Thuốc lá và thuốc lá điện tử đều tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của con người
Sức khỏe 21/08/2024 07:42
Thuốc lá và những hệ lụy đáng tiếc
Gần 10 năm nay, ông Phạm Văn T. (75 tuổi) ở Nam Định thường xuyên có mặt tại Bệnh viện, lần thì tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ nhưng chủ yếu là nhập viện đột xuất do triệu chứng tăng nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Gần 10 năm trước, ông nhập viện lần đầu vì khó thở, ho kèm theo khạc đờm. Tình trạng khó thở, ho khạc đờm càng tăng nặng, đờm đang màu trắng trong chuyển thành trắng đục hoặc có màu xanh, màu vàng khi thời tiết giao mùa hoặc cơ thể ốm yếu. Có lúc ông T. còn bị sốt kèm đau ngực. Kết quả thăm khám, xét nghiệm, chụp X-quang tim phổi, đo chức năng hô hấp với Test hồi phục phế quản đã khẳng định chẩn đoán ban đầu của bác sĩ: Ông Phạm Văn T. bị COPD. Và nguyên nhân hàng đầu khiến ông mắc phải căn bệnh nguy hiểm này chính là thuốc lá.
Tại Bệnh viện Bưu điện, khu vực hành lang và tất cả các phòng khám, điều trị đều có biển báo cấm hút thuốc. |
Ông T. cho biết, cho đến thời điểm phát hiện mắc bệnh, ông đã thường xuyên sử dụng thuốc lá và thuốc lào hơn 50 năm.
Là người trực tiếp khám và điều trị cho ông Phạm Văn T., ThS.BSCKII Dương Vương Trung, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện cho biết: Có nhiều yếu tố, nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD, bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất. Khói thuốc lá, thuốc lào kể cả hút chủ động hay thụ động là nguy cơ hàng đầu gây COPD. Ông Phạm Văn T. không phải là trường hợp người bệnh hiếm gặp tại khoa. Đáng tiếc khi phát hiện bệnh, cho dù người bệnh có chủ động bỏ thuốc lá thì cũng đã muộn, phải chấp nhận sống chung với bệnh tật nguy hiểm đến cuối đời.
ThS.BSCKII Dương Vương Trung, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện |
Cũng theo bác sĩ Trung, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh hô hấp phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay, COPD là một trong 3 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên Thế giới. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc COPD đứng hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là bệnh tiến triển nặng dần, không hồi phục do có những đợt cấp và xuất hiện các biến chứng trầm trọng gây tàn phế và đưa đến tử vong như suy hô hấp cấp, tâm phế mạn tính, viêm phổi nặng,...
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động. Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người. Hút thuốc lá có thể gây ung thư với mọi cơ quan trong cơ thể của bạn: phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày. Hút thuốc cũng gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh về phổi, viêm phế quản… Người hút thuốc có nhiều nguy cơ mắc các bệnh: lao, cảm và cúm, vàng răng, các bệnh về lợi (nướu) và sâu răng, phát triển nhiều nếp nhăn, loãng xương, đục thủy tinh thể, tiểu đường… Đặc biệt, phụ nữ nếu hút thuốc lá sẽ khó thụ thai hoặc khi mang thai thì thuốc lá cũng ảnh hưởng rất không tốt đến thai nhi và sức khỏe của em bé sau này.
Thuốc lá, kẻ giết người thầm lặng, mọi người nên tránh xa. |
Đáng chú ý, người hút thuốc không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá. Khói và hơi thuốc lá là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe của người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em. Người không hút thuốc bị cao huyết áp hoặc cholesterol trong máu cao thậm chí có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn khi hít khói thuốc lá. Hút thuốc thụ động góp phần gây ra hàng ngàn ca tử vong sớm do bệnh tim và ung thư phổi. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim ở những người hít phải khói thuốc lá tại nhà hoặc nơi làm việc cao hơn khoảng 25-30%. Hút thuốc thụ động còn thúc đẩy bệnh tật. Trẻ em sinh ra từ người hút thuốc có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn trẻ em sinh ra từ người không hút thuốc.
Việc sử dụng thuốc lá mang đến tổn thất, gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho người sử dụng, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.
Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành và thanh thiếu niên đã giảm, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Những nguy hại nghiêm trọng từ thuốc lá điện tử
Dù thuốc lá điện tử mới ra đời khoảng 10 năm trở lại đây nhưng rất nhiều nghiên cứu cho thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là hô hấp, tim mạch và thần kinh.
Theo nghiên cứu tại 11 tỉnh, thành trong cả nước, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác) trong nhóm 13-17 tuổi là 2,6% vào năm 2019, tỷ lệ này tăng lên 3,5% vào năm 2022 và lên 7% năm 2023. Riêng trong nhóm 13-15 tuổi, điều tra năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng lên tới 8%, trong đó trẻ trai sử dụng nhiều hơn trẻ gái (10,5% so với 5,6%. Bên cạnh đó, tỷ lệ người trưởng thành (15 tuổi trở lên) sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% vào năm 2020, tăng đến 18 lần. Phần lớn người dân và thanh thiếu niên quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thực tế, trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Trong đó Nicotine: Là chất gây nghiện có trong thuốc lá thường. Với thuốc lá điện tử, người ta đưa vào một lượng thấp hơn nicotine (3-36 mg/mL) so với thuốc lá truyền thống, tuy nhiên cũng có những loại có nồng độ nicotine cao tương tự thuốc lá truyền thống; Dung dịch tạo khói gồm: nước, Propylene Glycol và Glycerin. Khi được làm nóng, nước sẽ bay hơi kết hợp với các chất còn lại tạo nên sản phẩm giống như khói để người hút cảm giác giống như đang hút thuốc. Mặc dù các chất như Propylene Glycol và Glycerin đã được FDA cho phép sử dụng trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, tuy nhiên những chất này khi bị đốt cháy có thể tạo ra những sản phẩm nguy hại cho cơ thể như Formaldehyde, Acetaldehyde, Acrolein; Chất tạo mùi: là các hóa chất hương liệu tạo ra những mùi vị khác nhau (hoa quả, chocolate, vanium, mùi khói thuốc lá,…).
Thuốc lá và thuốc lá điện tử sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới phổi, nhiều bệnh lý khác của con người. |
Các bạn trẻ nhầm tưởng rằng, việc sử dụng thuốc lá điện tử sẽ giảm bớt ảnh hưởng tới sức khỏe so với thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác rất có hại cho sức khỏe. Nó mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát và hàng loạt bệnh tật mới, vấn đề y tế khác.
Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh tại nước ta cho thấy, chỉ trong năm 2023, có đến hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, tổn thương hệ thần kinh và tâm thần. Đáng báo động, nhiều trẻ dưới 16 tuổi nhập viện do sử dụng thuốc lá mới. Thực tế cho thấy, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính từ nhẹ đến những ca bệnh nặng, tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử là một vấn đề lớn và nghiêm trọng tới sức khỏe với người dân. Thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ.
Tại Bệnh viện Bưu điện, đối với những người bệnh tới thăm khám, điều trị bao giờ cũng được các bác sĩ hỏi kỹ về tiền sử bệnh tật cũng như các thói quen có hại như việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Rất nhiều trường hợp khi được bác sĩ tư vấn đã chủ động từ bỏ, không tiếp tục sử dụng thuốc lá. Trong khuôn viên Bệnh viện, khu vực hành lang và tất cả các phòng khám, điều trị đều có biển báo cấm hút thuốc. Ngoài ra, việc tuyên truyền lồng gép các nội dung liên quan đến tác hại của thuốc lá cũng thường xuyên được quan tâm, đẩy mạnh tại các buổi giao ban chuyên môn, các lớp học miễn phí theo từng chuyên đề dành cho người bệnh, nhất là người cao tuổi, sản phụ…Riêng việc không sử dụng thuốc lá ở nơi làm việc được các cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện chấp hành, tuân thủ nghiêm túc.