Xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh: Tiêu hủy lợn dịch tả Châu Phi, UBND xã chỉ nghe phản ánh để không hỗ trợ cho dân!?
Pháp luật - Bạn đọc 20/01/2020 11:04
Các gia đình ông Phạm Văn Dũng, Phạm Văn Trung, thôn 4, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh có trang trại nuôi lợn chuyên nghiệp. Các gia đình này nuôi lợn cung cấp ra thị trường, chứ không buôn bán, giết mổ. Các gia đình trình bày, do địa phương xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền địa phương thành lập đoàn tới tiêu hủy cả đàn lợn của gia đình, cũng như của các gia đình khác. Thế nhưng, hai gia đình ông Dũng và ông Trung không được nhận tiền hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ. Họ làm đơn kiến nghị, nhưng cả xã và huyện giải quyết đều không thỏa đáng, không đúng sự thật. “Chính quyền xã thì nói rằng gia đình chúng tôi buôn bán, vận chuyển lợn ở nơi khác về, nên không đồng ý hỗ trợ. Còn chính quyền huyện lại bảo, do chúng tôi nhập lợn không khai báo với chính quyền địa phương, không cung cấp các hồ sơ liên quan về kiểm dịch thú y, nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Cùng hai gia đình tôi còn hai hộ nữa cũng không được nhận hỗ trợ” – ông Trung bức xúc nói.
Ông Phạm Văn Dũng chỉ cho phóng viên chuồng trại của gia đình |
Lần theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo điện tử Ngày mới, Báo Người cao tuổi tiến hành xác minh, thu thập tài liệu cho thấy: Ngày 22/5/2019, xã Quảng Minh thành lập tổ công tác gồm: ông Phạm Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã; ông Trần Văn Thành, cán bộ GTTL-NLNTS; bà Phạm Thị Mai, cán bộ thú y và bà Phạm Thị Máy, Trưởng thôn 4 tiến hành tiêu hủy đàn lợn của 2 gia đình ông Phạm Văn Trung và ông Phạm Văn Dũng. Biên bản tiêu hủy thể hiện, tại hộ ông Phạm Văn Trung có tổng số 29 con lợn, trong đó 21 con lợn siêu nái tổng trọng lượng 5.139kg, lợn thịt có 8 con bằng 386kg. Hộ ông Phạm Văn Dũng có 10 con lợn siêu nái, tổng trọng lượng 2.438kg. Do không được nhận hỗ trợ theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hai gia đình thiệt hại khoảng hơn 590 triệu đồng.
Các gia đình làm đơn kiến nghị lên UBND xã Quảng Minh. Ngày 28/11/2019, UBND xã Quảng Minh có Văn bản số 308/CV-UBND, về việc trả lời đơn thư của công dân, cho biết: Ngày 9 và 10/3/2019, ông Nguyễn Thế Hưng, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 4 vào gia đình ông Phạm Văn Trung và bà Đinh Thị Huyên rà soát, thống kê số lợn nuôi của gia đình, nhưng ông bà không có nhà, nên bố đẻ ông Trung là ông Phạm Văn Viết xác nhận số lợn của gia đình là 11 con lợn thịt (ông Trung, bà Huyên ở chung nhà với ông Phạm Văn Viết, có 8 ô chuồng chăn nuôi), qua kiểm tra gia đình ông Phạm Văn Dũng có 4 ô chuồng không có lợn. Từ kết quả này, UBND xã kết luận số lợn tiêu hủy của hai gia đình ông Trung và ông Dũng không trùng khớp với số liệu rà soát ban đầu. Còn số 11 con lợn thịt của ông Phạm Văn Viết, UBND xã đã phê duyệt hỗ trợ. Ông Viết cũng xác nhận đã được nhận tiền hỗ trợ.
Chuồng trại hiện đã trống không, gia đình rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn |
Phóng viên đã vào gặp ông Phạm Văn Viết (đang điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà), để xác minh rõ sự việc. Ông Phạm Văn Viết khẳng định, ông không kí vào bất cứ văn bản nào, kể từ khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi ở địa phương. “Ông Hưng không hề vào chuồng kiểm tra lợn, mà chỉ đứng ngoài phát vôi bột để khử trùng. Tôi không hề kí nhận vào sổ của ông Hưng. Chữ kí trong sổ của ông ấy là giả mạo chữ kí của tôi” – ông Viết khẳng định.
“Căn cứ vào danh sách tiêu hủy lợn của các thôn, ngày 26/2/2019, UBND xã niêm yết công khai danh sách các hộ dân có lợn mắc dịch tả Châu Phi phải tiêu hủy. Sau khi niêm yết, đã có ý kiến của Nhân dân phản ánh có 4 hộ dân không nuôi số lợn đó, số lợn bị tiêu hủy của 4 hộ dân do buôn bán, vận chuyển ở nơi khác về. Ngày 1/8/2019, tổ thẩm định và lãnh đạo xã họp để phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ, các thành viên trong tổ thẩm định của xã không đồng ý hỗ trợ cho 4 hộ, trong đó có gia đình ông, bà. Căn cứ số lượng rà soát lợn của thôn ngày 9 và 10/3/2019, căn cứ vào ý kiến của Nhân dân và ý kiến các thành viên trong tổ thẩm định của xã… ngày 9/8/2019, UBND huyện ra Quyết định số 2401A/QĐ-UBND, phê duyệt danh sách hỗ trợ… cả xã là 291/295 hộ. Còn lại 4 hộ không được phê duyệt, trong đó có gia đình ông, bà…” – Văn bản số 308/CV-UBND ngày 28/11/2019 của UBND xã Quảng Minh cho biết.
Văn bản số 62/CV-UBND, về việc phân công phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi của UBND xã Quảng Minh |
Như vậy đã rõ, việc UBND xã cho rằng các gia đình chở lợn ở nơi khác về, để loại các hộ dân ra khỏi danh sách hỗ trợ, mà chỉ dựa vào phản ánh của Nhân dân. Thế nhưng, ai phản ánh? Phản ánh bằng hình thức nào, bằng văn bản hay trực tiếp? UBND xã không đưa ra được căn cứ (văn bản hoặc biên bản ghi nhận)!? Vậy mà chính quyền xã vẫn dựa vào đỏ, để không hỗ trợ cho người dân, gây thiệt hại không nhỏ cho những hộ chăn nuôi lợn.
Trong khi đó, ngày 19/3/2019, UBND xã Quảng Minh ban hành Văn bản số 62/CV-UBND, do ông Bùi Đức Ngọc, Chủ tịch UBND xã kí, về việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã, trong đó phân công: “4. Đ/c Nguyễn Văn Điềm, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự: Phối hợp với Đoàn thanh niên xã lập một chốt kiểm tra dịch tại khu vực giáp ranh xã Quảng Thắng (khu vực nhà ông Tài thôn 5), phân công đội thường trực kiểm soát các phương tiện chở lợn có giấy tờ chứng minh nguồn gốc…
Biên bản tiêu hủy lợn của gia đình ông Phạm Văn Dũng |
- Đ/c Phạm Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã: Phối hợp với Hội CCB xã lập 2 chốt kiểm tra dịch, một chốt tại cổng xã, một chốt tại khu vực nhà anh Dương giáp ranh xã Quảng Thành (khu vực thôn 6), phân công công an viên, Hội CCB kiểm soát các phương tiện chở lợn có giấy tờ chứng minh nguồn gốc…
Đều với yêu cầu: “Lợn không có bệnh, lợn không ở vùng dịch mới cho vào địa bàn xã…”. Câu hỏi đặt ra, với ngần đó chốt kiểm tra, mà không có bất cứ biên bản hay tài liệu nào về việc ngăn chặn, vậy lợn của các gia đình ông Phạm Văn Trung, ông Phạm Văn Dũng ở đâu ra, không lẽ “rơi từ trên trời xuống”?
Biên bản tiêu hủy lợn của gia đình ông Phạm Văn Trung |
Ở một diễn biến khác, ngày 25/12/2019, UBND huyện Hải Hà thành lập tổ công tác làm việc với các hộ: ông Phạm Văn Trung và ông Phạm Văn Dũng gồm: ông Nguyễn Tiến Đức, Trưởng phòng; ông Phạm Xuân Dũng, chuyên viên đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bà Nguyễn Thị Thuận, chức vụ Giám đốc; ông Nguyễn Văn Dương, cán bộ đại diện Trung tâm Dịch vụ kĩ thuật nông nghiệp huyện. Ông Đinh Thế Hưng, chuyên viên Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện. Đại diện UBND xã Quảng Minh gồm: Ông Phạm Văn Giang, Phó Chủ tịch; ông Trần Văn Thành, cán bộ phụ trách nông nghiệp; ông Nguyễn Văn Toàn, kế toán; bà Phạm Thị Mai, cán bộ thú y. Biên bản cuộc làm việc thể hiện ý kiến các hộ dân có nội dung: Từ ngày 17/3/2019 đến 19/3/2019, gia đình có nhập lợn giống về chăn nuôi. Giống lợn được nhập từ Hưng Yên gồm các đợt:
Ngày 17/3/2019, gia đình ông Dũng nhập 15 con lợn nái, trọng lượng bình quân 210 – 230kg/con. Đến ngày 19/3/2019, tiếp tục nhập thêm 6 con nái, tổng số 21 con.
Ngày 19/3/2019, gia đình ông Trung nhập 10 con lợn nái, bình quân 190 – 200kg/con.
Các hộ dân cho biết: Gia đình không biết, không được nghe Thông báo số 36/TB-UBND ngày 1/3/2019 của UBND xã Quảng Minh… ngày 28/11/2019, họ mới nhận được Thông báo này, khi UBND xã trả lời các hộ dân.
Ông Phạm Văn Viết xác nhận với phóng viên, ông không kí vào bất cứ văn bản nào kể từ khi có dịch |
Biên bản không có chữ kí xác nhận của 2 hộ: ông Phạm Văn Trung và ông Phạm Văn Dũng. Giải thích về việc không kí biên bản làm việc, các gia đình cho hay, do biên bản ghi sai thông tin về việc các hộ nhập lợn về nuôi, nên các hộ không kí. “Chúng tôi chỉ nói rằng lợn chúng tôi nuôi được nhập từ Hưng Yên, chứ không nói cụ thể ngày nào nhập. Hơn nữa, số lợn nhập ghi trong biên bản cũng không khớp với số lợn của gia đình, nên chúng tôi không kí” – ông Trung khẳng định với phóng viên. Giải thích này của các hộ là có căn cứ, bởi biên bản ghi ông Dũng nhập tổng số 21 con lợn nái, trong khi gia đình ông Dũng chỉ có 10 con bị tiêu hủy. Biên bản ghi gia đình ông Trung nhập 10 con lợn nái, trong khi số lợn tiêu hủy của gia đình ông Trung lên tới 29 con. Mặt khác, nếu 2 gia đình này nhập lợn về nuôi thời điểm đó, sao không có bất cứ biện pháp ngăn chặn nào từ chính quyền xã, mà phải dựa vào phản ánh, để loại các gia đình khỏi danh sách hỗ trợ!?
Từ những căn cứ nêu trên, Báo Người cao tuổi kiến nghị UBND huyện Hải Hà xem xét lại sự việc, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân, đồng thời xử lí nghiêm theo pháp luật hành vi vi phạm pháp luật của các cán bộ (nếu có).