Vụ án vi phạm pháp luật trong GPMB tại Dự án Tây Hồ Tây: Phát lộ những bằng chứng mới trước phiên sơ thẩm sau ba lần hoãn xử
Pháp luật - Bạn đọc 22/06/2019 08:37
Do thiếu người tham dự theo giấy triệu tập nên phiên tòa ngày 28/5, tiếp tục bị hoãn và chuyển sang xử vào ngày 11/6, nhưng phiên tòa lại tiếp tục bị hoãn. Chúng tôi vừa tiếp nhận được chứng cứ mới khá quan trọng, có thể làm thay đổi cách nhìn nhận về sai phạm xung quanh vụ án này
Hai lãnh đạo huyện Từ Liêm có văn bản về “cân đối” đất là nguyên nhân gây ra sai phạm nhưng vẫn vô can?
Ngày 24/3/2009 Bộ TN&MT có Công văn số 1850/BTNMT-TCQLĐĐ chỉ đạo việc thu hồi đất khi chưa hoàn thành phương án giao đất theo Nghị định số 64/CP của Chính phủ. Ngày 30/6/2009, ông Nguyễn Cao Chí, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký ban hành Văn bản số 741/UBND-TN&MT về việc quản lí, sử dụng quỹ đất nông nghiệp để lại không giao trên địa bàn huyện. Văn bản này gửi UBND các xã, đã trích đề cập đến Công văn 1850 có nội dung: “Trong khi chưa hoàn thành việc thực hiện phương án giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP mà Nhà nước thu hồi đất thì căn cứ diện tích giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân ghi trong phương án giao đất đã được UBND cấp huyện phê duyệt để bồi thường, hỗ trợ nhưng phải báo cáo UBND TP chấp thuận và thống nhất về chủ trương” Mặc dù biết chỉ đạo của Bộ TN&MT như trên, nhưng trong Văn bản số 741, ông Nguyễn Cao Chí lại đồng ý: “UBND xã Trung Văn chỉ được lấy diện tích đất nông nghiệp khó giao còn lại để cân đối cho các hộ được giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP, NĐ85/CP nhưng chưa nhận được đất hoặc nhận thiếu so với phương án giao đất mà chưa được cân đối bằng đất hoặc bằng tiền tại các dự án đã thu hồi đất theo Công văn số 1011/UB-TM&MT ngày 22/11/2005 UBND huyện đã báo cáo và xin ý kiến UBND TP, Sở TN&MT. Việc cân đối này, UBND xã Trung Văn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ, tránh khiếu kiện.”
Việc Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm “bật đèn xanh”, trong khi Bộ TN&MT đã có chỉ đạo mới và UBND TP Hà Nội cũng có Công văn số 4980/UBND-TNMT ngày 2/6/2019, truyền đạt tinh thần của Công văn 1850, khiến các xã tiếp tục thực hiện“cân đối” theo “lối cũ ta về”. Ngày 31/12/2009, trong văn bản trả lời công dân của xã Xuân Đỉnh, tân Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm là ông Lê Văn Thư kí Văn bản số 1732/UBND-TNMT trả lời, trong đó nêu rõ: “Ngày 30/6/2009, UBND huyện Từ Liêm đã có Văn bản số 741/UBND-TN&MT gửi UBND các xã tiếp tục thực hiện phương án giao đất nông nghiệp đã được phê duyệt; Không lấy đất nông nghiệp khó giao để giao thêm cho các hộ gia đình, cá nhân mà chỉ lấy đất nông nghiệp khó giao để cân đối cho các hộ được giao đất nông nghiệp nhưng chưa được nhận đất hoặc nhận thiếu so với phương án giao đất nông nghiệp đã lập.” Liên quan đến quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây trên địa bàn xã Xuân Đỉnh có nhiều vướng mắc, tại cuộc họp ngày 10/10/2011, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Thư vẫn chỉ đạo: “Đối với diện tích đất nông nghiệp không giao do 7 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng: Giao UBND xã Xuân Đỉnh chỉ đạo Tổ công tác GPMB tiếp tục điều tra, kiểm đếm theo quy định UBND xã Xuân Đỉnh có trách nhiệm rà soát diện tích cân đối cho các hộ thiếu diện tích khi thực hiện Nghị định 64/CP trên địa bàn xã, báo cáo Phòng TN&MT thẩm định, trình UBND huyện quyết định. Thời gian hoàn thành: xong trước ngày 30/10/2011. Phần diện tich còn lại lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.” (Thông báo số 561/TB-UBND ngày 13/10/2011 do ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chánh Văn phòng UBND huyện Từ Liêm kí, hiện ông Tuyên là Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm). Việc chỉ thị “cân đối” tại các văn bản từ ngày 30/6/2009 đến ngày 13/10/2011 của hai Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ban hành (sau khi đã có Công văn 1850 ngày 24/3/2009 của Bộ TN&MT cũng như Văn bản số 4980/UBND-TNMT của UBND TP Hà Nội), khiến cho Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh vô tư thực hiện “cân đối” theo lối cũ, là một việc dễ hiểu của cán bộ cấp cơ sở. Dẫn tới 11 trường hợp được cân đối vào đất nông nghiệp khó giao là đất mương đường, và 29 trường hợp thực hiện cái gọi là “cho” và “nhận”. Việc tuân thủ với các định hướng bằng văn bản nêu trên của hai Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm dẫn đến sai phạm của Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh, khi thực hiện theo các văn bản định hướng này. Sai phạm này dẫn tới Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh trở thành bị cáo trong Vụ án về BTHT&TĐC trong giải GPMB tại Dự án Tây Hồ Tây (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), còn hai vị Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm là ông Nguyễn Cao Chí và ông Lê Văn Thư người kí các văn bản định hướng này chẳng nhẽ lại vô can ?
Phòng TN&MT nhận văn bản không tham mưu, tân Chủ tịch phát hiện sai nhưng không sửa vì…đã lỡ phê duyệt xong rồi
Tại buổi làm việc với Đoàn Thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội về dự án Tây Hồ Tây, để thông qua dự thảo kết luận trước khi ban hành Kết luận chính thức số 421/KL-UBND-TTTP(P7) ngày 9/3/2015, ông Lê Văn Thư tại thời điểm này đang là Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm, đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm trong giai đoạn sai phạm xảy ra tại Dự án Tây Hồ Tây, đã thừa nhận có biết văn bản của thành phố chỉ đạo về điều tiết ruộng được thành phố gửi đến khoảng tháng 6, tháng 7/ 2009, khi ấy ông chưa phải là Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm. Sau này có xem lại văn bản thì thấy Chủ tịch cũ là ông Nguyễn Cao Chí có phê cho Phòng TN&MT tham mưu, nhưng phòng này không tham mưu. Đây là lỗi lớn khi được giao mà không làm của phòng chuyên môn. Ông Thư cũng thừa nhận: “Sau khi tôi phát hiện ra thì Dự án này đã phê duyệt ….Báo cáo các anh là sửa không kịp nữa, không kịp nữa. Có điều chúng tôi xin nhận khuyết điểm”.
Trong buổi làm việc đó ông Lê Văn Thư cũng cho biết, ông rất buồn khi biết thông tin là có cán bộ của Trung tâm Quỹ đất thành phố, rồi hợp tác xã, có chuyện gạ gẫm, cầm tiền của dân. Nhưng rất may là không có chuyện Chủ tịch xã cầm tiền. Cũng trong buổi làm việc này ông Thư đề xuất: “Theo suy nghĩ của chúng tôi, cán bộ thì vô tình, lỗi vô tình. Song thực ra ở đây có một vài người là có câu chuyện nhắc đi điều tiết, có biếu một ít (…) đáng trách nhưng mà cán bộ thì cũng là lỗi vô tình. Cho nên khi mà có kết luận chính thức mong các anh cho nộp tiền. Chưa thu được dân thì nộp tiền. Anh nghiên cứu để nộp Nhà nước, làm không đến nơi đến chốn. Nếu cần góp tiền cùng với nhau nộp, sau này cho nhớ, rồi tính sau. Đấy là cái hướng, đề nghị các anh nghiên cứu.”
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.