Bản án cuối cùng của việc nghiện thuốc lá trên 30 năm
Cùng suy ngẫm 20/09/2024 11:20
Cái kết đắng của thói quen hút thuốc
Sau những triệu chứng ho có đờm kéo dài hơn một tháng, người sốt nhẹ, chán ăn, sút cân, mất ngủ… khó thở không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân tự ý đi mua thuốc kháng sinh điều trị viêm họng, ho và viêm phế quản rất nhiều lần. Nhưng kết qủa là chỉ thấy tình trạng ho tăng lên, kéo dài cơn hơn, ho khạc ra nhiều đờm màu trắng… Ông Trần Văn Lưu, 61 tuổi quê ở Yên Dũng, Bắc Giang có đi khám tại phòng khám tư nhân ở thị trấn gần nhà, ộng được chẩn đoán là có khối u lạ gây tổn thương phổi.
Ngày 1/8, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang tiếp nhận bệnh nhân cho biết: sau khi thăm khám ban đầu, ông Lưu được chỉ định chụp xquang phổi, sau đó bệnh nhân nhận được kết quả là có một khối u lạ trong phổi và được chỉ định chụp cắt lớp vi tính, thì phát hiện có khối u bên phổi trái gây tổn thương ở hai bên phổi, u tăng sinh nghi ngờ là ung thư phổi. Tiếp đó, ông Lưu được làm nội soi phế quản, sinh thiết tổn thương ở niêm mạc phế quản, phát hiện mắc ung thư phổi di căn tại phổi, gan. Bệnh bước vào giai đoạn muộn nên phác đồ điều trị không tối ưu, tiên lượng rất xấu.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Trường BSCK1-Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cho biết: “ông Lưu là một trong rất nhiều các bệnh nhân có biểu hiện đi khám xong mới phát hiện ra ung thư phổi, chứ tâm lý tất cả mọi người chỉ nghĩ đơn giản ho là do bị viêm họng, do cảm cúm gây viêm phế quản, viêm phổi thông thường. Rồi đến khi bệnh tình trở nặng ko thuyên giảm thì bệnh nhân mới đi khám. Trong quá trình thăm khám bệnh nhân thì được biết bệnh nhân có thâm niên hút thuốc lá, thuốc lào hơn 30 năm nay”.
Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cung cấp hình ảnh Xquang của bệnh nhân Trần Văn Lưu |
Vợ của ông Lưu là bà Hoa cho biết, chồng mình nghiện thuốc lá rất nặng. Ở nhà hai vợ chồng làm nghề cai thợ xây, đi xây là công việc tự do, nên thích hút thuốc lúc nào là hút, một ngày ông hút từ 1,5 đến 2 bao thuốc lá, chưa kể đến thuốc lào. Được biết ông Lưu hút thuốc từ khi còn thanh niên. Nhiều lần bà có khuyên bảo ông nên từ bỏ thuốc lá để đảm bảo sức khỏe. Nhưng do ông Lưu có hơn 30 năm hút thuốc lá, nên từ bỏ là rất khó. Đã rất nhiều lần ông ý thức được tác hại của việc hút thuốc lá nên ông cũng tự chủ động để cai thuốc lá, nhưng do hút nhiều năm nó vừa tạo thành thói quen vừa tạo thành cơn thèm, nên ông lại từ bỏ ý định cai thuốc lá và đã hút trở lại.
Giờ đây bản án ung thư giai đoạn cuối đã mang lại sự ân hận, dằn vặt của ông Lưu. Rằng tại sao mình không bỏ thuốc sớm hơn, không làm chủ được sức khỏe của bản thân. Để giờ đây bản thân mình chịu đau đớn và sau là khổ vợ con, người thân.
Thói quen hút thuốc lá gây nghiện như thế nào?
Theo ThS.BS CKII Vũ Xuân Huy, Phó Trưởng khoa Xạ tổng hợp Tân Triều, Bệnh viện K, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới ung thư phổi. Thứ nhất chiếm 80% nguyên dân gây ung thư phổi là do sử dụng thuốc lá, thuốc lào. Thứ hai dẫn tới ung thư phổi là yếu tố di truyền, chiếm 20% tổng nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Có những yếu tố di truyền do gen. Ví dụ như đột biến gen P53 gây ung thư trong đó có ung thư phổi, đột biến gen EGFR ở phụ nữ gây ung thư, hoặc những đột biến gen khác liên quan đến ung thư. Như vậy là chúng ta đã thấy ung thư phổi chủ yếu là do khói thuốc lá gây nên.
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng hơn 70 hóa chất trong số này gây bệnh ung thư. Điển hình là những chất như Hydrocarbon thơm đa vòng (PAH), chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Mọi người hay lầm tưởng Nicotine trong thuốc lá gây ung thư, tuy nhiên Nicotine chỉ là chất gây nghiện, các hóa chất Hydrocarbon thơm mới là các chất gây ung thư. Theo thống kê 90% nam giới bị ung thư liên quan tới thuốc lá. Với ung thư phổi ở nữ giới, chiếm 50-80% liên quan tới thuốc lá hút thụ động hoặc chủ động. Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh.
Thông thường, khi chúng ta hít thở, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi, miệng - nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi đi qua khí quản để vào phổi. Khi khói thuốc đi vào miệng, người hút thuốc đã bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi nên sẽ đưa nhiều độc tố vào cơ thể hơn.
Người hút thuốc lá thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút thuốc và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp cũng kém hơn do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt hoặc thậm chí đã bị phá hủy. Bên cạnh đó, khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy cũng như thành phần của chất nhầy. Đôi khi, các tuyến tiết nhầy bị tắc, làm giảm khả năng bài tiết đờm của người hút thuốc. Hậu quả chính là chất nhầy bị nhiễm nhiều chất độc hại từ khói thuốc, bị giữ lại trong phổi và cản trở sự lưu thông trao đổi không khí. Sự cản trở này lâu ngày sẽ làm cho phổi dễ nhiễm vi rút, vi khuẩn tạo nên u nhú rồi gây ra tổn thương và ung thư phổi.
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư phổi của những người có thói quen hút thuốc lá cao gấp 20 đến 30 lần so với những người không hút thuốc.Chúng ta cần hiểu thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử hay bất kỳ các sản phẩm thuốc lá nào cũng chứa nhiều độc tố nguy hiểm. Điều tốt mà chúng ta có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình là bỏ thuốc lá hoàn toàn, tránh xa môi trường có khói thuốc lá. Đừng dành quãng đời còn lại để nghiện nicotine. Hàng ngàn người đã từ bỏ được thói quen hút thuốc lá mỗi năm và bạn nên là một trong số họ. Điều này có thể không dễ dàng, nhưng vì bản thân và những người xung quanh thì bạn sẽ làm được!