Đương sự là người cao tuổi mong được xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 23/12/2024 10:18
Ông Lê Mạnh Cường cho biết: Thửa đất mà gia đình ông đang sử dụng có nguồn gốc thừa kế, do bố mẹ để lại từ năm 1987, được đo vẽ thể hiện tại số thửa 126, tờ 20B, bản đồ 299, có diện tích 940m2. Ngay từ năm 1947, khi bố mẹ ông đến đây làm nhà và sinh sống, thửa đất có đoạn cổng rộng 2m, dài 9m. Đến khi xã Phương Khoan đo đạc vẽ bản đồ 299, đoạn cổng này bị vẽ gộp vào đất vào nhà bà Nguyễn Thị Đường (mẹ chồng bà Nga, đã chết năm 2006). Năm 1998, khi biết thông tin này, ông Đinh Tiến Hùng (nay đã chết), chồng bà Nga, tiến hành rào ngõ nhà ông Cường và tranh chấp đất đai giữa hai hộ bắt đầu từ đó. Ông Cường có đơn khởi kiện bà Nga, vì cho rằng, hộ nhà bà Nga đã lấn chiếm diện tích 31,4m2 đất, trong đó, có 14,7m2 đất ở vị trí giáp đường đi vào cổng nhà ông Cường và 16,7m2 đất còn lại thuộc thửa số 126 nói trên mà hộ nhà ông Cường đang sử dụng, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ ông Lê Mạnh Cường ngày 11/1/2008 và diện tích 45m2 đất bà Nga đang quản lí, sử dụng theo Bản án dân sự năm 2013.
Ông Lê Mạnh Cường tại con ngõ tự tạo đi vào ngõ nhà mình sau khi bị hộ nhà bà Nga lấn chiếm. |
Theo Báo cáo kết luận số: 08/KL ngày 26/4/2001 của Phòng Địa chính huyện Lập Thạch, về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Cường, đất của nhà bà Nga có nguồn gốc thừa kế do bố mẹ chồng để lại, có diện tích thổ cư 560m2 (trong sổ thuế ghi 610m2). Bà Nga và ông Cường là hàng xóm. Năm 1981, bà Nga kết hôn với ông Hùng. Năm 2010, sau khi ông Hùng chết, bà về ở đây chung với mẹ chồng. Hộ ông Hùng, bà Nga đến ở sau hộ ông Cường và đoạn đường đi vào nhà ông Cường nói trên đã có từ trước thời điểm đo đạc lập bản đồ 299 của xã Phương Khoan (năm 1987), trước cả khi ông Hùng ra đời. Từ đó, Phòng Địa chính xã Phương Khoan đề nghị UBND xã Phương Khoan chỉnh lí, bổ sung trên bản đồ cho phù hợp với thực tại nói trên và bảo đảm hộ gia đình nhà ông Cường có đường đi hợp pháp. Theo bản đồ 299 và theo bản đồ địa chính VN 2000 (định vị thửa đất nhà ông Cường tại số 66, tờ bản đồ số 26, diện tích 1.363m2), không có con đường nào nằm giữa đất nhà ông Cường và nhà ông Cao (hàng xóm) để đi xuống cánh đồng Chảu. Ông Cường xác định, chỉ có lối mòn do gia đình nhà ông Cường tự tạo trên đất nhà mình dùng để đi xuống phần đất ruộng nhà ông Cường rồi đi xuống ngòi nước thuộc cánh đồng Chảu và lối đó chỉ có duy nhất nhà ông sử dụng để canh tác sản xuất nông nghiệp, không có người địa phương hay ai khác cùng sử dụng. Còn bà Nga cho rằng, phần đất 16,7m2 này thuộc đường dân sinh đi xuống cánh đồng Chảu.
Tại Bản án sơ thẩm số: 01/2023/DS-ST ngày 26/5/2023, TAND huyện Sông Lô đã bác đơn khởi kiện của ông Cường. Nhưng ngày 23/6/2023, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định kháng nghị số: 991/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm theo hướng: Sửa một phần bản án sơ thẩm nói trên của TAND huyện Sông Lô, vì cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét đánh giá khách quan, toàn diện chứng cứ trong vụ án.
Hiện trạng mốc giới và cái giếng tự tạo của bà Nga trên đường đi xuống cánh đồng Chảu. |
Quyết định kháng nghị của Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc nêu: “Căn cứ bản đồ 299 và bản đồ VN 2000 thì trên hai bản đồ này đều không thể hiện có con đường nào đi xuống cánh đồng Chảu. Hơn nữa, theo sơ đồ thửa đất, được vẽ trên GCNQSDĐ mà UBND huyện Lập Thạch đã cấp cho ông Lê Mạnh Cường ngày 21/1/2008, được quyền sử dụng 940m2 thửa đất số 126, tờ bản đồ 20 cho thấy giáp ranh giữa nhà ông Cường và nhà ông Cao chỉ là một đường thẳng và không có con đường nào nằm giữa nhà ông Cường và nhà ông Cao để đi xuống cánh đồng Chảu, đúng như thể hiện của bản đồ 299 và bản đồ VN 2000”. Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Đại diện chính quyền địa phương cho rằng, con đường đi qua đất nhà ông Cường đang tranh chấp với bà Nga là đường dân sinh, do địa phương quản lí nhưng không đưa ra được căn cứ pháp lí cụ thể. Địa phương cho rằng: Do có tranh chấp giữa hai gia đình nên khi đo vẽ bản đồ chưa thể hiện có con đường này. Tuy nhiên, năm 2013, giữa ông Cường và bà Nga có xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất nhưng không tranh chấp 16,7m2 đất này. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của bà Nga, quan điểm của đại diện UBND xã Phương Khoan và lời khai của một số người dân là hàng xóm của ông Cường và bà Nga để kết luận giữa phần đất nhà ông Cường và phần đất nhà ông Cao có con đường dân sinh đi xuống cánh đồng Chảu để người dân canh tác sản xuất nông nghiệp.
Từ các cơ sở trên, Viện KSND tỉnh kết luận: Chỉ có con đường mòn do nhà ông Cường tự tạo ra để gia đình nhà ông ấy đi lại canh tác sản xuất nông nghiệp. “Trong vụ án này, cần phải xác định 16,7m2 đất đang tranh chấp là thuộc quyền quản lí, sử dụng của ông Lê Mạnh Cường và buộc bà Nga phải trả lại 16,7m2 đất cho ông Lê Mạnh Cường thì mới đúng pháp luật”.
Mặc dù Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc nhận định: Việc Tòa án đánh giá chứng cứ như vậy là không đúng, đã vi phạm Điều 108, Bộ luật Tố tụng dân sự. Nhưng ngày 7/11/2023, TAND tỉnh Vĩnh Phúc ra Văn bản số 16/2023/QĐ-PT hủy Bản án sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 26/5/2023 và đình chỉ vụ án(!?).
Ông Lê Mạnh Cường mong muốn được TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, kháng nghị quyết định của TAND tỉnh Vĩnh Phúc theo thủ tục giám đốc thẩm.