Vụ đánh đập bé trai 3 tuổi cho vào tủ cấp đông ở Hà Nam: Hành vi rất nhẫn tâm, tàn ác
Tư vấn pháp luật 15/08/2022 07:45
Ngày 14/8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam cho biết, đang tạm giữ hình sự Nguyễn Trường Giang (25 tuổi, trú xã Chính Lý, huyện Lý Nhân) để điều tra hành vi đánh đập bé trai 3 tuổi cho vào tủ cấp đông.
Theo lời khai Giang tại cơ quan Công an, chiều 13/8, cháu N.H.Đ (3 tuổi) sang quán trà sữa của Giang chơi. Tại đây, cháu Đ. ăn uống và chơi và có hỏi Giang nhiều lần, vì bực tức Giang dùng chiếc chày bằng kim loại đập trúng phần đầu của cháu Đ.
Đối tượng Nguyễn Trường Giang tại cơ quan Công an. |
Thấy cháu Đ. bị ngã khỏi giường, đập đầu xuống sàn nhà, khóc to, Giang dỗ cháu không được nên dùng tay bịt miệng ghì cổ cháu trên sàn nhà. Khoảng một phút sau, cháu Đ. không khóc nữa và nằm im nên Giang bỏ hai tay. Giang chạy ra ngoài cửa quán để quan sát xem có ai biết không thì cháu Đ kêu: “Ông ơi, mẹ ơi chú đánh con”.
Lo sợ người nhà cháu Đ. đánh mình và yêu cầu bồi thường, Giang lấy sợi dây siết chặt cháu Đ., bế cháu đặt vào bên trong thùng carton rồi bỏ vào ngăn tủ đông. Nghi phạm còn lấy một túi đá viên để lên trên thùng carton, đậy nắp tủ đông lại… Sau đó, Giang khóa cửa kính, kéo cửa cuốn và lấy xe mô tô bỏ đi.
Khoảng 30 phút sau, ông nội cháu Đ. kiểm tra camera thấy cháu vào quán trà sữa của Giang nhưng gọi điện hỏi thì Giang nói không biết. Mọi người phá cửa quán, vào trong quán tìm thì phát hiện cháu Đ. đang ở trong tủ đông. Gia đình lập tức đưa cháu đi cấp cứu. Khoảng 22h30 ngày 13/8, Giang bị bắt khi đang bỏ trốn tại Hà Nội.
Cháu Đ sau đó được người nhà chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện tại sức khỏe đã dần ổn định. Tuy nhiên, trên cơ thể cháu vẫn còn sưng nề vùng đầu, xuất huyết và xây xước vùng đầu mặt cổ. Lưỡi bệnh nhi cũng bị sưng nề, ăn uống khó.
Dưới góc nhìn luật pháp, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của nghi phạm là tàn ác, có dấu hiệu xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
“Dù cho có mâu thuẫn hay động cơ mục đích nào, hành vi phạm tội của nghi phạm cũng thuộc trường hợp có dấu hiệu giết người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ”. Luật sư Thơm nhìn nhận.
Cũng liên quan tới sự việc này, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của nam thanh niên thuê nhà gần nhà bé trai, dùng dây giày thít cổ, sau đó nhốt cháu bé vào tủ đông có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời là hành vi có dấu hiệu tội giết người.
“Một người bình thường sẽ không thể có hành vi bất thường như vậy. Nếu không phải là hành vi của kẻ tâm thần, đây là hành vi rất nhẫn tâm, đáng lên án thể hiện ý thức coi thường pháp luật cao độ. Cháu bé không tử vong do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nằm ngoài ý thức chủ quan của đối tượng. Bởi vậy, trường hợp hành vi của đối tượng có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối tượng về tội giết người để xử lý nghiêm minh trước pháp luật”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Theo luật sư Cường, một người bình thường sẽ nhận thức được rằng, nếu một đứa trẻ còn quá nhỏ như vậy vào tủ cấp đông rồi đậy nắp lại trong một khoảng thời gian, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột và duy trì ở nhiệt độ âm như vậy hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của đứa trẻ.
Hành vi của nghi phạm đối với đứa trẻ trong tình huống này là rất bất thường, bước đầu chưa xác định được mục đích của hành vi. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của thanh niên này, làm rõ khả năng nhận thức điều khiển hành vi để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Nếu người này nhận thức được điều đó, nhận thức được hành vi có thể nguy hiểm đến tính mạng của đứa trẻ nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đây là hành vi giết người. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại khoản một điều 123 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp quá trình xác minh, điều tra nếu có căn cứ cho thấy người thanh niên này có biểu hiện tâm thần, cần trưng cầu giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức điều khiển hành vi của người này.
Vụ cướp tiệm vàng ở Huế: Người dân nhặt vàng có phải trả lại không? Theo luật sư Nguyễn Văn Hoàng (đoàn luật sư TP Hà Nội), một số người dân có hành động nhặt vàng trong vụ cướp tiệm ... |