Tiếp vụ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi ở xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh: Đề nghị UBND huyện Hải Hà tiếp tục chỉ đạo làm rõ nội dun
Pháp luật - Bạn đọc 23/02/2020 15:41
Trích nội dung Văn bản số 139/UBND-NNPTNT của UBND huyện Hải Hà
(1) Đối với các ý kiến của hộ dân: Ngày 25/12/2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch, Trung tâm Dịch vụ kĩ thuật nông nghiệp, UBND xã Quảng Minh đã có buổi làm việc với đại diện 2 hộ gia đình có đơn kiến nghị. Tại buổi làm việc, UBND xã Quảng Minh cùng cán bộ thôn, cán bộ phụ trách lĩnh vực, cán bộ thú y xã đã có ý kiến số lượng đàn lợn của 2 hộ dân, khi xã tiến hành kiểm đếm, thống kê rà soát ban đầu để phát vật tư tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại 2 hộ ngày 10/3/2019, là không có số lợn trên tại các chuồng, chỉ có hộ ông Phạm Văn Viết có 11 con trong các ô chuồng (có chữ kí xác nhận của ông Phạm Văn Viết, là bố của ông Phạm Văn Trung, Phạm Văn Dũng).
Tại buổi làm việc, theo ý kiến của 2 hộ dân, ngày 17/3 – 19/3/2019 (thời điểm này trên địa bàn huyện Hải Hà đã phát dịch tả lợn châu Phi tại xã Quảng Thịnh), các hộ dân đã chuyển số lợn trên từ tỉnh Hưng Yên về nuôi và không khai báo với chính quyền địa phương. Nội dung báo nêu các hộ dân không được nói thời gian nhập số lợn trên là không chính xác, vì tại buổi làm việc có rất nhiều thành phần dự, trao đổi cụ thể 2 hộ dân đều khẳng định thời gian từ 17/3 – 19/3/2019 có vận số lợn trên về gia đình nuôi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tại Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 22/2/2019, Công văn số 2350/UBND-NLN3 ngày 10/4/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh “V/v tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh”, Công văn số 506/UBND-NN&PTNT ngày 18/4/2019 của UBND huyện Hải Hà, trong đó chỉ đạo “…Đối với lợn, sản phẩm từ lợn từ các vùng có dịch vận chuyển vào địa bàn các xã, huyện phải có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y cấp tỉnh cấp, có kết quả DTLCP, lợn khỏe mạnh không triệu chứng của bệnh DTLCP…”. Tại buổi làm việc, 2 hộ dân không cung cấp các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, nơi mua số lợn trên (2 hộ có ý kiến không nghe thấy thông báo của xã, chữ kí xác nhận của ông Phạm Văn Viết là không đúng và không kí biên bản làm việc).
Văn bản phản hồi của UBND huyện Hài Hà |
(2) Đối với UBND xã Quảng Minh, sau khi dịch xảy ra trên địa bàn huyện, UBND xã Quảng Minh đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách, để ngăn chặn và xử lí không để dịch lây lan ra diện rộng; tiến hành rà soát triển khai hồ sơ và thành lập Hội đồng thẩm định cấp xã, trình Hội đồng thẩm định cấp huyện xét chi trả cho các hộ dân trên địa bàn có lợn bị bệnh, buộc phải tiêu hủy theo quy định. Thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 230/UBND-NN&PTNT ngày 26/2/2019 của UBND huyện, về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó yêu cầu: Các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lí nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn, các hộ chăn nuôi không mua bán lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y, không mua bán, vận chuyển lợn từ các vùng đã có dịch, phải khai báo với chính quyền địa phương, phải có đầy đủ các giấy tờ về kiểm dịch thú y, kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi… Tại thời điểm nhập lợn, hộ ông Trung và hộ ông Dũng không khai báo chính quyền địa phương, không cung cấp các hồ sơ liên quan về kiểm dịch thú y, nguồn gốc xuất xứ theo quy định của Luật Thú y ngày 19/6/2015 và theo trao đổi của 2 hộ dân, số lợn trên được nhập và vận chuyển từ tỉnh Hưng Yên, trong khi đó tại thời điểm tháng 2/2019 tỉnh Hưng Yên đã công bố dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn cả nước. Nội dung bài báo có nêu, các hộ dân không được nghe và không biết có thông báo của xã Quảng Minh về những quy định trên là không chính xác, vì UBND xã Quảng Minh đã sử dụng hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn các thôn thông báo rộng rãi, liên tục các chỉ đạo, quy định của TW, tỉnh, huyện về triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn và khống chế dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Từ những căn cứ trên, Hội đồng thẩm định xét duyệt chi trả hỗ trợ các hộ dân thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi xã Quảng Minh đã họp, thống nhất không lập danh sách gia đình hộ ông Trung và hộ ông Dũng vào đối tượng được hỗ trợ… không có tình trạng như báo nêu là xã chỉ căn cứ phản ánh của người dân mà không hỗ trợ cho các hộ dân, mặt khác sau 2 đợt niêm yết công khai về danh sách, số lượng, kinh phí chi trả các hộ gia đình được hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Quảng Minh, 2 hộ dân trên không có ý kiến, ngoài ra số lợn hộ ông Phạm Văn Viết có 11 con, trùng với danh sách rà soát, thống kê ban đầu của thôn, xã đã được Hội đồng thẩm định xét duyệt của xã Quảng Minh phê duyệt hỗ trợ, chi trả theo quy định…
UBND huyện Hải Hà trân trọng tiếp thu ý kiến phản ánh của Quý báo và sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã Quảng Minh xác minh, xem xét cụ thể để làm rõ thêm nội dung này.
Ý kiến trao đổi của Báo Người cao tuổi
Trước hết khẳng định, Báo Người cao tuổi và Báo Ngày mới online có căn cứ để tin rằng, các hộ dân có lợn nuôi bị tiêu hủy, không phải lợn chở ở nơi khác về trong thời gian có dịch. Thứ nhất, việc các gia đình chở một khối lượng lớn lợn từ nơi có dịch về địa phương là không dễ xảy ra, nếu không muốn nói là không thể, bởi không ai chọn phương án chở lợn từ nơi có dịch về để chỉ nhận khoản tiền hỗ trợ, thậm chí có nguy cơ không nhận được đồng nào, trừ khi do vô tình mà thực hiện việc làm đó. Thứ hai, không hộ chuyên nghiệp nuôi lợn nào nhập về những con lợn đã trưởng thành về để nuôi (Theo Biên bản tiêu hủy lợn, gia đình ông Phạm Văn Trung có 21 con lợn siêu nái tổng trọng lượng 5.139kg, 8 con lợn thịt bằng 386kg. Gia đình ông Phạm Văn Dũng có 10 con lợn siêu nái, tổng trọng lượng 2.438kg). Việc UBND xã Quảng Minh dựa vào phản ánh của các hộ dân, để loại các gia đình khỏi danh sách hỗ trợ, được chính UBND xã khẳng định tại Văn bản số 308/CV-UBND ngày 28/11/2019 của UBND xã.
Văn bản trả lời của UBND xã Quảng Minh |
Phóng viên Báo Người cao tuổi đã gửi câu hỏi cho Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, sau đó nhận được trả lời bằng Văn bản số 26/CV-UBND ngày 6/2/2020, do ông Đỗ Đức ngọc, Chủ tịch UBND xã kí, có nội dung: “1- Thông báo số 36/TB-UBND ngày 1/3/2019. 2- Biên bản niêm yết danh sách các hộ dân bị dịch tả lợn châu Phi (UBND xã có in phô tô gửi kèm theo Biên bản niêm yết và Biên bản kết thúc niêm yết). 3- Về nhật kí phát thanh của xã: Công tác phát thanh của xã là giao nhiệm vụ kiêm nhiệm nên cán bộ không ghi nhật kí phát thanh, mà chỉ lưu những nội dung phát thanh được giao… 4- Việc nhà báo yêu cầu nêu tên người phản ánh: Xã không cung cấp vì đây là vấn đề bảo vệ người cung cấp thông tin. 5- Việc gia đình ông Phạm Văn Dũng và Phạm Văn Trung nhập lợn ngày tháng năm nào, nhà báo nên hỏi gia đình ông Dũng, ông Trung…”.
Rõ ràng, không có nhật kí phát thanh và biên bản niêm yết, UBND xã không đưa ra được căn cứ gì chứng minh đã phát thanh và niêm yết Thông báo số 36. Do đó, việc các hộ dân trình bày, họ không hề nghe và biết Thông báo số 36/TB-UBND ngày 1/3/2019 của UBND xã Quảng Minh là có căn cứ. Hơn nữa, Báo Người cao tuổi và Ngày mới online đã phản ánh: Ngày 19/3/2019, UBND xã Quảng Minh ban hành Văn bản số 62/CV-UBND, về việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã, trong đó phân công lập 2 chốt kiểm tra, đều với nhiệm vụ “lợn không có bệnh, lợn không ở vùng dịch mới cho vào địa bàn xã…”. Câu hỏi đặt ra, với ngần đó chốt kiểm tra, mà không có bất cứ biên bản hay tài liệu nào về việc ngăn chặn, vậy lợn của các gia đình ông Phạm Văn Trung, ông Phạm Văn Dũng ở đâu ra, không lẽ “rơi từ trên trời xuống”?
Ông Phạm Văn Viết khẳng định, chữ kí tên ông trong sổ của ông Nguyễn Thế Hưng là giả mạo |
Các hộ phản ánh, họ chỉ nói lợn được nhập về từ Hưng Yên, chứ không nói cụ thể ngày nào nhập. Hơn nữa, số lợn nhập ghi trong biên bản cũng không khớp với số lợn của gia đình. Do đó các hộ không kí biên bản. Một biên bản không có chữ kí của người đang được xem xét giải quyết, là văn bản không có giá trị pháp lí, nên không phải căn cứ để xem xét sự việc.
Báo Người cao tuổi và Báo Ngày mới online trân trọng việc phản hồi kịp thời thông tin của UBND huyện Hải Hà. Chúng tôi ghi nhận tinh thần tiếp thu của chính quyền huyện Hải Hà. Tuy nhiên, việc tiếp thu này chưa thật sự cầu thị. Hi vọng UBND huyện Hải Hà tiếp tục chỉ đạo làm rõ những nội dung thông tin Báo nêu, xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật, đặc biệt hành vi giả mạo chữ kí ông Phạm Văn Viết của ông Nguyễn Thế Hưng (Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 4).