10 năm vẫn chưa hoàn thành, nguy cơ lãng phí rất lớn!
Pháp luật - Bạn đọc 06/12/2024 09:53
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài về “Chống lãng phí” như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích cá nhân, tổ chức, các cấp, các ngành xem xét lại cách thức sử dụng và quản lí các nguồn lực trong toàn xã hội. Từ đó, kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai…
Bài viết nổi bật với cách tiếp cận thẳng thắn, không né tránh các vấn đề nhạy cảm, và chỉ ra cụ thể những hậu quả nghiêm trọng của việc lãng phí, Tổng Bí thư đã đi vào những khía cạnh cụ thể của lãng phí mà ít người nhắc đến, như: Lãng phí do thiếu quy hoạch, sự không hiệu quả trong đầu tư công, hay các dự án bị bỏ hoang không được sử dụng…
Từ thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm và liên hệ thực tế tại dự án xây dựng đường nối Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì (tổng đầu tư khoảng 264 tỉ đồng) đã khởi động từ năm 2014, song đến nay, tuyến đường dài hơn 800m qua phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) vẫn ngổn ngang, dang dở, và chưa hẹn ngày xây dựng lại(!).
Dự án đường nối Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì vẫn dở dang gây nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn. |
Không những vậy, dự án này cũng là vấn đề nổi cộm về khiếu kiện, khiếu nại, đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của hàng chục hộ dân có nhà, đất, tài sản bị cưỡng chế, thu hồi sinh sống tại khu vực phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Nhiều năm nay các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến TP Hà Nội vẫn chưa tìm được cách giải quyết thuyết phục và triệt để, khiến cho người dân ngày càng bức xúc, mất niềm tin.
Những kiến nghị chính đáng của người dân, đó là: Dự án triển khai có đúng quy định của pháp luật hay không? Một dự án quan trọng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sáchvài trăm tỉ đồng nhưng các văn bản, quyết định, bản vẽ cần thiết phải công khai, nhiều tài liệu không có bản chính được Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt?
UBND quận Nam Từ Liêm là chủ đầu tư dự án tại sao lại áp dụng pháp lí của Công ty Togi (nhà đầu tư tư nhân đã bị loại bỏ)? Bản vẽ chỉ giới đường đỏ và quyết định là những bản photo tại sao lại không có bản gốc dấu đỏ? Dự án có dấu hiệu chỉnh sửa quy hoạch, nắn cong tuyến đường để lấy sang phần đất ở của nhiều hộ dân, trong khi phần đất trống diện tích nhiều nghìn mét vuông không biết sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Tại sao không xác minh nguồn gốc đất, không đền bù, bố trí tái định cư? Thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất, tài sản của Nhân dân liệu có đúng pháp luật?...
Theo ông Phạm Văn Đạc (65 tuổi), ở tổ dân phố số 3, Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì cho biết, cho đến nay với gần 40 hộ gia đình và khoảng 120 nhân khẩu nhiều lần gửi đơn khiếu kiện tới cơ quan chức năng về những khuất tất mà một số cán bộ quận Nam Từ Liêm đã thực hiện quy trình đầu tư xây dựng dự án không minh bạch, pháp lí mập mờ; cưỡng chế, thu hồi nhà đất, tài sản chưa đúng quy định, đẩy cuộc sống của hàng chục hộ dân vào cảnh cơ cực, trong đó có nhiều người già và trẻ em.
Được biết, sau nhiều lần nhận đơn của người dân và chuyển đơn từ Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 12/2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Thanh tra Chính phủ và UBND TP Hà Nội phối hợp giải quyết, nhưng đến nay đã quá hạn gần 1 năm Tổ Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ vẫn chưa bàn giao Kết quả giải quyết cho người dân.
Thậm chí, chỉ tính riêng từ tháng 8 đến 9/2024, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Quang Hiếu, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm, chính quyền quận đã tổ chức 3 buổi đối thoại với người dân nhưng dường như là cho có lệ.
“Các buổi đối thoại với người dân nhưng không kí vào Biên bản; trả lời các kiến nghị của người dân không theo căn cứ, quy định của pháp luật là việc làm hết sức bất thường, coi thường Nhân dân” - bà Nguyễn Thúy Lan bức xúc.
Những NCT có nhà cửa, đất đai bị thu hồi nhiều năm nay vẫn miệt mài làm đơn gõ cửa cơ quan chức năng đòi lại công bằng. |
Để làm rõ hơn thông tin của người dân về các buổi đối thoại không kí vào biên bản, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Quang Hiếu, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm và ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm - Chủ trì các buổi đối thoại, nhưng không thấy 2 vị lãnh đạo này nghe máy.
Theo bà Nguyễn Bích Vân - hộ gia đình không nằm trong quy hoạch nhưng đã bị cưỡng chế, 3 buổi đối thoại nêu trên càng thể hiện rõ người dân có nhà đất, tài sản bị thu hồi phải chịu đựng quá nhiều uất ức, thiệt thòi vì một dự án có dấu hiệu sai phạm rõ ràng, gây lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước nhưng lại không được các cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc làm rõ, mặc người dân đã làm đơn khiếu kiện, tố cáo suốt nhiều năm.
Về tính pháp lí của dự án, đến nay, sau nhiều năm miệt mài khiếu kiện đòi quyền lợi chính đáng, người dân mới được chính quyền quận Nam Từ Liêm cung cấp một số hồ sơ liên quan, gồm: 1 bản vẽ chỉ giới đường đỏ photo (không có số quyết định, ngày, tháng và Chủ đầu tư là Công ty TNHH Togi Việt Nam) và một Quyết định số 6762 của UBND TP Hà Nội mới chỉ cho phép UBND quận Nam Từ Liêm chuẩn bị đầu tư. Còn những văn bản gốc (dấu đỏ) liên quan đến quá trình thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường người dân chưa thấy bao giờ?
“Qua thông điệp về chống lãng phí, người dân chúng tôi tha thiết kính đề nghị đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng Trung ương vào cuộc kiểm tra, điều tra làm rõ những “khuất tất” tại dự án này. Đặc biệt là quan tâm đến việc chính quyền thu hồi, cưỡng chế nhà, đất của Nhân dân đã đúng quy định hay chưa? Một dự án chưa đủ cơ sở pháp lí mà vẫn được thực hiện triển khai xây dựng là bất chấp pháp luật, từ đó dẫn đến thi công dở dang, đắp chiếu 2 năm nay gây lãng phí tiền của cần phải được xem xét, xử lí nghiêm” - bà Nguyễn Thúy Lan, ở ngõ 69, Đồng Me, phường Mễ Trì đề nghị.