhau. Lúc này Đường nghe thấy cãi nhau to tiếng, nên lấy chiếc rìu thường dùng để chặt cây, cầm theo sang nhà ông Thận. Khi vào nhà ông Thận, Đường hô to “Có ba Đường đây”, rồi dùng hai tay giơ rìu lên chém thẳng vào đầu anh Minh (con rể ông Thận), làm anh Minh ngã xuống. Đường tiếp tục quay ra chém ông Thận hai nhát, một trúng mang tai trái, một trúng hông bên trái, khiến ông Thận chết tại chỗ, còn anh Minh được người nhà mang đi cấp cứu kịp thời, nên không chết.
Gây án xong, Đường bỏ trốn vào cư ngụ tại tổ 5, thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; đổi tên thành Huỳnh Viết Ba, lấy vợ và sinh được 3 người con, hiện các con đều trưởng thành. Ngày 16/7/2021, Đường mới bị bắt theo Quyết định truy nã số 72 ngày 20/9/1991 của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Bị cáo Huỳnh Đức Đường tại cơ quan Công an, sau 30 năm lẩn trốn pháp luật. (ảnh IT) |
Ngày 29/8/2022, TAND tỉnh Quảng Nam đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, với cáo buộc Đường với hành vi “Giết người”. Tại Bản án số 50/2022/HS-ST, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Huỳnh Đức Đường 20 năm tù, buộc bị cáo bồi thường cho đại diện hợp pháp của bị hại Hồ Văn Thận tổng số 545 triệu đồng, gồm: tiền mai táng 21 triệu đồng, tiền tổn thất tinh thần 149 triệu đồng, tiền cấp dưỡng 375 triệu đồng. HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ như: ăn năn hối cải, trước khi phạm tội có thân nhân tốt, thành khẩn khai báo, có bà ngoại là mẹ Việt Nam Anh hùng, hai cậu ruột là liệt sĩ, ông nội là người có công với nước... để áp dụng hình phạt với bị cáo Đường là 20 năm tù. Bản án sơ thẩm khiến gia đình bị hại Hồ Văn Thận cảm thấy hụt hẫng, mất niềm tin vào pháp luật.
Không đồng tình với Bản án số 50/2022/HS-ST của TAND tỉnh Quảng Nam, bà Lê Thị Dư, sinh năm 1945, là vợ của ông Hồ Văn Thận làm đơn kháng cáo. Trong đơn bà Dư cho rằng: Bản án số 50/2022/HS-ST của TAND tỉnh Quảng Nam xử phạt bị cáo Đường 20 năm tù, buộc bị cáo bồi thường cho gia đình số tiền 545 triệu đồng, là không tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, chưa tương xứng với thiệt hại gia đình gặp phải trong suốt hơn 30 năm qua. Bản án của TAND tỉnh Quảng Nam có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không đủ sức răn đe, thiếu công bằng với gia đình bị hại, áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là không đúng, không phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Minh Tuấn và luật sư Lê Văn Chức, thuộc Công ty luật TNHH Minh Gia, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Lê Thị Dư cho rằng: HĐXX cấp sơ thẩm lấy lí do bà ngoại của bị cáo là mẹ Việt Nam Anh hùng, bị cáo có 2 cậu ruột là liệt sĩ và ông nội có công với nước, để cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ, theo quy định tại điểm b và điểm s, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự, là thiếu khách quan, chưa phù hợp với thực tế. Trong trường hợp này, nếu bà ngoại của bị cáo là người nuôi dưỡng từ nhỏ, là người thân duy nhất còn lại, thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Luật pháp chỉ quy định những người thân thích của bị cáo là vợ, cha, mẹ, con, anh chị em ruột nếu có công với nước, hoặc được tặng thưởng danh hiệu cao quý khác để làm căn cứ chấp nhận là tình tiết giảm nhẹ, không có quy định thêm là những người khác. Điều này được khẳng định rõ tại điểm x, Khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ”. Do đó, những tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng, là không có căn cứ pháp luật.
Đối với tình tiết cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, để xem đó là tình tiết giảm nhẹ, cũng không thỏa mãn được tính chất của cụm từ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Bởi lẽ, sau khi gây án bị cáo bỏ đi khỏi địa phương, đến địa phương khác thay tên từ Huỳnh Đức Đường thành Huỳnh Viết Ba, thay đổi năm sinh từ 1963 thành 1961, nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự, lấy vợ, sinh con và trốn tránh suốt 30 năm trời, cho đến khi bị phát hiện và bắt giữ theo lệnh truy nã. “Do vậy, không thể coi bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải được” - luật sư Tuấn nhấn mạnh. Bị cáo Đường phạm tội giết nhiều người, việc Nguyễn Công Minh không chết là do cấp cứu kịp thời và có phần may mắn, nằm ngoài dự liệu của bị cáo, nên không thể coi là tình tiết phạm tội chưa đạt được. Mức tiền bồi thường cấp dưỡng cho các con của bị hại Hồ Văn Thận, mà cấp sơ thẩm đưa ra là chưa thỏa đáng, chưa công bằng với gia đình bị hại.
Ngày 16/11/2022. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định: Hậu quả bị cáo gây ra cho gia đình bị hại là nặng nề. Về tính chất hành vi phạm tội của bị cáo, là đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm, gây thương tích cho bị hại Nguyễn Công Minh 60% sức khỏe; chém ông Hồ Văn Thận chết tại chỗ. Như vậy thuộc trường hợp giết nhiều người với mức độ giã man. Bị hại Nguyễn Công Minh không chết là do được cấp cứu kịp thời, nhưng để lại di chấn lâu dài. Sau khi gây án, bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt nhằm che giấu tội phạm. Trong 30 năm bị cáo trốn tránh pháp luật, vợ con bị hại phải chịu đựng biết bao khó khăn về kinh tế, với bảy người con chưa thành niên, gây khó khăn tới cuộc sống của vợ và các con ông Thận, ảnh hưởng tới niềm tin của họ vào pháp luật.
Cấp sơ thẩm căn cứ bà ngoại của bị cáo là mẹ Việt Nam Anh hùng, hai cậu ruột là liệt sĩ, ông nội có công với nước, để áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ là không đủ cơ sở. Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 20 năm tù là chưa tương xứng với hành vi, mức độ phạm tội của bị cáo. Do vậy, HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị Như, tăng hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Đức Đường từ 20 năm tù lên tù chung thân. Đối với khoản tiền bồi thường cấp dưỡng cho các con của bị hại, tòa cấp sơ thẩm xem xét mức bồi thường chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Tổng hợp thời gian cấp dưỡng đối với các con của ông Thận là 524 tháng 6 ngày như yêu cầu của đại diện người bị hại là có căn cứ. HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo về mức bồi thường, tuyên bị cáo có trách nhiệm cấp dưỡng cho các con của bị hại Hồ Văn Thận 560.529.000 đồng, trừ số tiền gia đình bị cáo đã khắc phục là 250 triệu đồng, bị cáo phải bồi thường số tiền còn lại cho đại diện của bị hại 310.529.000 đồng.
Hơn 30 năm phải gánh nỗi đau không có gì có thể bù đắp, nhưng khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc, gia đình bị hại Hồ Văn Thận cho rằng, mức án dành cho bị cáo Huỳnh Đức Đường vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa thấu tình do vụ án xảy ra đã quá lâu.