Hành trình gian nan của người cao tuổi khi đòi đất cho hàng xóm mượn
Pháp luật - Bạn đọc 03/12/2024 09:23
Tạp chí Người cao tuổi nhận được đơn thư của ông Trần Xuân Tiệc, 75 tuổi, ở xóm 2, thôn Đông Thượng, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, về việc gia đình ông chỉ đồng ý cho hàng xóm mượn đất để sản xuất nhưng người mượn đất lại mang đi thế chấp ngân hàng, dẫn đến việc đất trên bị ngân hàng phát mại và bán cho người khác.
Cụ thể, năm 1988, gia đình ông Tiệc được Nhà nước cấp đất ở tại xóm 3, thôn Đông Thượng, xã Trung Đông, có chiều rộng 10m, chiều dài 10m. Năm 1989, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ông có nhượng lại cho anh Nguyễn Đình Phương, ở thôn Trung Lao, xã Trung Đông 30m2 đất có chiều rộng 3m, chiều dài 10m.
Do anh Phương không có nhu cầu sử dụng nên đã chuyển nhượng người khác, sau đó mảnh đất trên được chuyển nhượng cho nhiều người; và anh Trần Duy Chiến là người nhận chuyển nhượng diện tích 30m2 đất trên sau cùng.
Ngày 10/11/1997, ông Tiệc có cho anh Chiến mượn 36m2 đất vườn tạp, với chiều rộng 3m, chiều dài 12m để sản xuất. Khi cho mượn, ông Tiệc và anh Chiến đã viết giấy mượn đất, có ông Đỗ Văn Cứ, Trưởng xóm và ông Trần Hữu Đan, ở cùng xóm làm chứng. Diện tích 36m2 đất vườn tạp giáp với đất thổ cư của gia đình ông Tiệc và 30m2 đất của anh Chiến đã được khấu trừ vào tiêu chuẩn chia ruộng năm 1993.
Ông Trần Văn Tiệc bất bình về quyền lợi hợp pháp của ông chưa được các cơ quan giải quyết có lí có tình. |
Khoảng cuối năm 2010, ông Tiệc lại cho anh Chiến mượn đất lần hai, với 21m2 đất lúa, có chiều rộng 3,5m, chiều dài 6m, để anh Chiến làm lán sản xuất nhưng không viết giấy mượn đất. Diện tích đất lúa trên thuộc thửa số 4898, tờ bản 60, số 02 được giao từ năm 1993. Đến năm 2004 và năm 2012, khi dồn điền đổi thửa điện tích đất lúa trên vẫn thuộc hộ gia đình ông Tiệc quản lí. Đối với diện tích 36m2 đất vườn tạp và 21m2 đất lúa, hằng năm gia đình ông vẫn nộp thuế đất, thuế nông nghiệp cho Nhà nước từ khi được giao đất cho đến nay.
Tới tháng 1/2011, gia đình anh Chiến làm ăn thua lỗ, bỏ đi khỏi địa phương. Sau đó, tháng 2/2011, ông Tiệc thấy gia đình anh Nguyễn Văn Hướng và chị Nguyễn Thị Liên sử dụng diện tích đất mà gia đình ông cho anh Chiến mượn.
Sau khi tìm hiểu thì ông Tiệc mới vỡ lẽ, anh Chiến đã dùng tài sản trên thế chấp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Trực Ninh để vay tiền. Khi làm thủ tục vay vốn, anh Chiến đã kê khai điện tích nhà đất là 130m2 (bao gồm cả 2 mảnh đất mượn của ông Tiệc) và được UBND xã Trung Đông kí xác nhận.
Do anh Chiến không có khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng nên Ngân hàng đã phát mại tài sản là thửa đất cùng với tài sản trên đất trên. Anh Nguyễn Xuân Thủy đã mua lại tài sản trên từ Ngân hàng, sau đó anh Thủy bán lại cho gia đình anh Hướng và chị Liên.
Ông Tiệc cho biết, ông không thực hiện việc mua bán, trao đổi đất với anh Hướng, chị Liên nhưng hiện nay anh Hướng, chị Liên đang sử dụng 36m2 đất vườn tạp và 21m2 đất lúa của ông. Vậy nên ông yêu cầu gia đình anh Hướng và chị Liên là người đang chiếm hữu sử dụng phải trả lại cho gia đình ông diện tích đất này.
Sau đó ông Tiệc đã khởi kiện ra TAND huyện Trực Ninh, yêu cầu anh Hướng và chị Liên phải trả lại diện tích 2 mảnh đất mà ông đã cho anh Chiến mượn trước đó. Tại Bản án số: 25/2019/DSST-ST ngày 19/11/2019 của TAND huyện Trực Ninh đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Tiệc, buộc vợ chồng anh Hướng, chị Liên phải trả lại cho ông Tiệc 21m2 đất cấy lúa nói trên. Xét hiện trạng việc sử dụng đối với diện tích đất này, cho thấy vợ chồng anh Hướng đã sử dụng ổn định từ lâu, trên đất đã xây đựng các công trình. Vì vậy để bảo đảm giá trị sử dụng các công trình nên vợ chồng anh Hướng, chị Liên phải có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông Tiệc giá trị quyền sử dụng đất bằng tiền mặt là 6.000.000 đồng.
Không đồng ý với phán quyết của TAND huyện Trực Ninh, ông Tiệc đã làm đơn xin phúc thẩm bản án. Tại Bản án số: 47/2020/DS-PT ngày 17/8/2020 của TAND tỉnh Nam Định tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo ông Tiệc, ông không đồng tình với các quyết định của Tòa án, bởi hồ sơ xác minh của UBND xã Trung Đông nói gia đình ông được giao 50m2 đất ở từ năm 1988 là không đúng, trong khi các số liệu thu thuế đều ghi 100m2 đất thổ cư.
Cũng theo ông Tiệc, ngày 10/4/2011, ông đã tìm được chỗ ông Chiến ở, ông Chiến đã viết bản tự thuật gửi UBND xã Trung Đông với nội dung: “Vì hoàn cảnh tôi phải bán nhà cho anh Thuỷ ở phía Bắc đường Đen. Phía Đông giáp nhà ông Tiệc, phía Tây giáp nhà ông Quyết, chiều ngang là 3,8m, chiều dài Nam Bắc là 22m với diện tích 84m2, 3 gian trong xây 2 tầng với tổng diện tích sử dụng là 120m2 (cả tầng 1 + tầng 2) còn phía sau nhà là lán xây gạch đơn mái lợp tôn ra tới máng nước là đất của ông Tiệc cho mượn để làm máy kem đá, chưa trả tiền đất cho ông Tiệc, còn diện tích đất năm 1997 ông Tiệc cho mượn là 12m x 3m = 36m2, tôi cũng chưa trả tiền cho ông Tiệc, nay tôi viết giấy này đề làm chứng”.
Mặc dù ông Tiệc đã chưng ra các bằng chứng, chứng cứ hợp pháp, thế nhưng đều bị các cơ quan bác bỏ, không chấp nhận giải quyết. Đến nay, dù đã tuổi cao sức yếu nhưng ngày ngày ông vẫn phải đi gõ cửa các cơ quan chức năng để đòi lại các mảnh đất đã cho mượn của mình.
Liên quan đến sự việc trên, TAND huyện Trực Ninh đã có bản án sơ thẩm và TAND tỉnh Nam Định đã có bản án phúc thẩm. Ông Trần Xuân Tiệc cũng đã nộp đủ 300.000 án phí dân sự phúc thẩm tại Biên lai thu tiền số: BB/2012/04989 ngày 10/12/2019.
Tuy nhiên hiện nay, ông Tiệc cho rằng bản thân ông là người cao tuổi nên phải được miễn cả án phí phúc thẩm và việc cho mượn đất không thể kết luận chỉ có 21m2 ở lần thứ 2 mà lần đầu 36m2 cũng phải được công nhận. Còn việc có giấy tờ cho rằng ông đã bán 36m2 đất thì ông phủ nhận và cho rằng đó là không đúng. Đến thời điểm hiện nay ông Tiệc vẫn chưa được nhận đồng tiền nào liên quan đến diện tích đất bị mất của ông và ông Tiệc yêu cầu cần bồi thường có thỏa thuận thỏa đáng cho ông.
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định xem xét xử lí dứt điểm việc khiếu nại của ông Trần Văn Tiệc, để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho ông Tiệc để ông ổn định cuộc sống, tránh trường hợp đơn thư kéo dài khi tuổi đã cao.