Xung quanh các bản án hành chính và dân sự tại Công ty CP phát triển Thủy Long, tỉnh Thái Bình
Pháp luật - Bạn đọc 24/08/2022 09:00
Bài 2: Công ty tố cáo “thông án” để trục lợi?
Ngay trước khi TAND Cấp cao tại Hà Nội chưa ban hành các bản án Giám đốc thẩm đối với Công ty Thủy Long, nhiều người am hiểu pháp luật và nhạy bén tình hình xã hội ở Thái Bình đã từng khẳng định, kết cục vụ việc rồi đây sẽ được an bài ở Tòa cấp cao là “y án sơ thẩm”(!?).
Ngỡ ngàng với nhận định chuẩn xác đến không ngờ đó, dư luận đặt nghi vấn liệu có việc thông qua vai trò của luật sư dẫn dắt, cấp sơ thẩm TAND huyện Kiến Xương đã tạo được mối “giao hảo” với một bộ phận Thẩm phán ở Tòa cấp cao để cùng nhau “làm luật”? Các vụ án của Công ty Thủy Long không phải trường hợp ngoại lệ, mà trước đó vụ án tranh chấp đất đai giữa anh em ông Nguyễn Văn Nam, tại xã Bình Minh cũng đã từng bị TAND huyện Kiến Xương (cấp sơ thẩm) và TAND cấp cao tại Hà Nội (cấp Giám đốc thẩm) hành “lên bờ, xuống ruộng”. Nếu không có hồ sơ minh chứng từ vụ án hình sự và báo chí vào cuộc, ông Nam không biết đến bao giờ mới đòi lại được công lí?
Biên bản làm việc ngày 10/12/2021 của TAND Cấp cao tại Hà Nội “ép” Công ty Thủy Long phải trả cho ông Thắng, bà Xoa 30 tỉ đồng để chấm dứt khiếu kiện. |
Đương sự trong vụ án cho rằng, nhìn lại 2 Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/QĐST-KDTM ngày 19/3/2020 và 02/2020/QĐST-KDTM ngày 12/5/2020 của TAND huyện Kiến Xương (cấp sơ thẩm) và 2 bản án Giám đốc thẩm số 10/2022/KDTM-GĐT và 11/2022/ KDTM-GĐT ngày 26/4/2022 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, có thể thấy, án văn thể hiện “trùng” với tư duy, ý chí, định hướng của luật sư, người bảo vệ quyền lợi cho ông Thắng và bà Xoa. Trong khi đó, kể từ ngày 9/9/2015, thời điểm chốt chào bán cổ phần của Công ty Thủy Long theo Thông báo do chính tay ông Thắng kí ngày 12/12/2014, thì cổ phần sở hữu của ông Thắng và bà Xoa chỉ còn 15,63%, chứ không còn tồn tại 50% như tại thời điểm phát hành Thông báo mà các bản án viện dẫn. Khoản 4, Điều 124 Luật Doanh nghiệp quy định: “Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đầy đủ” và “kể từ thời gian đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của Công ty”. Điều đó có nghĩa là đến ngày 9/9/2015, cổ phần sở hữu của bà Ngọc Anh đã chiếm ưu thế 77,5%, còn lại ông Cần 6,88%, ông Thắng 8,75%, bà Xoa 6,88%. Căn cứ vào các Khoản 3,4,5 và 6 Điều 136 Luật Doanh nghiệp quy định thì việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc nhóm cổ đông của Công ty Thủy Long diễn ra các ngày 20/8/2016, ngày 24/4/2017, ngày 20/3/2018 và ngày 29/6/2019 là hợp lệ, đúng pháp luật. Trong khi đó, án sơ thẩm và Giám đốc thẩm lại khẳng định rằng, tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên đó, ông Thắng và bà Xoa vẫn đang sở hữu 50% cổ phần của Công ty(!?). Tại thời điểm diễn ra các Đại hội đồng cổ đông nói trên, cổ phần sở hữu của ông Thắng và bà Xoa chỉ còn chiếm hữu 15,63%. Có nghĩa là theo Khoản 1, Điều 141 Luật Doanh nghiệp và Điều 16 điều lệ Công ty Thủy Long quy định thì ông Thắng và bà Xoa chỉ là cổ đông đại diện cổ phần 15,63% tham dự, trong khi đó, các cổ đông khác tham dự có cổ phần đại diện chiếm ưu thế 84,37%. Theo khoản 1, Điều 141 Luật Doanh nghiệp quy định: “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết” và Điều 16 Điều lệ của Công ty Thủy Long quy định: “Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết”, thì việc tiến hành Đại hội đồng cổ đông và ban hành các Nghị quyết các ngày nêu trên của Công ty Thủy Long là hoàn toàn hợp lệ, đúng pháp luật.
Được biết, cổ đông Công ty Thủy Long đã có đơn tố giác tội phạm đường dây “thông án” đã ban hành các bản án trái pháp luật nêu trên. Chứng cứ pháp lí mà cổ đông cho rằng có ý nghĩa quan trọng là trước khi Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn ban hành 2 bản án Giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hành xử triệu tập đại diện Công ty Thủy Long theo hướng chấp nhận trả cho ông Thắng và bà Xoa 30 tỉ đồng để chấm dứt vụ án(!?). Thêm vào đó, Chủ tọa phiên tòa hành chính sơ thẩm TAND tỉnh Thái Bình, ngày 27/7/2022, tự “bịa” ra việc hồ sơ ĐKKD của Công ty Thủy Long “đã được cơ quan chức năng xác định làm giả” để hủy trái pháp luật liên tiếp 5 Giấy chứng nhận ĐKKD.
Trước những bản án trái pháp luật làm khủng hoảng các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, ngày 29/7/2022, HĐQT Công ty Thủy Long triệu tập cuộc họp bất thường đã quyết định: Nhóm cổ đông sở hữu 85,3% vốn điều lệ cam kết không chuyển nhượng hoặc bán cổ phần cho bất kì cá nhân, tổ chức nào, bảo đảm đúng cam kết với tỉnh thực hiện Dự án. Tiếp tục huy động nguồn vốn của cổ đông, đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước cho Cụm công nghiệp Ninh An. Đồng thời, có đơn kháng án Bản án hành chính sơ thẩm số 18/2022/HC-ST, ngày 27/7/2022 của TAND tỉnh Thái Bình theo luật định và có đơn tố giác tội phạm gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật của ông Thắng, bà Xoa trong hoạt động tố tụng và tung tin gây mất ổn định an ninh chính trị trên địa bàn, phương hại đến danh dự, quyền lợi chính đáng của Công ty.
Dư luận xã hội và cộng đồng doanh nghiệp ở Thái Bình đồng tình với quan điểm và các quyết định kiên quyết của các cổ đông Công ty Thủy Long. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng sớm xác minh làm rõ có hay không có đường dây “thông án” để trục lợi, xử lí nghiêm theo tinh thần của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và tỉnh Thái Bình.
Xung quanh các bản án hành chính và dân sự tại Công ty CP phát triển Thủy Long, tỉnh Thái Bình Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc hưởng ứng thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn của tỉnh, Công ty CP ... |