Xung quanh việc Công an tỉnh An Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” đối với ông Võ Đại Nghĩa: Nhiều dấu hiệu oan sai,
Pháp luật - Bạn đọc 01/11/2019 08:00
Những lần ông Thắng đề xuất bán thanh lí xe ô tô biển số 67A-0872 trong cuộc họp ở cơ quan (trước khi gặp và nhận tiền của ông Nghĩa) với Sở Tài chính tỉnh An Giang đều không được đưa vào kết luận điều tra. Toàn bộ những tình tiết ông Thắng có chủ đích bán xe đều không được nhắc đến, mà hoàn toàn “gán” cho ông Nghĩa, cho rằng bị ông Nghĩa ép buộc. Mỗi cuộc họp đều có biên bản rõ ràng và chính ông Thắng cùng nhiều người khác trong những cuộc họp đó đều đã khai nhận chủ đích bán xe của ông Thắng, nhưng vẫn không đưa vào Bản kết luận điều tra. Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy cơ quan tố tụng “bao che” cho ông Thắng, bỏ lọt tội phạm?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Thắng có hành vi lừa đảo ông Nghĩa, nhận tiền của ông Nghĩa nhiều lần, hứa nhận tiền để làm mục đích khác, nhưng thực tế ông Thắng lại sử dụng mục đích khác. Ông Thắng đưa ra nhiều thông tin giả dối để ông Nghĩa giao tiền, chính ông Thắng thừa nhận trong nhiều bản khai. Nhận tiền của ông Nghĩa rồi không làm đúng mục đích, khi ông Nghĩa đòi lại thì ông Thắng liên tục khất, bịa ra nhiều lí do sai sự thật, hứa sẽ trả nhưng hẹn lòng vòng mãi mà vẫn không trả…
Khi lấy lời khai của ông Thắng về mục đích nhận tiền và cách ông Thắng sử dụng tiền của ông Nghĩa, ông Thắng khai rất mâu thuẫn và không đầy đủ, còn nhiều khoản tiền vẫn chưa lí giải đã làm gì nhưng các ĐTV vẫn không hỏi đến để làm rõ chi tiết (Biên bản lời khai ngày ngày 14/3/2018 Bút lục 865, trang 436 Phụ lục 1; ngày 04/05/2018 Bút lục 885, trang 469 Phụ lục 1). Như vậy có phải đã bỏ lọt tội phạm?
Kết luận điều tra, Cáo trạng vụ án. |
Đúng ra ông Nghĩa là người bị hại nhưng lại bị xem là bị can? Ông Nghĩa bị tạm giam để điều tra xét xử trong hơn 1 năm trời mà vẫn chưa xong, còn ông Thắng là một đảng viên, cán bộ nhà nước có nhiều dấu hiệu lừa đảo nhưng tại sao vẫn không được điều tra làm rõ. Trong khi “lừa đảo” là tội hình sự nhưng lại không hề bị xử lí gì, vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Mãi cho đến hơn 1 năm sau, ngày 30/5/2019, ông Thắng mới chỉ bị kỉ luật về mặt hành chính, cách chức Bí thư chi bộ, cách chức Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh An Giang. Tại sao ông Thắng không phải chịu trách nhiệm hình sự?
Thêm nữa, Đơn tố cáo của ông Thắng có rất nhiều nội dung sai sự thật, liệu có phải là dấu hiệu phạm tội vu khống? Còn nhiều dấu hiệu ông Thắng vu khống trong đó có việc ông Thắng gài ghi âm Nguyễn Văn Tấn có chứng cứ rõ ràng, cũng là dấu hiệu cho thấy vu khống nhưng tại sao vẫn không được điều tra làm rõ?
Trong Đơn này, người tố cáo đã chỉ ra hàng chục dấu hiệu, nghi vấn sai phạm không công bằng, không minh bạch, oan sai, bao che... Đó chỉ mới là những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng được phát hiện dựa trên các cơ sở có chứng cứ, tài liệu giấy tờ, biên bản làm việc rõ ràng thì cũng đã đến con số hàng chục, chưa kể đến các sai phạm nhỏ khác. Vì lí do gì mà các cơ quan tố tụng An Giang lại sai phạm trầm trọng đến như vậy?
Anh Nhân, con ông Nghĩa, bức xúc: “Chính ông Thắng đã tự thừa nhận trong các bản khai này là ông ta lừa dối lấy tiền để đóng tiền mua xe, để cho ông Nghĩa đưa tiền nhưng thực chất ông Thắng không đóng tiền mua xe. Các lời khai càng chứng minh cho việc ông Thắng tự vu khống ông Nghĩa ép buộc giao xe, ép buộc nhận tiền mà chính ông Thắng là người chủ động lừa ông Nghĩa, lừa ông Nghĩa giao tiền cho ông Thắng, nhưng ông Thắng không làm như ông Thắng hứa. Không có tiền trả, ông Thắng viết giấy cầm xe. Nhiều ngày không có tiền chuộc nên ông Thắng quay lại tố ông Nghĩa cưỡng đoạt tài sản, mãi đến sau này mới đem tiền nộp tại cơ quan điều tra. Rõ ràng đây là hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cố tình bỏ lọt tội phạm, không truy tố người có tội. Từ tất cả các phân tích dấu hiệu cho thấy, ông Thắng có hành vi thể hiện dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông Nghĩa. Đây chính là nguyên nhân, động cơ để ông Thắng vu khống, gài, ép ông Nghĩa có hành vi cưỡng đoạt tài sản, đẩy ông Nghĩa vào vòng lao lí để không có điều kiện vạch trần tội lỗi của ông Thắng, bịt đầu mối, che đậy hành vi dấu hiệu phạm tội của mình. Việc chứng minh các sai phạm như trên là có cơ sở rõ ràng, có chứng cứ xác đáng, vậy đặt ra nghi vấn về tính công minh của quá trình tố tụng của vụ án này. Việc làm được ghi biên bản có nội dung sai thực tế đến thế thì lấy gì bảo đảm những việc làm không ghi biên bản sẽ không sai phạm? Có cơ sở rõ ràng mà đã nhiều dấu hiệu sai phạm đến hàng chục lần như thế, vậy những việc làm mà không cần ghi vào biên bản thì còn có thể sai phạm đến mức nào? Cách lấy lời khai là ĐTV là hỏi và ghi lại rồi người khai đọc lại và kí xác nhận, nhưng nếu đã có ý định không minh bạch, bao che thì việc ghi lại lời khai có còn khách quan trung thực không? Mặc dù cho việc ghi nội dung câu chữ là không sai, nhưng có cách nào để ghi vẫn không sai nhưng lại không thế hiện hết ý người khai muốn truyền đạt, hay có cách ghi nào làm phớt lờ, lấp liếm bớt không? Điều tra viên chỉ hỏi những điều mà họ muốn biết, hay có cách nào để người khai trình bày những điều mà điều tra viên không hỏi? Việc Điều tra viên đóng cửa tối để khó đọc, vu khống ông Nghĩa xé giấy gia hạn tạm giam cũng là hành vi không có ghi biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, vậy thì có còn hành vi nào khác hay tương tự như vậy nữa không?
Từ khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra, ông Nghĩa và gia đình tôi đã gửi Đơn kêu oan đến các cơ quan tố tụng An Giang. Chúng tôi chưa gửi Đơn đến các cơ quan truyền thông, đài báo vì vẫn còn chờ cách giải quyết của các cơ quan tố tụng An Giang, xem các cơ quan này có kiểm tra, đánh giá lại, giải quyết một cách thấu đáo hay không. Nhưng thực tế các cơ quan tố tụng tỉnh An Giang đã không nhận những sai phạm mà còn tiếp tục sai phạm một cách trầm trọng hơn, ngang nhiên xem thường Pháp luật. Chúng tôi không thể nào chịu đựng thêm những sai phạm này nữa, nó gây quá nhiều tổn thất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ông Nghĩa và gia đình chúng tôi. Chính vì lẽ đó khiến chúng tôi vô cùng bức xúc, đến thời điểm này buộc gia đình chúng tôi phải đưa toàn bộ vụ án cho các cơ quan truyền thông, các cơ quan trung ương, đưa vụ việc ra ánh sáng để đem lại sự công bằng. Không thể tiếp tục để những sai phạm thế này ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào Pháp luật, ảnh hưởng đến tính công minh của Pháp luật Việt Nam.
Ông Thắng đã xác nhận số tiền còn nợ ông Nghĩa là 307.160.000 đồng và đã giao nộp để xử lí. Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh An Giang đã trả lại xe Honda City cho ông Thắng từ khi vụ án vẫn còn đang trong giai đoạn điều tra, thế nhưng cho đến nay ông Nghĩa và gia đình chúng tôi vẫn chưa nhận lại được khoản tiền nợ nào. Vậy thử đặt một câu hỏi: Ở đây có còn sự khách quan, công tâm từ cơ quan tố tụng An Giang không?”
Như vậy, ông Thắng có hành vi nhận tiền 400 triệu đồng để giàn xếp việc mua bán đấu giá xe của Nhà nước (thực chất là giàn xếp một cuộc đấu giá “cuội”). Vậy ông Thắng nhận tiền với mục đích này, pháp luật có cho phép hay không? Và ông Thắng giàn xếp một cuộc đấu giá “cuội” có nhiều băng ghi âm chứng minh, có được pháp luật cho phép hay không? Câu trả lời 2 điều nghi vấn này là: Không!
Ngoài ra, trong hồ sơ còn thể hiện dấu hiệu cơ quan điều tra ghi chép cắt xén, sửa nhiều nội dung ghi âm; thể hiện dấu hiệu ém nhẹm biên lai chuyển tiền qua ngân hàng (biên lai này ông Nghĩa cất trong ví và bị thu giữ lúc bị bắt)?
Vậy tại sao Cơ quan tố tụng ở tỉnh An Giang lại bỏ quên những tình tiết có dấu hiệu phạm tội nêu trên? (Còn nữa)