Vừa bị lấn hẻm, vừa bị hàng xóm hành hung gây thương tích, lại bị Tòa “đổi trắng thay đen” (Kì 2)
Pháp luật - Bạn đọc 12/11/2020 09:09
Khi được cấp sổ đỏ, có diện tích bao trùm lên diện tích con hẻm, ông Nguyễn Văn Hiệp (bị đơn) đã có phản tố trái pháp luật: Buộc ông Nguyễn Văn Tư và vợ là bà Lê Thị Tuyết Nhung (nguyên đơn) phải di dời đường điện, đường ống thoát nước thải. Trong khi nội dung Biên bản hoà giải ngày 14/8/2020 tại TAND TP Bến Tre, vợ chồng ông Hiệp, bà Cẩm vẫn công nhận: “Khi chúng tôi mua thửa đất số 23 và nhà vào khoảng năm 2017, thì hệ thống thoát nước và cái cột điện đã có từ trước”. Thế nhưng, Toà sơ thẩm không căn cứ vào các chứng cứ khách quan, có thật tại hiện trường, cũng không điều tra, thẩm định xem xét nguồn gốc và quy trình cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Thà, ông Nguyễn Văn Hiệp có đúng quy trình hay không? Ngược lại, Toà chỉ căn cứ vào lời khai của bị đơn và dựa vào diện tích có trong sổ đỏ được cấp trái pháp luật để tuyên án.
Thẩm phán Huỳnh Thị Mười, Chủ toạ phiên toà sơ thẩm thể hiện thiếu trách nhiệm trước nỗi đau của Nhân dân. Vì khi thấy ông Hiệp chỉ đạo đơn vị thi công đổ bê tông đà, chiếm hết phần diện tích con hẻm và đổ đà kiềng của căn nhà 5 tầng, đè lên đà kiềng căn nhà cấp 4 của gia đình ông Tư, bà Nhung. Nhận được đơn kêu cứu, yêu cầu chính quyền địa phương và Toà án xem xét, buộc ông Hiệp tạm đình chỉ thi công, tránh gây sụt lún đổ sập nhà bà Nhung. Ngày 19/2/2020, bà Mười và ông Khâm, cán bộ tư pháp phường An Hội xuống hiện trường xác minh vụ việc, thì ông Hiệp cùng gia đình tổ chức dùng hung khí hành hung cả gia đình ông Tư, bà Nhung phải nhập viện cấp cứu. Anh Nguyễn Thành Đạt (con trai ông Tư) bị nhóm côn đồ đánh gãy tay trái, gây thương tích 12%. Chính thẩm phán Huỳnh Thị Mười cũng bị đánh tại hiện trường, cả ông Hồ Duy Khâm cũng chứng kiến cảnh ông Hiệp chửi bới thô tục, nhục mạ với những lời lẽ vô văn hoá. Sau khi bị đánh, bà Mười bức xúc nói với ông Tư: “Ngay cả con cũng bị đánh nè”. Vậy mà, khi có “Thông báo khởi tố hình sự”, thì bà Mười lại chối là không bị đánh. Động cơ nào thúc đẩy bà thẩm phán này bưng bít điều đó? Nếu không có băng hình Camera lưu lại, thì ắt hẳn những người như ông Tư, bà Nhung, anh Đạt phải ôm nỗi oan tự vu khống, bịa đặt suốt đời. Mặc dù vậy, sau khi lập biên bản tại hiện trường, bà Mười không có ý kiến đề xuất, kiến nghị với các ngành chức năng liên quan, có biện pháp xử lí các hành vi của ông Hiệp, đề nghị tạm ngưng thi công công trình.
Anh Đạt bị nhiều tên côn đồ đè đánh khắp cơ thể và gãy cánh tay trái. |
Toà sơ thẩm cố tình bỏ qua nội dung chính của vụ kiện. Trong khi bên bị hại đã có đơn yêu cầu Toà án, buộc phía bị đơn phải chấm dứt hành vi xâm phạm, khắc phục hậu quả đà kiềng căn nhà 5 tầng đè lên đà kiềng nhà cấp 4 của ông Tư, gây sụt lún ngày càng nghiêm trọng. Sau khi Toà án trưng cầu Công ty CP kiểm định xây dựng Sài Gòn, buộc ông Tư phải thanh toán số tiền 55 triệu đồng phí kiểm định. Kết luận kiểm định chỉ rõ: Nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động xây dựng và thi công và trọng tải bản thân công trình 10A Nguyễn Trung Trực, làm phát sinh hư hỏng, một phần làm tăng mức độ hư hỏng của các hư hỏng hiện hữu của công trình. Kế đến là việc thi công đào đất làm móng, là yếu tố chủ yếu phá vỡ sự kết cấu nền đất hiện hữu, làm biến dạng đất nền xung quanh khu vực xây dựng công trình, tạo thay đổi ứng xuất ở vùng nền khu đất xây dựng. Trong quá trình đào móng chưa có các biện pháp nhằm bảo đảm chống sạt lở của nền đất xung quanh công trình. Quá trình đào đất có dùng các thiết bị cơ giới, tạo ra những rung động lan truyền tác động trực tiếp gây nứt công trình lân cận.... Mặc dù bản Kết luận kiểm định số 19162/KĐ.32/SCQC ngày 4/12/2019 đã nêu ra những vi phạm quá rõ ràng như vậy, nhưng vẫn bị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem nhẹ, bỏ qua.
Chủ toạ phiên toà sơ thẩm tìm cách bênh vực phía vi phạm một cách quá trắng trợn. Trong khi Toà chưa xem xét và định giá đường cống thoát nước thải và trụ điện chữ V của gia đình bà Nhung, ông Tư, cũng như diện tích, ranh giới do UBND TP Bến Tre cấp sai cho căn nhà của ông Hiệp. Vậy mà khi nghe phía vi phạm (bị đơn) phản tố, yêu cầu Toà án buộc phía bị hại (nguyên đơn) phải di dời trụ điện và cống thoát nước, thì Toà chấp nhận ngay.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, như đại diện UBND TP Bến Tre, Phòng Quản lí đô thị (QLĐT) TP Bến Tre, Phòng Tài nguyên và Môi trường... có chức năng trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch UBND TP Bến Tre kí cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng trái pháp luật, thì không được Toà triệu tập. Ngược lại, Toà lại triệu tập những người không liên quan, như Công ty xây dựng xây nhà cho ông Hiệp. Chẳng khác nào “xử người bán dao, chứ không xử kẻ gây án”. Hành vi kí phê duyệt bản vẽ để cấp giấy phép xây dựng, khi đất chiều ngang mặt tiền nhà ông Hiệp không tới 6,64m, mà UBND TP Bến Tre cấp tới 6,724m. Điều đó hoàn toàn vi phạm pháp luật, cũng là một trong những vấn nạn cốt lõi nhất của vụ kiện. Sao Toà sơ thẩm lại bỏ qua tình tiết quan trọng nhất này của vụ án?
Khi quyền lợi của người dân bị xâm hại, họ gửi đơn khiếu nại hàng trăm lần, thì mãi tới ngày 13/9/2019, UBND TP Bến Tre mới có cuộc tiếp xúc với bà Nhung (vợ ông Tư). Trong nội dung Biên bản tiếp xúc công dân số 4177/BB-UBND, có tất cả 9 thành viên đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan của TP Bến Tre tham dự, ghi rõ ý kiến của ông Bùi Tuấn Phương, Phó Trưởng phòng QLĐT TP Bến Tre khẳng định: “Khi khảo sát cấp phép xây dựng, thì không biết phía dưới đất nhà ông Hiệp có cống thoát nước của nhà bà Nhung, nên hai gia đình tự giải quyết”. Đây là kiểu phát biểu vô trách nhiệm với lĩnh vực mình quản lí. Nếu hai gia đình tự giải quyết được thì cần gì đến chính quyền và Toà án?
Cũng từ đây, chính quyền lại chuyển việc này sang Toà án và trả lời bà Nhung một câu duy nhất: “cứ chờ toà án giải quyết”. Tại sao khi phát hiện cấp giấy phép xây dựng trái pháp luật, mà lãnh đạo Phòng QLĐT vẫn làm ngơ, nhắm mắt tham mưu cho UBND TP kí? Sao lãnh đạo Phòng QLĐT không có kiến nghị cấp trên ngưng cấp phép xây dựng, để điều chỉnh cho phù hợp? Đây là một trong những hành vi sai phạm nhất, dẫn đến vụ kiện dân sự trở thành vụ án hình sự. Toà sơ thẩm bỏ qua yếu tố cấp phép xây dựng trái phép, là cố tình xét xử vu vơ.
Việc Toà sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu giám định bổ sung của nguyên đơn, theo quy định tại Khoản 4, Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cố tình áp dụng sai luật, là không khách quan, giải quyết vụ án theo hình thức nửa vời. Vì trên thực tế thì căn nhà của phía nguyên đơn tiếp tục bị thiệt hại nặng nề hơn sau thời điểm gần một năm, so với giám định lần đầu vào ngày 4/12/2019.
Về mặt nội dung của bản án sơ thẩm đã tuyên, vi phạm quá nhiều điều luật. Còn hình thức trình bày thì toà nói một đằng, ghi chép một nẻo. Bản án này ghi chép một cách tùy tiện, vô trách nhiệm, dẫn đến sai phạm những điều cơ bản, không thể chấp nhận được. Ví dụ, căn nhà gắn liền thửa đất số 23, do vợ chồng ông Hiệp, bà Cẩm mua của ông Đào Bảo Chương vào ngày 20/9/2018, thế nhưng trong nội dung Bản án sơ thẩm số 59/2020/DS-ST ngày 28/9/2020, Toà lại ghi: “Vào năm 2019, ông Hiệp có mua thửa đất số 23 (10), diện tích 97,6m2 của ông Đào Bảo Chương và sau đó đến ngày 8/10/2018, ông Hiệp và bà Cẩm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... phía ông Hiệp xây dựng căn nhà 10A diện tích nhỏ hơn diện tích được cấp phép xây dựng...”. (Còn nữa)