Xung quanh các bản án hành chính và dân sự tại Công ty CP phát triển Thủy Long, tỉnh Thái Bình
Pháp luật - Bạn đọc 23/08/2022 08:38
Bài 1: Phán quyết của các cấp Tòa tiềm ẩn nhiều “khuất tất”?
Căn cứ vào nội dung thể hiện trong các bản án từ sơ thẩm đến Giám đốc thẩm và các tài liệu thu thập được cho thấy: Công ty Thủy Long được Phòng Đăng kí kinh doanh (ĐKKD), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thái Bình cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp ngày 8/8/2011, có mã số 1000898360. Theo Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần 6, ngày 22/4/2015, thể hiện vốn đăng kí của Công ty là 5 tỉ đồng, với 4 cổ đông sở hữu cổ phần theo tỉ lệ, gồm: Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh: 28%; ông Nguyễn Văn Thắng: 28%; ông Phạm Văn Cần: 22% và bà Lại Thị Xoa: 22%. Ông Phạm Văn Cần là Chủ tịch HĐQT; bà Nguyễn Thị Ngọc Anh làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Thông báo số 01/TB-Cty phát hành cổ phiếu cổ đông ngày 12/12/2014 và Giấy đề nghị đăng Thông báo phát hành cổ phiếu của Công ty Thủy Long trên Cổng thông tin ĐKDN Quốc gia do ông Nguyễn Văn Thắng kí. |
Tuy nhiên trước đó, do yêu cầu tăng nguồn vốn để đáp ứng đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của Nhà máy nước, nên ngày 9/11/2014, Đại hội đồng cổ đông Công ty đã quyết định tăng vốn điều lệ từ 5 tỉ đồng lên 16 tỉ đồng. Triển khai Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, ngày 12/12/2014, với tư cách là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật giai đoạn đó, ông Thắng đã kí ban hành Thông báo số 01/TB- Cty phát hành 1.100.000 cổ phiếu phổ thông, với tổng giá trị 11 tỉ đồng. Cùng ngày, ông Thắng có Văn bản đề nghị Phòng ĐKKD, Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình đăng công khai Thông báo phát hành, chào bán cổ phiếu của Công ty Thủy Long trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia theo quy định. Có nghĩa là đến tại thời điểm đó, quyết định tăng vốn chào bán cổ phiếu của Công ty Thủy Long diễn ra suôn sẻ, minh bạch, công khai, đúng pháp luật! Tuy nhiên, hết thời hiệu phát hành chào bán cổ phiếu, ông Thắng, ông Cần và bà Xoa không có khả năng tăng vốn theo kỉ phần được phân định, ngày 9/1/2015, Công ty Thủy Long quyết định bán toàn bộ số cổ phần phát hành thêm cho bà Ngọc Anh. Tính đến ngày 9/9/2015, bà Ngọc Anh đã nộp đủ 11 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty tại Ngân hàng thương mại CP Ngoại thương - Chi nhánh Thái Bình. Khoản 4, Điều 124 Luật Doanh nghiệp quy định: “Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đầy đủ” và “kể từ thời gian đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của Công ty”. Chính vì thế, sau khi tăng vốn điều lệ lên 16 tỉ đồng, tương đương với 1.600.000 cổ phần thì tỉ lệ sở hữu của các cổ đông Công ty Thủy Long được xác lập như sau: Bà Ngọc Anh sở hữu 1.240.000 cổ phần, chiếm tỉ lệ 77,5%; ông Thắng sở hữu 140.000 cổ phần, chiếm tỉ lệ 8,75%; ông Cần sở hữu 110.000 cổ phần, chiếm 6,88%; bà Xoa sở hữu 110.000 cổ phần, chiếm 6,88%. Do tăng vốn, kỉ phần sở hữu bị giảm, mất vai trò chi phối điều hành, ông Thắng và bà Xoa đã làm đơn khởi kiện ra TAND tỉnh Thái Bình, yêu cầu hủy bỏ Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần 7 ngày 23/10/2015, tăng vốn pháp định của Công ty từ 5 tỉ đồng lên 16 tỉ đồng theo Thông báo chào bán cổ phần niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia. Chỉ dựa vào giám định 3 trang đầu của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 9/11/2014 (phần giáo đầu) “đã bị thay đổi” chưa có kết luận nào xác định là giả mạo, nhưng Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2017/HCST ngày 21/7/2017 của TAND tỉnh Thái Bình và Bản án phúc thẩm số 117/2018/HC-PT ngày 9/4/2018 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần 7, ngày 23/10/2015, khôi phục pháp lí của Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần 6, ngày 22/4/2015. Có nghĩa là đến thời điểm ngày 9/4/2018, vốn trên Giấy chứng nhận ĐKKD của Công ty Thủy Long lại trở về 5 tỉ đồng nguyên trạng ban đầu, mặc dù cổ phần chào bán 11 tỉ đồng đã được ghi nhận trong sổ đăng kí cổ đông và đưa vào nguồn vốn của Công ty, bảo đảm tài chính thi công các hạng mục công trình của Dự án đúng tiến độ. Trong thực tế, ông Thắng, bà Xoa không chỉ không có khả năng nguồn vốn mua cổ phần, mà thực ra tiềm ẩn sâu xa lại khởi nguồn từ động cơ ban đầu góp vốn chạy dự án để bán dự án kiếm lời. Sự thật là nhiều lần ông Thắng và bà Xoa đã dẫn mối, cưỡng ép Công ty Thủy Long nhượng bán cho các đối tác nhưng không được Công ty Thủy Long chấp nhận. Chính vì không đạt được mục đích, ông Thắng và bà Xoa tỏ thái độ bất hợp tác với Công ty, thậm chí chối bỏ không tham dự các Đại hội đồng cổ đông thường niên, mặc dù đã được triệu tập hợp lệ? Tiếp đó là 11 phán quyết từ cấp sơ thẩm đến cấp cao liên tiếp đổ xuống đầu Công ty Thủy Long, gây nên một hiện tượng “bất thường” trong pháp đình Việt Nam. Cụ thể là: Ngày 12/5/2020, TAND huyện Kiến Xương ban hành Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự số 02/2020/QĐST-KDTM hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 20/8/2016, ngày 24/4/2017 và ngày 20/3/2018, lại ban hành tiếp Quyết định sơ thẩm hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 29/6/2019.
Ngày 9/9/2020, TAND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự số 01/2020/QĐPT-KDTM tuyên xử không chấp nhận đơn yêu cầu hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 20/8/2016, ngày 20/4/2017 và ngày 20/3/2018 của ông Thắng và bà Xoa. Ngày 20/11/2020, lại ban hành tiếp Quyết định số 02/2020/QĐPT-KDTM không chấp nhận đơn yêu cầu hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 29/6/2019 của ông Thắng và bà Xoa. Cùng ngày 29/7/2021, bà Đào Thị Minh Thủy, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội ban hành liên tiếp 2 Quyết định kháng nghị số 13/2021/KN-KDTM và số 14/2021/KN-KDTM đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử Giám đốc thẩm theo hướng hủy Quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Kiến Xương giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Cùng ngày 26/4/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội ban hành liên tiếp 2 Quyết định Giám đốc thẩm số 10/2022/KDTM-GĐT và số 11/2022/KDTM-GĐ Ttuyên hủy toàn bộ Quyết định phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Bình nhưng lại giữ nguyên Quyết định sơ thẩm của TAND huyện Kiến Xương.
Trước phán quyết Giám đốc thẩm này của TAND Cấp cao tại Hà Nội, dư luận xã hội không khỏi hoài nghi về sự công tâm, khách quan, tuân thủ theo pháp luật của Chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm. Bởi sự thật, các Quyết định phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Bình đã phản ánh khá đầy đủ bản chất vụ việc, đã và đang xảy ra tại Công ty Thủy Long là bản án thấu tình đạt lí, tuân thủ nghiêm theo luật định. Lẽ ra vụ việc khiếu kiện của ông Thắng và bà Xoa đã được chấm dứt tại đó, nếu như không có kháng nghị và 2 bản án Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là phải chăng các phán quyết của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tạo “điều kiện” để rồi từ đó rộng đường cho Phiên tòa sơ thẩm hành chính ngày 27/7/ 2022 của TAND tỉnh Thái Bình, tuyên hủy liên tiếp 5 Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần thứ 12, lần thứ 13, lần thứ 14, lần thứ 15, lần thứ 16 của Công ty Thủy Long?