Tục Vốch zong - Vẻ đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc Cơ Tu
Văn hóa - Thể thao 03/01/2025 12:47
Tình yêu và văn hóa "đi sim"
Người Cơ Tu có quan niệm khá đặc biệt về tình yêu và hôn nhân. Họ thường lập gia đình muộn, khoảng 30 tuổi, sau khi đã tổ chức lễ "ăn giùm" (pa’zum), tương tự như nghi thức "động phòng" của người Kinh. Tuy nhiên, trước khi kết hôn, trai gái Cơ Tu được khuyến khích tham gia tục Vốch zong, một hình thức giao lưu tìm hiểu lứa đôi đầy thú vị.
Đến tuổi trưởng thành, những chàng trai, cô gái chưa lập gia đình có thể tự do tìm hiểu nhau bằng cách đi sim. Họ gặp gỡ, trò chuyện và tâm tình trong không gian lãng mạn, có thể là trên nhà moong (nhà sàn lớn), bờ suối hay chòi rẫy. Những buổi gặp gỡ này không bị giới hạn bởi thời gian, đôi khi kéo dài suốt đêm. Điều đặc biệt, gia đình và dòng tộc hai bên không những không ngăn cản mà còn ủng hộ, tạo điều kiện để đôi trẻ được trò chuyện trong sự yên tĩnh và riêng tư.
Lớp trẻ là “rường cột” của người Cơ Tu. |
Trong những buổi Vốch zong, các chàng trai thường mang theo cây đàn tình (abel) để cùng cô gái hòa nhạc, hát hò. Dưới ánh trăng dịu dàng hoặc trong bầu không khí tĩnh lặng nơi núi rừng, âm thanh của tiếng đàn, tiếng hát như gắn kết tâm hồn đôi trẻ. Tuy nhiên, tục đi sim của người Cơ Tu có một nguyên tắc bất di bất dịch: Tình cảm phải trong sáng. Các chàng trai không được phép vượt qua "ngưỡng bất khả xâm phạm" của cô gái, dù họ có dành cho nhau sự âu yếm, vuốt ve.
Phong tục và những quy tắc độc đáo
Một điểm thú vị trong tục đi sim của người Cơ Tu là sự cởi mở của gia đình cô gái. Các chàng trai đến nhà thường được gia đình mời rượu, làm gà để thết đãi trước khi tham gia Vốch zong với con gái họ. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm một quy định rõ ràng: Chàng trai phải rời đi trước khi trời sáng.
Đi sim không chỉ là dịp để tìm hiểu mà còn là cách để khẳng định danh tiếng cá nhân. Trong cộng đồng Cơ Tu, chàng trai nào có nhiều bạn tình (ch’roonh) được coi là người tài giỏi, cô gái nào được nhiều người theo đuổi sẽ được xem là "gái sắc". Tuy nhiên, sự tự do này chỉ dành cho những thanh niên chưa lập gia đình. Họ phản đối mạnh mẽ những hành vi như ngoại tình hay có con ngoài giá thú. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo luật tục, với các hình phạt như cúng gà, dê, trâu trắng hoặc thậm chí phải sinh con ngoài rừng trước khi được trở về làng.
Hôn nhân - Hành trình đầy thử thách
Trong hôn nhân, người Cơ Tu ngày xưa đặt nặng vấn đề trao đổi của cải, khiến việc lấy vợ trở thành một thử thách lớn, đặc biệt đối với những chàng trai nghèo. Gia đình nào sinh con gái được xem như sở hữu "của quý", và con gái thường được "đặt cọc" (c’la) từ khi còn nhỏ. Nếu không có đủ của cải, nhiều chàng trai phải chọn cách đi ở rể (tr’xâl), hoặc hiến đất, rừng cho nhà gái. Trong một số trường hợp, họ thậm chí phải vay mượn tài sản, sau này hứa trả bằng cô con gái đầu lòng. Nếu không thể thực hiện cam kết, khoản nợ này sẽ được truyền lại cho đời sau.
Sự biến mất của tục Vốch zong
Ngày nay, đời sống văn hóa của người Cơ Tu đã có nhiều thay đổi. Dưới sự tác động của chính sách xây dựng nếp sống mới, nhiều tập tục xưa như Vốch zong đang dần mai một. Già Y Kông, 99 tuổi, ở thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: "Trai gái bây giờ yêu nhau chẳng cần đi sim nữa. Chúng bắt chước những cảnh yêu đương trên phim, đôi khi quên đi sự răn dạy của lớp cha ông".
“Dù tục Vốch zong không còn phổ biến, nhưng nó mãi là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa của người Cơ Tu. Tục lệ này không chỉ phản ánh vẻ đẹp của tình yêu trong sáng mà còn cho thấy sự tôn trọng, tự do và ý thức trách nhiệm trong tình yêu đôi lứa của một dân tộc giàu bản sắc truyền thống văn hóa trên đại ngàn Trường Sơn hoang dã…”, già làng Đinh Văn Bớt tâm sựn